Xin lỗi Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng, là tiếng nói của Chính phủ, của quốc gia, không còn là tiếng lòng ai oán của một thường dân nhỏ bé nữa!”, giọt nước mắt bật trào trên gương mặt người phụ nữ suốt nhiều năm lặn lội nước bạn đòi công lý, và không ít lần gặp sự phản đối và hăm dọa của cựu binh Hàn Quốc năm xưa.

Người phụ nữ ấy đã 55 năm ôm nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần khi vừa là nạn nhân, cũng là nhân chứng vụ thảm sát năm 1968 của lính Đại Hàn khiến 74 dân thường làng Phong Nhất - Phong Nhị thiệt mạng, trong đó có 5 người ruột thịt của mình. Bà là Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi, trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Xin lỗi Việt Nam ảnh 1

Người Hàn Quốc cúi đầu tạ lỗi tại lễ tưởng niệm 55 năm thảm sát Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam). Ảnh: Hoài Văn

Vượt qua nỗi đau, những năm qua bà liên tục sang Hàn Quốc đệ đơn kiện, yêu cầu Chính phủ nước này phải xin lỗi và chịu trách nhiệm về vụ thảm sát. Và rồi bà đã thắng kiện. Ngày 7/2/2023, Tòa án quận trung tâm Seoul (Hàn Quốc) ra phán quyết thừa nhận trách nhiệm của Chính phủ nước này phải bồi thường cho những nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị năm 1968.

Vụ kiện gây chấn động dư luận xứ sở Kim chi. Lần đầu tiên trong lịch sử, một phiên tòa sơ thẩm tuyên thắng kiện cho nguyên đơn là một phụ nữ Việt Nam đòi công lý từ trận thảm sát của lính Đại Hàn gây ra hơn nửa thế kỷ trước.

Sự thật kinh hoàng năm 1968

Lật tấm áo lộ vết sẹo dài trên bụng, câu chuyện của bà Thanh như những thước phim quay chậm về trận thảm sát qua lời kể có lúc nấc nghẹn.

Xin lỗi Việt Nam ảnh 2

Bà Thanh xem lại những hình ảnh trận thảm sát được báo chí Hàn Quốc đăng tải. Ảnh: Hoài Văn

Đó là sáng ngày 14 tháng Giêng năm 1968, binh lính Đại Hàn rầm rập tấn công vào làng rồi điên cuồng xả súng. Cô bé Thanh lúc đó mới 8 tuổi, đang ở nhà cùng dì ruột và 3 anh chị em. Người dì hoảng hốt kéo các cháu chạy xuống hầm nhưng toán lính đã kịp nhìn thấy và ra hiệu tất cả đi lên nếu không sẽ ném lựu đạn.

Đoàn người nối nhau lên, toán lính vẫn không thôi nã súng. Bốn người thân của bà lần lượt gục xuống. Đó là em trai, chị gái, người dì cùng đứa con 10 tháng tuổi còn bồng trên tay. Trước khi rời đi, chúng châm lửa đốt nhà.

Vừa ôm vết thương do bị bắn ở bụng, Thanh hoảng loạn chạy đi tìm mẹ. Sau mới biết, người mẹ sáng đó cũng đã bị lính Đại Hàn bắn chết ở ruộng lúa. Hai anh em Thanh sống sót sau đó được một người chú đưa ra Đà Nẵng chạy chữa. Thoát chết, nhưng cuộc sống vô vàn khó khăn bởi không còn cha mẹ, không được học hành, cô bé Thanh làm mướn làm thuê để mưu sinh, với vết thương thể xác và tinh thần khủng khiếp.

Xin lỗi Việt Nam ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Thanh trong một lần trả lời phỏng vấn tại Hàn Quốc liên quan vụ thảm sát. Ảnh: NVCC

Một buổi sáng năm 2000, một cô gái Hàn Quốc tìm đến làng Phong Nhị. Cô gái nói rất sõi tiếng Việt, và tìm đến nhà bà Thanh để được nghe kể lại vụ thảm sát ngày ấy. Đó chính là Tiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam Ku Su Jeong - người đã dũng cảm nói ra sự thật về vụ thảm sát của lính Đại Hàn bằng những bài viết đăng trên báo Hanlyoreh năm 1999 gây rúng động dư luận, cũng là người khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam”.

