Yêu nhạc Việt từ xa

Cường Phạm (bên trái) và Teddy Chilla (nhà sản xuất nhạc) trong lần về nước gần đây ảnh: Hana Lê
Cường Phạm (bên trái) và Teddy Chilla (nhà sản xuất nhạc) trong lần về nước gần đây ảnh: Hana Lê
Làm công việc của người sưu tầm âm nhạc, DJ tại London, Cường Phạm được mời làm người dẫn chương trình cho một kênh mạng nghe nhạc miễn phí. Khán thính giả có thể thưởng thức nhiều nhạc hay của Việt Nam lẫn quốc tế, trong đó có cả xẩm, quan họ, xen lẫn nhạc Trịnh...

Phạm Cường sinh ở Anh, thuộc thế hệ cuối 8X, con của gia đình thuyền nhân từ Hải Phòng. Tốt nghiệp ngành quan hệ ngoại giao, sau 3 năm làm nghề tài chính ở London, thấy tẻ nhạt, Cường bỏ việc dồn tiền tiết kiệm đi du lịch Đông Nam Á. Cảm giác ở nơi “vui đến nỗi không muốn quay về Anh” thúc đẩy anh trở lại Việt Nam sống dài hạn. Là người yêu âm nhạc từ nhỏ, Cường nhận ra âm nhạc là cách tiếp cận sâu sắc đến văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

Thạc sĩ “Hip hop Việt”

“Trang web của tôi (https://cuongpham.co) có đường dẫn đến tất cả các “triển lãm nhạc” mà tôi đã thực hiện, tôi giống như một giám tuyển tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc vậy”. Cường Phạm cũng là đồng sáng lập tạp chí Indigo (http://www.indigo-magazine.com), một diễn đàn cho những tiếng nói mới trong cộng đồng người Đông Nam Á. Anh cũng là người tổ chức một chương trình hàng tháng của kênh âm nhạc radio trực tuyến độc lập NTS (https://www.nts.live/shows/phambinho) với 300 ngàn người theo dõi.

Cường nói tiếng Việt với giọng lơ lớ giống như hầu hết Việt kiều trẻ tuổi không sinh ra tại quê hương. Xem lời dẫn anh viết cho các bản nhạc hoặc các show trên trang web thì thấy khả năng viết tiếng Việt chuẩn không cần chỉnh và vốn từ khá phong phú. “Tôi học được nhiều tiếng Việt nhờ nghe nhạc Việt và do có 2 năm sống và làm việc tại nước mình. Lúc học ở trường SOAS tôi cũng được học Tiếng Việt. Tôi còn được học Hán Nôm do thầy Nguyễn Hữu Sử chỉ giáo”.

Anh thích nghe tất cả các thể loại nhạc “tuồng, chèo, cải lương, quan họ, pop, hip hop, rap, rock, jazz… cái gì tôi cũng quan tâm, kể cả nhạc Vinahouse tôi cũng không thấy chán. Tôi thích nhiều bài hát, nhiều ca sĩ Việt”. Tuy nhiên Cường Phạm đam mê đặc biệt với hip hop. Tại London, anh đã từng nhận bằng thạc sĩ nghiên cứu hip hop Việt Nam. Hiếm có nhà phê bình âm nhạc Việt nào dành sự chú tâm chi tiết đến hip hop Việt như cách Cường Phạm nghiên cứu và phân loại. Anh theo dõi, nghiên cứu và là fan của 3 dòng hip hop Việt: người Việt kiều làm beat hoặc sản xuất nhạc ở nước ngoài; người du học làm nhạc; người làm nhạc ở nước ngoài mang về cộng tác với người Việt trong nước. Thêm nữa Cường còn được nhận học bổng từ ASEAS (Association of Southeast Asian Studies) để nghiên cứu nhạc hip hop.

Trong 2 năm dạy tiếng Anh tại một trường đại Học ở Hà Nội, ban đầu Cường dành thời gian nghiên cứu nhạc vàng (bolero), đọc tài liệu thấy nhiều người làm mảng này rồi anh phát hiện hip hop underground là đề tài gần như còn bỏ ngỏ, vậy nên anh đã chọn nó.

Cách viết lời và cách vận hành một ban nhạc hip hop là chủ đề luôn hấp dẫn nhà sưu tập 8X. Anh tập trung vào vai trò của nhà sản xuất và người làm beat (nhịp, phách). Lời hip hop rất tự do, nó tưng tửng kể về chuyện ăn chơi, sự việc tầm phào, không cần sâu sắc nhưng với tiết tấu khiến người nghe phấn khích, gật gù theo. “Hay nhất của hip hop là âm giọng. Người miền Nam hát hip hop vẫn ra giọng Nam, còn ở các thể loại nhạc mới khác thì miền nào hát cũng thành giọng Bắc”, Cường Phạm chia sẻ phát hiện của mình.

“Tại sao bạn lại chọn hip hop mà không phải pop hay rock?”, “Vì hip hop trái ngược với những gì phổ biến”. Để ra một sản phẩm tốt người làm nhạc phải sáng tạo cái chưa từng có. “Nhiều lúc bạn nghe nhạc thấy hay mà không miêu tả được vì sao hay thì có nghĩa là nó thực sự hay và mới”. Trong một lần phỏng vấn cho luận văn thạc sĩ của mình, Cường tâm đắc với câu nói của Sonia Calico, nhà sản xuất nhạc tại Đài Loan “một thể loại nhạc khi đã có hướng dẫn cách làm trên YouTube thì nó không còn hay nữa”.

