“Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Đông là vậy, Tây thì có lời thề Hippocrates. Người ta cho rằng Hippocrates (được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) có lời thề được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp. Bởi lời tuyên thệ đó của sinh viên y khoa trong ngày tốt nghiệp như kim chỉ nam, điều răn đi suốt cuộc đời họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lương y như từ mẫu”. Người thầy thuốc phải là “lương y”, phải rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, đề cao chữ Thiện, chữ Tâm. Người thầy thuốc hết lòng tận tụy vì người bệnh, như “từ mẫu”, như người mẹ nhân từ.
Từ những lời dạy, lời khuyên, nguyên tắc, điều răn ấy, hầu hết những người làm nghề y vừa có y thuật, vừa có y đức, đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc. Họ đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh. Nhiều bác sĩ, y tá, y sĩ bám trụ lâu năm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dịch bệnh, hoặc tự biến mình thành vật thí nghiệm vì sự sống của cộng đồng. Họ đã vượt lên sự thiếu thốn về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất nghèo nàn, đời sống vật chất gia đình thiếu thốn, nghèo nàn với chỉ vì một tôn chỉ, thầy thuốc như mẹ hiền, chịu thương chịu khó…
Thế nhưng, trong cơ chế thị trường, khi đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh thì ngành y đang có xu hướng bị tác động mạnh nhất. Hiện tượng “phong bì lót tay”, coi trọng quá mức đồng tiền là thực trạng nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Một số ít bác sĩ, nhân viên y tế đã có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định về y đức, bị dư luận xã hội lên án như: sách nhiễu gia đình bệnh nhân, coi thường tính mạng của người bệnh, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân giàu và nghèo…
Cần nhắc lại vài vụ tiêu biểu gần đây. Đó là vụ 3 trẻ em bị chết sau khi tiêm vắc - xin; vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức; vụ Thẩm mĩ viện Cát Tường; vụ dịch sởi; vụ “phong bì và y đức”; vụ nhập thiết bị y tế rởm; vụ “Tiến sĩ Y khoa 200 triệu”, và gần đây nhất là vụ cháu bé 11 tuổi tử vong ở Quốc Oai. Đó là chưa kể bao vụ “sơ suất” về y thuật cắt, bó, kê nhầm mà báo chí từng nêu. Và, ngày 26/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được thông tin về việc cán bộ tiêm chủng tại điểm tiêm Trường mầm non Sao Mai (phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tiêm nhầm nước cất thay vì vắc-xin cho 60 trẻ.
Dư luận lại sôi lên với câu hỏi cũ, đâu là y đức, y thuật của “mẹ hiền”? Cũng lại câu chuyện cũ, vắc xin bị nhầm thuốc co thắt tử cung, và kinh khủng hơn, vắc - xin bị nhầm là thuốc diệt cỏ.Băn khoăn lẫn day dứt và người dân chỉ biết chất vấn rằng, những quan chức cùng các cán bộ chân chính của ngành y tế đang ở đâu mà để cho y thuật và y đức của những người hành nghề y xuống cấp đến vậy. Chắc câu hỏi đó không hề bỏ ngỏ!