Năm 2015 được sự hỗ trợ của Quỹ hòa bình Hàn - Việt, bà Thanh lần đầu tiên đến Hàn Quốc. Bà được mời sang với tư cách là nhân chứng, nạn nhân sống sót kể lại vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị. Câu chuyện của bà chấn động dư luận, tuy nhiên nhiều cựu chiến binh Hàn Quốc đã phản đối, thậm chí dọa giết bà.

“Họ nói rằng đó không phải là sự thật, rằng tôi đã nói dối, tôi dựng chuyện. Ôm nỗi đau mất mát, uất ức mấy chục năm, tôi mong rằng họ cúi đầu xin lỗi. Nhưng ngược lại, họ chối bỏ và nói tôi dựng chuyện. Thử hỏi, một người nông dân như tôi sao phải sang tận một đất nước xa xôi để dựng chuyện? Hơn thế, nhân chứng còn đó, những người lính Đại Hàn năm xưa cũng còn sống thì sự thật cần được nói rõ”, bà nói.

Năm 2018, lần thứ 3 bà sang Hàn Quốc, để tham dự một phiên tòa giả định xét xử tội ác của quân đội Hàn Quốc gây ra với thường dân Việt Nam trong chiến tranh. Phiên tòa với sự tham gia của luật sư, công tố viên, thẩm phán. Công lý sau đó thuộc về những công dân Việt Nam mà đại diện là bà Nguyễn Thị Thanh. “Lúc đó tôi đã ước đó là một phiên tòa thật sự, một sự thật lịch sử chính thức được phơi bày”, bà nhớ lại.

Cũng năm đó, bà Nguyễn Thị Thanh được trao Giải thưởng Hòa Bình JeJu 3 tháng 4. Giải thưởng lần đầu tiên được trao cho người Việt là hai nhân chứng vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra.

Hãy tôn trọng sự thật lịch sử

Năm 2020 bà Nguyễn Thị Thanh đại diện cho những nạn nhân vụ thảm sát ở Phong Nhị đệ đơn ra Tòa án Seoul, đòi Chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho những hành động mà binh lính Đại Hàn gây ra trong khi tham chiến ở Việt Nam năm 1968. Chuyến đi lần này, bà nhận được sự hỗ trợ của nhóm luật sư Vì một xã hội dân chủ, những thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt.

Suốt 3 năm từ ngày nộp đơn khởi kiện với hơn 10 phiên tranh tụng, bà tiếp xúc với các luật sư, họp báo với truyền thông Hàn Quốc. Bà cũng đến Quốc hội, trình bày với Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Mỗi lần như vậy, câu chuyện đau thương được bà kể lại rành rọt.

Bà kể, trong một phiên tòa liên quan vụ việc bà được gọi vào trong khoảng 2 tiếng đồng hồ để trả lời một số câu hỏi liên quan của luật sư phía bị đơn.

“Họ hỏi tôi, thời điểm xảy ra sự việc tôi lúc đó tôi mấy tuổi? Và làm sao chắc chắn những người nổ súng sát hại người dân làng mình là lính Đại Hàn? Tôi nói, lúc đó tôi 8 tuổi nhưng tất cả những gì xảy ra tôi chứng kiến và nhớ rất rõ, nỗi đau ấy in trên cơ thể và hằn trong trí óc tôi không thể nào quên.

Những nhân chứng thảm sát, cả những cựu chiến binh Hàn Quốc còn sống. Tôi chỉ là một người dân nhỏ bé, sang tận đây không phải để dựng chuyện, sự thật sẽ được xác nhận và khẳng định” - giọng người phụ nữ xứ Quảng rành rọt khi trả lời câu hỏi của luật sư phía bị đơn trong một phiên tranh tụng tại tòa.

