Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trả lời chất vấn các đại biểu. - Ảnh: CTTĐT ĐT |
Theo đó, các đại biểu chất vấn tập trung vào 5 nhóm vấn đề, gồm: kết quả thực hiện một số dự án trên địa bàn thành phố Cao Lãnh như: Dự án Trung tâm phức hợp thương mại - khách sạn tại Phường 2; Dự án xử lý nước thải sinh hoạt, trách nhiệm trả nợ vốn vay của dự án, một số dự án khác trên địa bàn tỉnh; Thu gom, xử lý rác thải, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; công tác giải quyết các vụ việc dân sự đã thụ lý thuộc loại có điều kiện thi hành nhưng tồn đọng kéo dài qua nhiều năm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là tình trạng "tín dụng đen" cũng được đại biểu quan tâm.
Đại biểu Lê Thị Huyền Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Công Tường phản ánh tình trạng người không vay tiền cũng bị gọi điện thoại quấy rối làm phiền, thậm chí gọi đến cơ quan đơn vị công tác của người không liên quan để quấy rối. Vấn đề này, đại biểu đề nghị Công an tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Tháp có những giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp thông tin các vấn đề đại biểu chất vấn. - Ảnh: CTTĐT ĐT |
Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay có các nhóm cho vay nặng lãi, nhóm bảo kê, thu hồi nợ và nhóm thứ 3 là công ty tài chính. Trong 6 tháng đầu năm, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 47 vụ liên quan đến tín dụng đen. Thủ tục vay tín dụng đen rất đơn giản là giấy chứng minh nhân dân, số tài khoản và đặc biệt là cung cấp 3 số điện thoại của người thân và cơ quan thì người dân có thể vay tiền.
Tuy nhiên, việc xử lý gặp khó khăn do đối tượng gọi đòi nợ sử dụng "sim rác", còn các công ty tài chính không trực tiếp đòi nợ mà sử dụng công ty đòi nợ thuê. Tài khoản mạng xã hội của nhóm này đều là tài khoản ảo.
Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, cho biết, đã phối hợp với ngành chức năng xử lý hơn 60 số điện thoại, bắt 2 đường dây tín dụng đen tại huyện Tháp Mười, thành phố Sa Đéc, bắt và khởi tố nhiều đối tượng; đồng thời, khuyến cáo người dân không vay tiền từ tín dụng đen.
Theo ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có 10 công ty tài chính hoạt động, các hoạt động diễn ra tại điểm giới thiệu dịch vụ đặt tại các đại lý, các điểm bán sản phẩm của các doanh nghiệp.
Trường hợp công ty tài chính, nhân viên công ty tài chính vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền theo quy định.
Bên cạnh đó, qua tiếp nhận phản ánh về tình trạng công ty tài chính thu hồi nợ, đòi nợ không đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh về hoạt động cho vay và thu hồi nợ, thường xuyên giám sát hoạt động các điểm giới thiệu dịch vụ; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp xử lý vi phạm; phối hợp với Công an tỉnh trong việc giám sát, xử lý các phản ánh của người dân liên quan đến cho vay và đòi nợ của các công ty tài chính.
Ông Vương Trí Phong đề nghị người dân khi phát hiện các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, thông tin đến số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp: 02773.871.800 để kịp thời xác minh, xử lý.