Cường Phạm từng rất ấn tượng trong lần quan sát cách rapper Suboi làm nhạc “theo cách mà tôi chưa từng biết, nó đem đến hiệu ứng bất ngờ”. Anh cũng là fan của nhiều ca sĩ, nhóm nhạc cá tính và phổ biến như Tiên Tiên, Đen Vâu, Binz, Andree Right Hand, Hoang Thuy Linh, ngoài ra Cường cũng hay nghe nhạc của ca sĩ, nhóm nhạc độc lập như Nodey, Limebócx, Tiny Giant, Teddy Chilla, Sound Awakener, Trí Minh, Hồ Trâm Anh, Nguyễn Hồng Giang, Rắn Cạp Đuôi, Đờ Tùng, Wean… “Tôi đặc biệt thích nhóm nhạc “An Nam Cổ Nguyệt”. Ở Việt Nam chưa có ai sáng tác nhạc điện tử trên nền nhạc truyền thống như hai nhạc sĩ đồng sản xuất của nhóm là Dustin Ngo và Vũ Phương Thảo”.

Thưởng thức mọi điều của Việt Nam

Mới đây ở Tate Modern, Bảo tàng Nghệ thuật lớn nhất tại London, sau khi nghe bản phối trộn nhạc điện tử tiết tấu với điệp khúc bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn Thiếu niên Nhi đồng” của VINAFOUNTAIN, Nguyễn Hữu Sử, thầy giáo của anh đã vui vẻ bình luận rằng: “Cường lớn lên trong một môi trường toàn bơ và sữa, nghiện gà chiên, khoai tây rán… mà vẫn đưa rất ngọt bài hát về Bác vào bản nhạc đương đại”. Cường đã chọn bài này để chơi trong không gian của Tate Modern vì các DJ và nghệ sĩ được mời chơi nhạc liên quan tới chủ đề thời thơ ấu và thành phố.

Vào list (danh sách) tuyển chọn ngẫu hứng mỗi tháng, thính giả có thể quay về quá khứ với những ca khúc nổi danh một thời Sài Gòn trước 75, nhạc sàn Bandung (Indonesia), Jazz Nhật Bản, một số ca khúc Trịnh Công Sơn… Kênh âm nhạc NTS giới thiệu về Cường Phạm như một người sưu tầm “thiên vị nặng với châu Á”.

Còn với ca khúc Việt hình như Cường thiên vị những ca từ trúc trắc như bài “Đố ai” (Phạm Duy), “8 chữ có” (Lê Cát Trọng Lý). “Đợt này tôi nghiện nghe bài “Chiều một mình qua phố” của Trịnh Công Sơn, cứ nghe đi nghe lại không dừng được”.

Nhiều bản mix trộn ghép giai điệu nhạc truyền thống Cường rất tâm đắc nhưng đôi khi anh giễu nhại bản thân chưa cảm thụ hết độ hay của nhạc “âm lịch”, nên đặt tên khá ngộ như “Đàn gãi tai trâu (“gãi” chơi chữ với “gảy”)”, “Vịt nghe xẩm (“xẩm” chơi chữ với “sấm”)”….

Năm 2017, trong một lần về nước lấy tư liệu, có mặt tại sự kiện hip hop tại một số tỉnh, nhà nghiên cứu 8X bất ngờ vì Hà Giang, Thanh Hóa, Sơn La cũng có hip hop jam. “Tôi cứ ngỡ chỉ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới có thể loại này. Việt Nam đúng là còn nhiều bí ẩn hấp dẫn!”.

Công việc chính hiện tại của chàng trai 8X là nhân viên một tổ chức phi lợi nhuận. Anh trích một khoản thu nhập hàng tháng để mua thiết bị nghe nhạc và mua nhạc trên mạng để đưa vào kênh của mình. Tôi làm việc để nuôi đam mê với âm nhạc và với Việt Nam.

Là người nhập cư hợp pháp, bản thân hằng ngày làm việc chia sẻ khó khăn với những người nhập cư bất hợp pháp, Cường Phạm luôn đau đáu về thân phận của những người nhập cư “mãi mãi lạc loài”. Anh mong chờ những cơ hội để được về Việt Nam. Trong hơn một tháng đại dịch Covid - 19, tại Anh người châu Á đi đâu cũng bị kỳ thị, bởi vậy “họ luôn cố thanh minh mình không đến từ Vũ Hán hay Trung Quốc”. Nỗi niềm bị phân biệt đối xử càng thôi thúc những người như Cường Phạm hướng về quê mẹ. “Việt Nam là chốn để trở về chứ không phải là nơi ghé thăm. Tôi và vợ đặt mục tiêu cố trụ ở xứ người 3-4 năm nữa thôi rồi về hẳn”.

Cường Phạm là nhà nghiên cứu, nhà hoạt động cộng đồng và cây viết sống tại London. Anh có bằng thạc sĩ ngành Đông Nam Á học tại SOAS London (trường đại học chuyên nghiên cứu về châu Á, châu Phi và Trung Đông). Ngoài ra Cường Phạm tích cực tham gia vào các cộng đồng người Đông & Đông Nam Á địa phương tại London.

Yêu nhạc Việt từ xa ảnh 1 Cường Phạm chơi nhạc tại Bảo tàng Tate Modern (London) ảnh: Nguyễn Sử
MỚI - NÓNG