Sau 3 năm ròng theo đuổi vụ kiện, ngày 7/2/2023 của Tòa án quận trung tâm Seoul ra phán quyết chấp thuận yêu cầu của bà Thanh, buộc Chính phủ Hàn Quốc phải bồi thường cho những hành động mà binh lính Hàn Quốc gây ra trong khi tham chiến ở Việt Nam năm 1968.

Tháng Giêng mới đây, ngày giỗ chung lần thứ 55 của những nạn nhân thảm sát Phong Nhị, bà đón đoàn những nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc. Họ tìm đến tận nhà, trao tặng những bó hoa chúc mừng cùng cái ôm thật chặt cho người phụ nữ dũng cảm nói lên sự thật. Còn bà, trước vong linh nạn nhân ở bia tưởng niệm bà đã thấy lòng nhẹ lòng hơn.

Tuy nhiên, sau phán quyết của Tòa, Chính phủ Hàn Quốc đã kháng cáo. Trước động thái này, ngày 9/3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm “Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ nhưng không phủ nhận lịch sử, và yêu cầu Hàn Quốc tôn trọng sự thật lịch sử”.

Bà Thanh đọc như nuốt từng lời trên bản tin online mà PV Tiền Phong chuyền tay. Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu quan điểm tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/3/2023.

“Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo bản án, với quan điểm không phản ánh đúng sự thật khách quan về việc này”. Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng đến tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử. Trên tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và nhân dân hai nước”.

Sẽ trình Luật Đặc biệt ra Quốc hội Hàn Quốc

Tại lễ kỷ niệm 55 năm thảm sát Hà My, bà Kang Min Jung - Nghị sĩ quốc hội Đảng Dân chủ Hàn Quốc, cho biết: “Đối với người Hàn Quốc việc tìm hiểu sự thật lịch sử rất quan trọng, và khi biết sự thật này chúng tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi tới những thân nhân của người đã khuất, chia sẻ nỗi đau mà họ chịu đựng suốt thời gian qua. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, chúng tôi đang đưa ra những kiến nghị xây dựng Luật Đặc biệt nhằm giải quyết những vấn đề về thảm sát của quân đội Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Thời gian tới chúng tôi sẽ chính thức đệ trình những phác thảo ban đầu về Luật Đặc biệt này ra Quốc hội. Và nếu được thông qua nó sẽ có những bước tiến tốt hơn từ phía Chính phủ Hàn Quốc về vấn đề nói trên” – bà Kang Min Jung nói.

Người Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi

Ngày 24 tháng Giêng âm lịch năm 2023, như thường lệ, người dân làng Hà My, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) lại soạn lễ dâng mâm cúng 135 người dân trong làng bị thảm sát bởi đại đội của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến Rồng Xanh. Năm nay là giỗ chung lần thứ 55 của làng.

Và cũng như mọi năm, buổi lễ có sự chứng kiến của những vị khách Hàn Quốc, là thành viên Quỹ Hòa bình Hàn – Việt. Họ đến để tạ tội cho những tội ác mà binh lính Đại Hàn năm xưa gây ra.

"Cứ mỗi khi đến Hà My, chúng tôi lại dặn với lòng mình và hứa với bà con trong làng rằng sẽ luôn nhớ vụ việc xảy ra vào tháng Giêng năm 1968… Xấu hổ thay đứng ở đây ngày hôm nay chúng tôi cũng chỉ có thể thốt ra những lời như vậy. Tôi xin lỗi. Xin lỗi các bạn, những người lòng lại quặn đau những lúc xuân về. Xin lỗi các bạn, những người đã hơn 50 năm mỗi sáng chiều lại phải dâng hương cho người đã mất. Sinh mệnh của 135 người đã dừng lại trong ngày đau thương ấy, nhưng sẽ còn sống mãi trong ký ức của chúng tôi" - ông Kim Chang Sup, Trưởng đoàn (58 tuổi, thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt) đọc thư xin lỗi trước bia tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát.

MỚI - NÓNG