Được thừa hưởng truyền thống gia đình (bố mẹ Ngọc Anh làm nghề khắc đá), lại sẵn tình yêu động vật từ nhỏ nên cậu bé Ngọc Anh luôn say mê tạo dáng các con vật bằng nhiều chất liệu khác nhau. Sở thích của Ngọc Anh được nuôi dưỡng qua nhiều năm tự học và kinh nghiệm của những thợ giỏi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Không muốn con theo nghề vất vả, gia đình hướng Ngọc Anh học nghề y. Tốt nghiệp y sĩ đa khoa, Ngọc Anh tình nguyện nhập ngũ. Trong môi trường quân đội, được chỉ huy đơn vị khuyến khích, đam mê với tạo hình của Ngọc Anh lại được đánh thức.
“Với tôi y học và nghệ thuật có một điểm chung, đó là cho đi những điều tốt đẹp để nhận lại nhiều điều tốt đẹp hơn. Mỗi bệnh nhân được cứu sống, hay một công trình được hoàn thành chính là động lực giúp tôi trưởng thành và không ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình hơn”.
Binh nhất Phạm Ngọc Anh
Bắt đầu từ những cây bon sai kích thước nhỏ, đến những thân cây giả cổ cao ngang đầu người, rồi dần dần Ngọc Anh bắt tay vào đắp những con vật. Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên đơn vị, Ngọc Anh hào hứng kể lại quá trình đắp một cây giả bằng xi măng từ cách chọn ý tưởng, thế cây, uốn sắt, đắp xi, làm vỏ sao cho thật giống. Mỗi cây như thế phải làm gần nửa tháng mới xong, Ngọc Anh đã làm gần chục cây như vậy.
Khuôn viên của Tiểu đoàn Pháo phòng không 1, nổi bật hình ảnh một con trâu khá lớn, đường nét uyển chuyển. Ngọc Anh cho biết, tạo hình con vật khó hơn nhiều so với tạo hình cây, vì cây có nhiều loại thế dễ lựa chọn, dễ sửa. Đắp một con vật cho giống không khó, mà khó hơn là lột tả được thần thái của chúng. Con vật cũng có tình cảm, có vui, buồn, giận dữ, cho nên không dễ nắm bắt. “Như con trâu này, tôi muốn thể hiện là một chú trâu đực“choai” đang ở thời kỳ sung mãn, cơ bắp bắt đầu nổi cuộn, khóe mắt tươi vui, cái miệng như đang cười, cặp sừng ngắn mà tù. Một con trâu dữ sẽ có đôi mắt long sòng sọc, cái miệng bè rộng, hai mũi hếch lên, cặp sừng dài và nhọn vì đã được tôi luyện qua những lần húc vào bờ ruộng hay những trận chiến quyết liệt”, Ngọc Anh nói.
Luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ
Tác phẩm mà Ngọc Anh cùng đồng đội đặt nhiều tâm huyết là đôi rồng to lớn ngự trước Nhà văn hóa Lữ đoàn. Lấy nguyên mẫu đôi rồng Nhà văn hóa Quân khu, nhưng được cách điệu với những chiếc râu vểnh lên, toàn bộ vẩy rồng được đắp nổi… Gần hai tháng nay, tốp thợ do Ngọc Anh phụ trách làm việc kiên trì, khắc phục thời tiết bất lợi, nhiều ngày liên tục làm đến 21 giờ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước ngày 22/12. Khi hoàn thành, rồng được ngự dưới một bể nước nổi, ốp đá nền và xung quanh bể, phía dưới thả mỗi bể 200 con cá vàng.
Đại tá Hà Văn Tịnh, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Đây là công trình thể hiện trí tuệ, sức trẻ của Lữ đoàn hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “Đoàn kết - Lập công - Quyết thắng” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/2016) và 65 năm ngày thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong Quân đội (8/2/2016). Điều quan trọng là anh em đoàn kết tự đào tạo, hỗ trợ nhau trong công việc, xây dựng lứa thợ kế cận cho những công trình tiếp theo.
Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Nam (lái xe Đại đội 1, Tiểu đoàn 1) nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia công việc này, ban đầu thấy khó, tưởng không làm nổi, được sự hướng dẫn tỉ mỉ của “nghệ nhân” Ngọc Anh, mọi việc đã tốt hơn rất nhiều. Bây giờ mỗi người chúng tôi đều đảm nhiệm được từng bộ phận, công việc khác nhau”.
Cùng kíp thợ làm việc, binh nhất Nguyễn Văn Quang, Pháo thủ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 hồ hởi khoe: “Mấy tháng nữa tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự nên rất tự hào khi được đóng góp công sức vào công trình ý nghĩa này”.
Ngọc Anh là chiến sĩ đa tài, ngoài đắp tượng, làm cây giả, vẽ rất cừ. Theo chỉ huy Lữ đoàn Phòng không 210, Ngọc Anh đã có quyết định điều chuyển công tác về Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần Quân khu) để làm đúng chuyên môn y sĩ, nhưng anh vẫn luôn say sưa với công trình của mình, không hề xao nhãng. Ngọc Anh tâm niệm: Dù ở đâu, làm việc gì tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi là y sĩ sẽ ra sức cứu chữa đồng đội, chăm sóc nhân dân, thực hiện đúng bổn phận của người thầy thuốc.