Xung đột Marawi khiến Philippines khó 'xoay trục' sang Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Getty Images.
TP - Nhiều lần tuyên bố sẽ tách khỏi Mỹ để “xoay trục” sang Trung Quốc và Nga, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nay có vẻ “khó ăn khó nói” khi cuộc chiến dẹp phiến quân nổi dậy ở thành phố Marawi cho thấy vai trò của lực lượng Mỹ ở Philippines khó bị thay thế.

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ tách khỏi Mỹ, một nước đồng minh hiệp ước, sau vài tháng quan hệ song phương xấu đi. “Tôi đã tự sắp xếp lại mình về tư tưởng và có lẽ tôi sẽ bay sang Nga để nói chuyện với ông Putin rằng ba chúng tôi - Philippines, Trung Quốc và Nga - chống lại thế giới. Đó là cách duy nhất”, Tổng thống Philippines nói hồi đó.

Tháng trước, ông Duterte tuyên bố, các lực lượng đặc biệt của Mỹ đồn trú tại khu vực Mindanao, nơi đang diễn ra cuộc chiến giữa phiến quân và quân chính phủ, sẽ phải rời đi và Manila sẽ phải đánh giá lại chính sách cho phép quân Mỹ truy quét các nhóm khủng bố ở hòn đảo phía nam Philippines, nơi đa số người dân theo Hồi giáo.

Đến tháng 6 này, sau 3 tuần nổ ra cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chính phủ và các phần tử Hồi giáo ở Marawi thuộc Mindanao, chính phủ Philippines phải thừa nhận lực lượng đặc biệt của Mỹ đang giúp lính Philippines giải cứu các con tin bị phiến quân bắt giữ. Sự thừa nhận này được đưa ra sau nhiều lần chính phủ Philippines lẩn tránh những câu hỏi về vai trò của Mỹ, cho đến khi họ không còn lựa chọn nào khác trước những thông tin do Mỹ công bố.

“Với đề nghị của chính phủ Philippines, lực lượng đặc biệt của Mỹ đang hỗ trợ lực lượng vũ trang Philippines trong các chiến dịch đang diễn ra ở Marawi thông qua việc hỗ trợ các chỉ huy lực lượng vũ trang Philippines trên mặt đất”, bà Emma Nagy, quyền tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ ở Manila, nói.

Mỹ đang cung cấp thêm phương tiện quân sự mới cho quân đội Philippines. Trước khi cuộc chiến nổ ra ở Marawi, ông Duterte nhiều lần dọa sẽ giảm mua vũ khí từ Mỹ để chuyển sang mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc. Trước khi lên đường thăm Nga tháng trước, Tổng thống Philippines thông báo rằng, một trong những mục đích quan trọng nhất của ông là đề nghị mua vũ khí của Nga để trang bị cho Mindanao. Chuyến thăm của ông đến Nga diễn ra chỉ 1 tuần sau chuyến thăm lần thứ hai của ông đến Bắc Kinh chỉ trong vòng 1 năm. Lần đó, ông Duterte đã nhận được khoản vay 500 triệu USD để mua vũ khí từ Trung Quốc.

Quan hệ khó dứt

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Duterte nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung Quốc bằng cách gác tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và giảm bớt phụ thuộc chiến lược vào Mỹ. Từ chối giúp đỡ quân sự từ Washington, bao gồm giảm bớt số lượng và quy mô các cuộc tập trận và tuần tra với Mỹ, đang là một phần trong chính sách đối ngoại của Manila.Nhưng theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và luật biển tại Manila, những điều này chỉ để đánh lạc hướng vì không có nỗ lực thực sự nào nhằm thay đổi căn bản quan hệ của Manila với Washington.

“Cuộc xung đột ở Marawi cho thấy mâu thuẫn trong những lời nói của ông Duterte cũng như việc ông không hiểu nhiều về cách hoạt động thực sự của các lực lượng vũ trang, đặc biệt là bản chất mối liên hệ giữa lực lượng Mỹ và Philippines. Có lẽ ông ấy học được bài học quan trọng từ lần này”, ông Batongbacal nhận định.Mấy chục năm sát cánh nghĩa là hai lực lượng đã phối hợp với nhau ở mức cực kỳ cao về chiến thuật và quy trình tương tác. Phối hợp lâu dài cũng tạo nên sự thoải mái và thân quen hiếm có giữa quân đội của hai nước.

“Hầu như tất cả cán bộ của chúng tôi đều sang Mỹ học quân sự…Đó là lý do họ có quan hệ, tôi không thể phủ nhận điều đó”, ông Duterte nói cách đây vài hôm để giải thích vì sao quân đội nước này đề nghị Mỹ giúp ở Marawi mà ông không biết.Chưa biết có phải quân đội Philippines vượt quyền để nhờ Mỹ giúp đỡ hay không nhưng cuộc chiến ở Marawi cho thấy vai trò của Mỹ trong cấu trúc quốc phòng của Manila lớn đến mức Philippines khó lòng chuyển sang phối hợp với Trung Quốc, các nhà phân tích nhận định.

Trên thực tế, Mawawi có thể giúp Trung Quốc thở phào đôi chút. Vài ngày trước khi thiết quân luật được tuyên bố ở Mindanao do xung đột ở Marawi, câu chuyện bao trùm các phương tiện truyền thông Philippines là thông báo của Tổng thống Duterte rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo ông rằng sẽ xảy ra chiến tranh nếu Manila cố khoan dầu ở các khu vực tranh chấp. Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận hay bác bỏ điều này. Nếu thừa nhận, dư luận Philippines sẽ dậy sóng. Nếu phủ nhận, ông Duterte hóa ra biến thành người nói dối. Vì thế, dù sức ép đến mức nào Trung Quốc vẫn im lặng, với hy vọng trận bão sớm qua. Và vụ xung đột ở Marawi đã xua đi chuyện đó.

“Vai trò chủ động của Mỹ ở Marawi cũng làm giảm bớt kỳ vọng Trung Quốc có thể giúp Philippines như một người bạn tốt nhất mãi mãi”, ông Batongbacal nói. Đối với chiến lược xoay trục của Tổng thống Duterte sang Trung Quốc, nhiều học giả, trong đó có ông Batongbacal, đều cho rằng, điều này sẽ không bao giờ thực sự diễn ra.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG