Tôi tìm gặp Mạc Can ở gần bến xe, nơi ông sống trong phòng trọ của một gia đình vốn là người mến mộ ông. Trong khu phố, mọi người đều biết tới “ông già Mạc Can”. Ông đã ở đây khoảng 8 năm. Chủ nhà dành cho ông một căn phòng nhỏ ngay sát phòng khách của họ.
Nhà văn Mạc Can kể: “Chủ nhà cũng là người đọc sách của tôi, họ quý, họ nói: “Ông có nhiêu đưa nhiêu, không có thì khỏi trả”. Tui có tiền là trả liền, tui không có nợ ai đâu”. Mạc Can lại phân trần: “Tôi không thích sống nơi xô bồ. Tôi muốn tìm một chỗ yên tĩnh như thế này”.
Nhà văn thở dài: “Gần đây có nhiều người giận tôi. Họ nói tôi không còn yêu nghệ thuật như trước!”. Ông kể: “Số là có một vài bài báo đăng lên mạng, nói về cảnh khó khăn của tôi, rồi người ta bình luận, thêm mắm thêm muối vào. Họ nói Mạc Can không có rau ăn, rồi người ta nói tôi không yêu nghề, tôi đi xin vai diễn. Nhiều người buồn về tôi”
Mạc Can thích hút tẩu
Trầm ngâm, nhà văn bảo: “Tôi không thanh minh. Tôi nghĩ tôi càng thanh minh, những người lắm chuyện lại càng thêu dệt làm lầy thêm. Anh đến đây, thấy cuộc sống tôi nghèo, nhưng không như người ta viết, đúng không? Tôi không nghèo đến mức không có rau ăn, càng không có chuyện Mạc Can vì tiền mà vai gì cũng đóng”.
Nhà văn vừa nấu cơm bằng cái nồi cơm điện nhỏ. Trong căn phòng có tủ lạnh, ti vi, máy tính, dù rằng chúng khá là cũ kỹ. Nói chung, ông có những phương tiện tối thiểu để tồn tại và viết lách.
“Tôi không nợ ai”
Nhà văn sinh năm 1945 (năm nay 75 tuổi), nhưng ông vẫn nhanh nhẹn. Thú tiêu khiển của ông là phi tiêu mỗi ngày và ông phi tiêu rất chính xác. Đôi lúc, cảm thấy việc đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát.
“Tôi vẫn đi biểu diễn, vẫn đóng phim. Tôi không biết uống bia, không uống cà phê, không rong chơi, tôi thích uống trà đá thôi. Tôi luôn bình tĩnh, bình thường, tôi có lệ thuộc cái gì đâu”. Đối với ông, cuộc sống vật chất chưa bao giờ là một gánh nặng. Nhà văn nói: “Mọi người xôn xao vì Mạc Can nghèo. Đúng là Mạc Can không giàu có, nhưng Mạc Can có nhờ ai đâu. Người ta thương người ta cho thì nhận, tôi không bao giờ ngửa tay xin ai. Tôi vẫn giữ được cái nết đó”.
Cách đây mấy năm, Mạc Can vẫn đi Mỹ diễn, khán giả trong nước và hải ngoại yêu quý ông. Bởi vậy, câu chuyện được thêu dệt rằng “Mạc Can nghèo đến mức đi xin vai diễn” khiến ông như muốn suy sụp. Ở cái tuổi 75 mà ông vẫn không tránh được tệ bị “ném đá” trên mạng xã hội, từ những câu chuyện bịa đặt.
Nhưng cũng trong lúc khó khăn, nhiều bạn bè không quay lưng, lại tìm tới ông. Nhà văn Mạc Can kể: “Hồ Anh Thái gửi tiền vào biếu tôi. Tôi không nhớ tài khoản của tôi, nên ra ngân hàng đưa chứng minh thư thì họ phát tiền cho tôi. Hội Nhà văn Việt Nam cũng gửi tôi 1 triệu đồng, hình như là tiền trợ cấp khó khăn gì đó”.
Ông nói: “Nếu anh có viết báo, anh hãy viết là Mạc Can vẫn ổn, mọi người không phải lo lắng. Khán giả chưa bao giờ bỏ rơi Mạc Can, đến nay vẫn vậy”.
Thai nghén tác phẩm
Trong căn phòng của ông có nhiều sách, một chiếc máy chữ cổ, chiếc máy tính cũ kỹ. Giá sách của ông có cả bộ tuyển tập Sơn Nam. Mạc Can nhớ lại: “Ông Sơn Nam coi như đồng nghiệp với tôi vì tôi có viết chút đỉnh. Ông Sơn Nam thường bảo: “Ráng lên Can”. Tôi thì kêu ông là anh Ba, vừa anh vừa ba luôn. Tôi đọc đủ thứ. Biết làm gì giờ? Cứ nằm đọc”.
