Xuất khẩu 2011: Mừng ít lo nhiều

Bốc xếp gạo xuất khẩu sang Malaysia và Bangladesh tại cảng Sài Gòn tháng 10-2010
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang Malaysia và Bangladesh tại cảng Sài Gòn tháng 10-2010
TP - Dù xuất khẩu năm 2010 có nhiều tín hiệu mừng nhưng tỷ giá, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến không ít doanh nghiệp đang nhấp nhổm như ngồi trên lửa. Một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh kinh doanh năm 2011 dự báo gặp nhiều khó khăn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang Malaysia và Bangladesh tại cảng Sài Gòn tháng 10-2010
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang Malaysia và Bangladesh tại cảng Sài Gòn tháng 10-2010 . Ảnh: Đình Huệ

Vài tín hiệu mừng

Tại cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu ngày 29-11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Dấu ấn đặc biệt của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2010, theo đánh giá của Bộ Công Thương là nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến có giá trị xuất khẩu 44 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 64,3 tỷ USD.

Với mức xuất khẩu dự kiến 70,8 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 83 tỷ USD, nhập siêu năm 2010 sẽ xấp xỉ 12 tỷ USD, tương đương 17% giá trị nhập khẩu. Các mặt hàng như gạo, tiêu, điều, thủy sản, chè dù có một số khó khăn về sản xuất, chất lượng, tỷ giá nhưng vẫn là những mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt.

Điểm lưu ý trong cán cân xuất nhập khẩu, theo đánh giá của Bộ Công Thương, là nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng cao gấp 5 lần so với khối doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước: tăng khoảng 40,3%.

“Cần làm rõ trong năm 2010 vì sao nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tăng cao như vậy. Các mặt hàng họ nhập khẩu về để làm gì. Nhiều mặt hàng không cần thiết nhập khẩu nhưng vẫn được nhập về rất nhiều. Điển hình là một số mặt hàng như tăm tre, cả tăm nhựa.

Cần lưu ý theo dõi doanh nghiệp nào nhập tăm tre về mà không dùng hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong bối cảnh đang diễn ra cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Biên nói.

Về tình hình xuất nhập khẩu năm 2011, ông Biên cho rằng, năm tới sẽ là một năm khó khăn với xuất khẩu của Việt Nam do việc tăng giá mạnh nhiều mặt hàng chủ lực như năm 2010 sẽ không lặp lại. Sẽ khó kiểm soát nhập siêu dưới 18% do tỷ giá và lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, trong khi ở thị trường ngoài nước, các hàng rào kỹ thuật được dựng lên ngày càng nhiều.

Vốn ít, lãi suất cao

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, xuất khẩu cá tra năm tới sẽ rất khó khăn do tỷ giá tăng, nguồn vốn của doanh nghiệp đang rất hạn hẹp.

Dự báo từ nay đến tháng 6 sang năm, vấn đề thiếu nguyên liệu sẽ gay gắt. Đã có hiện tượng người nuôi cá treo ao do nguyên liệu đầu vào và lãi suất tăng cao. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu muốn có sự tháo gỡ về vốn.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn trong việc thu mua và tạm trữ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khăn do thiếu vốn.

“Với lãi suất cao như hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ về vốn để tạm trữ hàng, việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”- ông nói.

Bà Trần Thị Miêng, Cục phó Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết, hiện nhiều nhóm hàng nông sản đề nghị xem xét hạn mức cho vay vốn với doanh nghiệp để chủ động thời gian ký kết các mặt hàng.

Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng Cty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, giá dầu thế giới tăng cao thời gian qua khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tất cả mặt hàng bán ra của doanh nghiệp đều bị lỗ.

Theo báo cáo ngày 26-11 gửi Bộ Tài chính, hiện xăng ô tô lỗ 1.685 đồng/lít, diezel lỗ 1.500 đồng, dầu hỏa 1.740 đồng/lít, dầu hỏa và mazút lỗ trên 800 đồng/lít.

“Tổng Cty đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu để giảm bớt lỗ cho doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chấp thuận. Việc cân đối ngoại tệ của doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Nếu tình hình kéo dài thì rất căng thẳng”- Ông Kiên nói. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG