Yếu tố tâm linh sau đôi mắt cửa treo dọc phố cổ Hội An
TPO - Dọc các tuyến phố nhỏ nơi phố cổ Hội An, những đôi “mắt ” (Thần giữ cửa hay Môn thần) được gắn trước cửa chính mỗi ngôi nhà cổ, như những chứng nhân lịch sử kể về bao thăng trầm nơi đây.
Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi hội tụ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng có những dấu tích của thương cảng Champa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển.
Trải qua bao năm tháng, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam.
Du khách đến với phố cổ Hội An, khi tản bộ thường tò mò nhìn vào những đôi “mắt cửa” ở mặt tiền của các ngôi nhà nơi đây. Bất giác như có người dõi theo từng bước chân du khách, cùng với thanh chắn cửa nơi bậc thềm, nhắc nhở những người ra vào nhà cổ, phố cổ về phép ứng xử.
Người Hội An quan niệm về yếu tố tâm linh, ngôi nhà có gắn “mắt cửa” thì có thể nhìn xa hơn, giúp chủ nhà biết được những cái tốt, cái xấu, cái hên, cái xui ra sao nào trong tương lai gần. Bên cạnh còn là lời răn dạy của người xưa đối với các lớp hậu sinh về những điều tử tế, thiện tâm.
Ngoài ra, “mắt cửa” còn thể hiện cho khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro, không cho tà ma xâm phạm vào nhà gây bệnh tật, gia đình xáo trộn…
Bên trên các khung cửa chính có đôi “mắt cửa” là hai khoanh gỗ tròn chạm khắc tinh xảo với mảnh lụa đỏ treo rủ làm cho ngôi nhà vừa mang tính tâm linh vừa âm thầm, man mác buồn về một quá khứ xưa cũ.
Chủ nhân của những con “mắt cửa” là người Hoa đến Hội An từ thế kỉ 17-18. Sau thời gian, những nghệ nhân đã Việt hóa các đôi mắt này, chạm khắc công phu thành nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau dựa trên nền tảng bát quái, âm dương.
Thoạt nhìn, đó là những cái chốt gỗ dùng để gắn khung cửa với trụ ngang phía trong, có dáng như chiếc đinh. Tai đinh dài khoảng 10 cm, rộng chừng 20 cm, chính là mắt cửa, chốt đinh dài khoảng 30 cm là cái mộng để gắn mắt cửa vào khung nhà.
Tán “mắt cửa” được chia thành hai phần, là phần tâm và phần vành. Phần tâm thường trang trí hình lưỡng nghi sơn hai màu đen trắng, hình nhụy hoa, chữ triện, chữ Phúc, Thọ… Phần vành bao quanh ngoài tạo dáng hoa cúc 6 hoặc 8 cánh mà cánh xoay hình lá đề, hình bát quái, hồi văn, giao long, bốn hoặc năm con dơi bao quanh chữ Phúc…
Cụ Nguyễn Thị Bảy, 85 tuổi, một cư dân cả đời sống nơi phố Hội, cho biết: “Con mắt nhà này có từ lâu đời, từ thời ông bà để lại, cũng giúp cho ngôi nhà đẹp hơn. Ý nghĩa thì nó như con mắt trông nhà, giống mắt người để nhìn mọi thứ”.
Trong bài viết “Mắt cửa - Biểu trưng của hồn phố Hội An”, tác giả Trần Ánh - một trong những cán bộ nghiên cứu lâu năm về văn hóa Hội An nhận định: “Có lẽ ban đầu nó chỉ là hai chốt gỗ mang công năng kiến trúc là chính, sau này chủ nhà khoác lên chúng những ý nghĩa tâm linh hay thậm chí mang màu sắc tín ngưỡng hàm chứa sự tồn vong, suy thịnh của gia chủ, là nhãn quan thấu hiểu, thấu nhìn mọi suy nghĩ, hành vi của các thành viên gia đình trong quan hệ nội bộ…”.
Hiện nay, phố cổ Hội An có hơn 20 loại mắt cửa khác nhau. Đa số có dạng hình tròn, lục giác, bát giác hoặc cắt khấc thành 6, 8 cánh hoa cúc, một số ít có dạng hình vuông, hình nửa khối cầu dẹt…