Xuân đã về

Xuân đã về
TP - Tết đến. Sau khi mấy điều này đã an bài: lương thưởng, giá cả, mua sắm, thời tiết, thì vấn đề tiếp theo là chơi Tết, ăn Tết ra sao? Từ khi có chế độ nghỉ dài, nhiều người cứ Tết đến là lên đường du lịch, nhất là du lịch nước ngoài.

Thói quen này là mơ ước của đa số người còn lại, vấn đề chỉ là điều kiện cho phép hay không. Thói quen này quá tốt. Chúc họ “từ từ tận hưởng”.

Nhiều người coi sự đoàn viên sum họp là tối quan trọng. Người Việt dù gì vẫn thích quấn túm lấy nhau trong dịp lễ Tết, nhất là khi quanh năm đã phải tha phương cầu thực. Cho nên nhà quảng cáo nọ mới nảy ra cái ý tưởng bắt thóp được người tiêu dùng: “Cái gì cũng có chỉ thiếu chúng nó”.

Nhiều người coi cái Tết là dịp nghỉ ngơi thư giãn. Đọc sách, xem phim, khai bút (vẽ, viết...). Nghe có vẻ hướng nội thậm chí “tự kỷ”, kỳ thực, những ai không quen đọc sách và xem phim sẽ không biết tận thú của việc này đâu.

Cũng nhiều người “sợ Tết”. Sợ vất vả, sợ những thói quen và thủ tục. Nào cỗ bàn, thăm viếng, vấn an họ tộc, thân bằng cố hữu... Anh chàng Joe Ruelle biệt hiệu Dâu Tây viết bài báo sắc sảo “Hội chứng Tây sợ Tết”, phân tích quanh mấy nỗi sợ có thật sau: Sợ phải thể hiện, sợ làm sai, sợ phải ăn, sợ bị cô lập...

Theo Joe, sợ phải thể hiện, nghĩa là sợ trở thành trung tâm chú ý một cách bất đắc dĩ. Sợ phải ăn và phải giữ xã giao: “Các miếng sẽ xuất hiện trong bát theo phép màu truyền thống của người Việt. Là khách mời đặc biệt nên cả nhà sẽ nhìn kỹ chúng tôi chọn ăn gì, thích ăn gì. Thế là chúng tôi phải chọn và phải thích, càng giả vờ thích càng được ăn thêm. Tất nhiên một số người Tây rất thích ăn tất cả các món Tết Việt Nam. Nhưng các bạn ấy vẫn sợ ”. Còn sợ bị cô lập là vì: “Thỉnh thoảng người Việt gặp nhau lại quên chuyện người Tây ngồi cạnh không hiểu (do bất đồng ngôn ngữ - DT). Thấy người ta cười tươi với nhau,  thỉnh thoảng cho mình miếng gà và nói “try this” (thử cái này đi), rồi tiếp tục cười tươi với nhau – buồn quá, xấu hổ quá”.

Ông Tây ma xó người Canada than thở “Nghe bài tết tết tết tết đến rồi cảm giác muốn chạy chạy chạy chạy xa rồi”.

Nhiều người làm nhà nước chắc biết thủ tục này: Ném lựu đạn. Tức là quà nhân viên biếu sếp dịp cận Tết, quẳng rất nhanh vào nhà, nhanh như ném lựu đạn, nhanh đến nỗi không kịp cảm nhận người kia đón nhận ra sao, xong rồi lao vụt đi ném nhà sếp khác. Vì phải biếu nhiều người mà thời gian gấp gáp nên mới sấp ngửa như thế.

Nhiều năm trước, thấy người bạn cứ Tết đến là phải khổ sở lo thủ tục này. Khi anh lên sếp to, tôi hỏi, giờ thì đến lượt mình bị ném lựu đạn tới tấp vào nhà chứ?

Mong mỗi cái Tết với người Việt ngày càng bớt hủ tục, bớt phù phiếm, bớt những lo toan cơm áo. Có thời gian và điều kiện chăm lo đời sống tinh thần của mình, đồng thời hướng đến nếp sống, nếp suy nghĩ văn minh. Để “xuân đã về” thực sự là tiếng reo vui nho nhỏ trong lòng mỗi người với những khởi đầu mới hứa hẹn.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.