Theo đại úy Đặng Cao Cường, chính trị viên phó tiểu đoàn tại đơn vị, các cấp từ Đại đội, Tiểu đoàn đều thành lập “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, mỗi tổ gồm 7-10 đồng chí đảm nhiệm vai trò là “chị Thanh Tâm”. Khi các cán bộ, chiến sĩ gặp điều khó xử có thể gặp trực tiếp thành viên của Tổ hoặc thông qua hòm thư, điện thoại để được tư vấn, tháo gỡ vướng mắc. Ban đầu, anh em còn ngại chia sẻ chuyện riêng. Song bằng nhiều cách, Tổ đã tạo được niềm tin cho các chiến sĩ trong đơn vị.
Với phương châm “khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi chuyện trò chúng tôi là tri kỷ”, Tổ được nhiều chiến sĩ (đặc biệt là chiến sĩ mới) tìm đến. Những vấn đề đơn giản được giải quyết trực tiếp. Còn những vấn đề phức tạp, các anh phải điện thoại nhờ Tổng đài Thanh Tâm, chuyên gia pháp luật, sức khỏe tư vấn thêm rồi mới trả lời.
Ngoài những trường hợp khúc mắc về chuyện gia đình, tình cảm, một số chiến sĩ còn bày tỏ nguyện vọng được phục vụ lâu dài trong quân đội, nhờ tư vấn việc học nghề sau xuất ngũ… Không ít chiến sĩ gần đến ngày xuất ngũ có biểu hiện lơi lỏng chấp hành kỷ luật, cán bộ trong Tổ tư vấn lại gặp gỡ riêng để nhắc nhở, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, động viên phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ.
Điểm tựa của những binh nhì
Cách đây không lâu, trung sỹ Nhật Q., một tiểu đội trưởng có năng lực, đã được đơn vị tạo nguồn phát triển Đảng, bỗng nhiên lầm lì ít nói, ban đêm hay trốn ra ngoài uống rượu. Dù chỉ huy đơn vị nhiều lần gặp gỡ tìm hiểu, nhưng Q. chỉ nói: Em buồn! Tổ tư vấn cử người về địa phương nắm tình hình thì biết gia đình Q. chuyên kinh doanh mua bán nông sản vừa bị vỡ nợ, bố mẹ Q. phải bán hết nhà cửa, xe cộ để trả. Mẹ Q. bị bệnh tim cứ ngất lên ngất xuống. Vì thế, Q. chán nản.
Hiểu hoàn cảnh của Q., Tổ cùng đồng đội tăng cường gần gũi, động viên. Nhờ vậy Q. dần ổn định tâm lý, chấp hành tốt kỷ luật và đăng ký học nghề sau khi xuất ngũ để vực lại cửa hàng cho bố mẹ.
“Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân đã tạo được môi trường sinh hoạt gần gũi, giúp các cán bộ, chiến sĩ tin tưởng gửi gắm, chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống quân ngũ. Nhờ đó, nội bộ đơn vị càng đoàn kết, thống nhất; quan hệ cấp trên cấp dưới gần gũi, thân thiết; những biểu hiện còn nông nổi của chiến sĩ trẻ đều sớm được phát hiện và khắc phục triệt để”.
Đại úy Mô Lô Bút Thăng, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn
Chuyện của Hồ Thanh P. ở trung đội súng máy phòng không 12 ly 7 từng khiến “chuyên gia tâm lý” của Tổ đau đầu. Một buổi tối, P. gõ cửa phòng xin gặp chính trị viên phó tiểu đoàn. Đã mấy hôm liền thấy cậu chiến sĩ trẻ buồn rầu, thiếu tập trung trong sinh hoạt học tập, đại úy Đặng Cao Cường đoán có việc hệ trọng. Sau một hồi trò chuyện, P. tâm sự: Gia đình em rất nghèo, các anh chị đều đi làm xa, bố lại nghiện rượu nặng. Cách đây mấy hôm, bố em uống rượu say về, đã đánh đập và đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ em đòi bỏ về quê ở với ông bà ngoại, em không biết phải làm thế nào? Đại úy Cường lựa lời khuyên giúp P. bớt căng thẳng, hứa tìm cách giúp.
Sáng hôm sau, đại úy Cường cùng trung đội trưởng tìm về tận nơi gia đình P. ở để nắm tình hình. Được chỉ huy đơn vị con mình “trên đường đi công tác, tiện đường ghé vào thăm”, bố P. hãnh diện lắm. Nhân lúc ông đang vui, các anh kể chuyện P. ở đơn vị thường “khoe” bố cậu rất tâm lý, luôn yêu vợ thương con... Dần dà, bố P. hiểu ra vấn đề, tình cảm vợ chồng ông được hàn gắn. Nhờ đó, P. yên tâm công tác, khi ra quân còn được đơn vị tặng giấy khen vì hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ.
Nguyễn Văn T. là chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 1/2015 vào đại đội 8, kể: Bước vào môi trường quân đội mọi thứ đều xa lạ, cảm giác nhớ nhà, nhớ bạn bè khiến em chán nản, mất tập trung. Nhờ sự quan tâm, động viên của các cán bộ Tổ tư vấn em mới hòa nhập đồng đội, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tổ tư vấn thực sự là chỗ dựa tinh thần của cánh lính trẻ!