Ảnh minh họa. |
Lửa mà xin ư? Đúng thế. Xin lửa đem về nhóm bếp. Hồi đó nhà tôi không sắm nổi chiếc bật lửa. Cả xóm chỉ vài nhà có.
Bếp nhà tôi lúc nào cũng sẵn một sọt phân bò khô, còn nguyên hình dáng, không bể nát. Và, tôi chỉ cần cầm một bánh phân bò khô ấy là có thể đi xin lửa. Đến nhà hàng xóm, tôi nói thế này: “Thưa bà Sáu, bếp của bà còn lửa không, cho cháu xin một chút để mẹ nấu cơm”. Bà Sáu xoa đầu tôi: “Ừ. Còn”.
Thế là tôi vào bếp, cào tro ra xem. Ôi chao! Than hồng còn quá nhiều. Lập tức, tôi khoét một lỗ trũng giữa bánh phân bò khô, gắp một than lửa đỏ hồng bỏ vào đấy. Xong, vun tro cẩn thận để trả lửa lại cho bà Sáu. Và cầm bánh phân bò ra về. Tôi đã có lửa trong tay. Lửa ấy không khi nào tắt. Bởi phân bò khô gặp than hồng liền nóng lên, cứ thế âm ỉ cháy. Kiểu cháy này quê tôi gọi là cháy ngún. Không phát lửa ngọn, nhưng ấp ủ lửa tiềm sinh.
Đang ngồi quán cà-phê, nghe tôi kể xin lửa như thế, anh bạn ngồi cạnh liền bảo: “Đi xin lửa thú vị quá nhỉ ? Nhưng phân bò có hôi hám không?”
Tôi bỗng thương anh bạn quá chừng. Anh không biết cuộc sống làng quê thời nghèo khổ là cả một sự ứng dụng đầy sáng tạo. Tôi trả lời: “Phân bò khô không hôi hám gì cả. Thậm chí nếu đưa lên mũi ngửi, vẫn không nghe mùi gì. Bởi đó là phân của động vật ăn cỏ. À mà anh biết không? Ngày xưa ấy, lúc nắm bánh phân chứa lửa, vừa đi vừa nhìn những sợi khói mỏng manh vươn lên để rồi rách nát theo gió, tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Buổi chiều mát rượi, làng xóm thanh thản trong nghèo khó, cả mình cũng bình tâm.
Hồi tưởng lại, quá nhớ, quá thương. Nhưng tất cả đã qua rồi, như nước của dòng sông không bao giờ quay lại. Lâu rồi tôi chưa có dịp thấy lại bánh phân bò khô còn nguyên hình dáng, cho dù hôm nay bò trâu vẫn còn”.
“Xin lửa kiểu ấy, liệu đem về nhà có khi nào tắt không?” – Anh bạn lại hỏi. “Không tắt bao giờ. Bánh phân bò khô âm ỉ cháy rất chậm. Để cả buổi vẫn giữ lửa. Về nhà, chỉ cần thổi mạnh một hơi, lập tức bốc cháy lửa ngọn. Thế là anh có lửa nhóm bếp rồi”.
“Anh nấu cơm hay bố mẹ anh nấu?” - Anh bạn lại tò mò.
“Thường là mẹ tôi nấu, thỉnh thoảng tôi vẫn nấu, đặc biệt vào buổi chiều lúc cao điểm đồng áng, bố mẹ làm đồng chưa về. Còn nhỏ bé như thế, nhưng khi nấu cơm tôi nghĩ ngợi đủ chuyện trong đầu. Ví như: Nhà mình làm sao có tiền sắm được chiếc xe đạp nhỉ? Ờ, mà con bê đã tuần nay chưa tắm, trưa mai phải nhớ tắm nó nhé. Phải dùng khăn thật sạch để chùi vết nám do khói nhang bám vào trán ông Phật trên bàn thờ.
Lại còn dây xích chú cún con có siết chặt cổ nó quá không? Ờ, có lẽ mình không nên tiểu tiện gần vạt rau mà sinh ra dơ dáy. Vân vân.Tôi toàn nghĩ những chuyện lỉnh kỉnh nhỏ nhoi nằm bên ngoài bản thân mình cả. Tại sao? Tại vì lửa nhảy múa trong bếp trông thật đẹp, thật nóng và biến ảo lạ thường.
Lửa quả là vị đại sư bày vẽ đủ chuyện. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao khi nhìn bếp lửa cháy , lại thường nghĩ đủ chuyện. Có lẽ, lửa gợi người ta suy tư, mà cũng có lẽ củi biến thành tro, đã làm người ta buồn mà rớt vào suy tư chăng”.
Tôi nhận ra mình đã lắm lời. Việc tôi nói nhiều này, bạn tôi cũng nhận ra. Anh nói:
“Làng quê thời thơ ấu ư? Ai mà chẳng có. Chỉ có tôi là không. Tôi đẻ tại nhà thương, lớn lên trong thành phố. Làng quê chỉ là thỉnh thoảng về chơi. Anh kể việc xin lửa nấu bếp hồi xưa còn nhỏ thật cảm động. Bánh phân bò khô của anh cháy trên 50 năm giờ vẫn còn lửa. Và cũng có thể nói, lòng tôi hiện tại là bánh phân bò khô đời mới, đã giữ lửa của anh vừa cho. Lửa ấy tôi không dùng nấu cơm, tôi dùng để sưởi lòng để ấm trong cuộc sống. Xin cảm ơn anh”.
Tôi sửng sốt nhìn anh bạn. Anh ta có máy lửa gas hiệu Johnson mạ vàng, tay vừa nắm vào là vọt lửa, vậy mà vẫn trân trọng mảnh phân bò khô giữ lửa của tôi ư? Ồ, tôi có thể hiểu một cách thô sơ rằng, anh bạn dù thiếu hẳn một thơ ấu nơi làng quê yêu dấu nhưng trong tầng sâu thẳm tâm hồn anh, vẫn có bóng dáng một làng quê vụt dậy.
Bóng dáng ấy lớn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bóng dáng rộng lớn và thân thương ấy vẫn im lặng len lỏi thấm sâu mọi ngóc ngách của tâm hồn, cho dù đã hun hút xa xăm.