Xử phạt vi phạm phòng chống sốt xuất huyết như… 'phủi bụi'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sự thờ ơ của cộng đồng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân dẫn tới bùng phát dịch. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang thiếu quyết liệt trong kiểm tra, phát hiện các vi phạm để phát sinh ổ dịch, từ đầu năm đến nay mới ra được 9 quyết định xử phạt.

Nghị định (176/2013/NĐ-CP) của Chính phủ đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó khoản 2, mục b, điều 11 của nghị định này quy định: nếu không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Điều 16 nêu rõ, trường hợp vi phạm quy định khác về môi trường y tế đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Xử phạt vi phạm phòng chống sốt xuất huyết như… 'phủi bụi' ảnh 1

Dịch SXH đang tăng nhanh, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng

Các hình thức xử lý đối với những trường hợp vi phạm về phòng chống dịch đã có hiệu lực từ năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai thực hiện đối với các quy định nêu trên đang còn nhiều hạn chế.

Đơn cử như tại TPHCM từ đầu tháng 4/2022 đến nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã liên tiếp tăng cao và bùng phát trên diện rộng. Tuy nhiên, người dân đang chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan còn thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm có liên quan.

Liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng chống SXH, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, việc xử phạt các trường hợp vi phạm, không tuân thủ quy định phòng, chống SXH do chính quyền địa phương, cụ thể là UBND phường, xã thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch SXH còn được nương tay khiến công tác phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương chưa triệt để.

Bên cạnh đó, việc xác định sai phạm thuộc về tổ chức, cá nhân nào liên quan đến điểm gây phát sinh ổ dịch còn nhiều khó khăn bởi những điểm có nhiều vật dụng phế thải gây tồn đọng nước, phát sinh lăng quăng không xác định được chủ quyền của người sở hữu nên không biết phạt ai.

Xử phạt vi phạm phòng chống sốt xuất huyết như… 'phủi bụi' ảnh 2

Chính quyền địa phương vận động người dân tích cực phòng chống sốt xuất huyết

Tổng kết về số liệu các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống dịch SXH, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 27/6 toàn thành phố mới ra tổng cộng 9 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Hình thức xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng chống dịch SXH chưa thực sự phát huy hiệu quả. Công tác dự phòng diệt muỗi, diệt lăng quăng chưa trở thành nhận thức và hành động của người dân; ngay cả với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành cũng còn có sự chủ quan, lơ là” – BS Hữu Hưng nói.

Xử phạt vi phạm phòng chống sốt xuất huyết như… 'phủi bụi' ảnh 3

Những vật dụng chứa nước dù đã được lật úp nhưng phần đáy vẫn đọng nước, là nơi cho muỗi sinh sản

Từ thực tế trên, Sở Y tế TPHCM kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch SXH, chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngành Y tế TPHCM cũng đề nghị chính quyền các cấp, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở cần đẩy mạnh hơn nữa quyết định xử phạt vi phạm hành chính để đủ tính răn đe, góp phần phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đến tuần 25 ghi nhận, toàn thành phố có 18.976 trường hợp mắc SXH (tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.542 ca), trong đó số ca bệnh nặng là 311 ca, 10 trường hợp tử vong. Tuần qua, thành phố ghi nhận 2.548 ca bệnh SXH, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

MỚI - NÓNG