Một nhà xuất bản sắp tái bản hai cuốn sách của nhà văn, tiếc là chuẩn bị ra mắt sách thì có dịch cúm Covid-19 nên mọi việc ngưng lại. Cuốn “Tấm ván phóng dao” có nhiều nhà xuất bản in. Hội nhà văn một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói rằng tác phẩm của Mạc Can viết nhiều về văn hóa miền Tây, lên lịch mời ông giao lưu với độc giả hâm mộ. Dịch cúm Covid-19 xảy ra, kế hoạch cũng bị tạm ngưng.
Vị trí đẹp nhất trong căn phòng trọ của ông là cái bàn và chiếc ghế để ngồi viết văn. “Viết thì có ý tưởng mới viết được. Có khi ngồi mãi không có ý tưởng gì”.
Lão nhà văn vẻ xót xa trước dòng chảy thời gian, nhưng ông cũng nói: “Cuốn sách sắp tới? Cứ từ từ. Giải thưởng thì tôi cũng có rồi. Mấy ai viết truyện mà được hai giải thưởng đâu. Đời vậy là vui, ráng quá thì nó khô cứng, cuộc sống cứ để tự nhiên”.
Vị trí đẹp nhất trong căn phòng trọ của ông là cái bàn và chiếc ghế để ngồi viết văn. “Viết thì có ý tưởng mới viết được. Có khi ngồi mãi không có ý tưởng gì”, Nhà văn Mạc Can
Mạc Can xuất thân từ một diễn viên ảo thuật, ông cũng là một diễn viên điện ảnh với khá nhiều vai diễn được nhớ tới. Nhưng dường như ông thích viết văn hơn cả. Ông nói: “Trước năm 1975, tôi diễn nhiều hộp đêm, những phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn. Hồi đó ít có diễn hề trong hộp đêm. Nhiều người nghĩ là không thể làm hề trong phòng trà ca nhạc, nhưng tôi làm được. Cuộc sống không phong lưu. Lúc nào tôi cũng sống được, nhưng tôi không có giàu”.
Ở tuổi 75, cuộc sống của ông vẫn bận rộn với những con người khác nhau. Một con người Mạc Can vẫn đi biểu diễn ảo thuật, một Mạc Can diễn viên điện ảnh đóng những vai nghèo khổ, một Mạc Can viết văn với những cuốn sách đang từ từ được viết ra.
Sống là cho, không phải để xin
Mạc Can có sở thích hút thuốc bằng tẩu, cái tẩu của ông do một người quen tặng. Dù chỉ sống trong căn phòng ở thuê, ông vẫn có một vẻ thâm trầm và điềm tĩnh, nhất khi ông vừa xem sách, vừa vân vê cái tẩu cũ.
Cuộc đời của Mạc Can đã trải qua rất nhiều thăng trầm, ông nếm trải những ngọt bùi cay đắng của một gánh hát rong. “Phát xít Nhật từng bắt bố tôi, cột vào cọc, chuẩn bị xử tử vì nghi ông làm gián điệp. May người phiên dịch nói rằng bố tôi chỉ là một nhà ảo thuật thôi. Tay sĩ quan Nhật nói: Tôi tha cho ông nếu ông dạy cho tôi mấy tiết mục ảo thuật. Thế là nhờ có ảo thuật mà bố tôi không bị xử tử”.
Ông còn nhớ một lần đoàn xiếc rong đang diễn thì bất ngờ bị ném lựu đạn. “Người chết và bị thương ngổn ngang, chúng tôi vội lấy biển quảng cáo làm cáng cứu thương đưa người đi bệnh viện”.
Mạc Can thường được mời diễn các vai hài, đem lại tiếng cười cho khán giả. Ông nói: “Đó là nhân hài, chứ không phải tôi hài”. Ông có một nguyên tắc: “Khi tôi biểu diễn ảo thuật hài, tôi không dùng lời nói để gây cười mà sử dụng tiết mục để gây hài”. Ông lại có một nguyên tắc là “Không đem cái xấu, cái yếu kém của người khác ra làm trò cười. Tôi không khó tính, nhưng không phải cái gì cũng cười được”.
Mạc Can buồn khi ai đó nói rằng ông vì nghèo khó mà đi xin vai diễn để mưu sinh. Ông tâm sự: “Tôi đã làm nghệ thuật gần 70 năm mà còn đi xin vai diễn sao? Nhân vật diễn được tôi mới diễn. Vai diễn trái với tôi, tôi không nhận. Tôi hợp với những vai người bình dân, vai bảo vệ, nông dân, đại khái là vai người nghèo. Đạo diễn mà bảo tôi đóng vai đại gia thì làm sao tôi nhận được!”.