Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên

TPO - Tận thấy những ngôi mộ tập thể, mộ vô danh từ cuộc thảm sát và lắng nghe câu chuyện của nhân chứng sống, những người Hàn Quốc đã không cầm được nước mắt, nghẹn ngào nói lời xin lỗi.

Hơn 40 người Hàn Quốc là những giáo sư, thầy thuốc, giáo viên, nông dân, nghệ sỹ, nhà hoạt động xã hội, học sinh, sinh viên... đã đến tận nhà nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát làng Sơn Viên cách đây tròn 50 năm để nói lời xin lỗi.

Chiều 10/3, ông Nguyễn Tấn Quý (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tạm nghỉ việc đồng để đón đoàn khách người Hàn Quốc. Họ là thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn – Việt qua thăm và nói lời xin lỗi những nạn nhân của vụ thảm sát.

Ngôi nhà ông Quý chật kín người. Những vị khách tìm cho mình chỗ ngồi, chăm chú lắng nghe, ghi chép câu chuyện của nhân chứng.

Đã 50 năm kể từ cái ngày ông Quý phải chứng kiến tận mắt vụ thảm sát kinh hoàng do lính Nam Hàn gây ra, khiến hơn 40 người dân trong làng chết oan ức. Đó là ngày 3/10/1969 (âm lịch), khi đó ông Quý là anh du kích 25 tuổi.

Trận thảm sát đó ông Quý mất cùng lúc 5 người thân là mẹ, vợ, 2 người con và một đứa cháu vẫn chưa kịp chào đời.

Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên ảnh 1

Ông Nguyễn Tấn Quý kể về vụ thảm sát bên mộ người thân của mình - Ảnh: Hoài Văn

Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên ảnh 2

Ông Quý kể lại nỗi đau mất 5 người thân trong vụ thảm sát - Ảnh: Hoài Văn 

Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên ảnh 3

Người Hàn Quốc tạ lỗi với ông Quý. 5 người trong gia đình ông bị giết trong vụ thảm sát cách đây 50 năm - Ảnh: Hoài Văn 

Những vị khách lúc này không còn ngồi lặng lẽ mà bật khóc. Bà Yim Mae Hwa (65 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch) lấy tay lau những giọt nước mắt lăn dài. Bà có người anh họ từng là lính Nam Hàn. “Tôi chưa nghe anh ấy kể câu chuyện này. Thế nhưng sau khi đi lính trở về, anh ấy đã trải qua cả nỗi đau thể xác và sự dằn vặt về tinh thần. Gia đình cũng không hạnh phúc” – bà nói.

Giáo sư chính trị học Sonn Ho Chul cẩn thận ghi chép lại câu chuyện. Ông nói lời xin lỗi và cảm thấy rất đau lòng khi lính Nam Hàn đã gây ra những cuộc thảm sát khủng khiếp.

Ông Quý dẫn đoàn đến tận nơi xảy ra vụ thảm sát. Những ngôi mộ có tên hoặc vô danh dưới nền cát trắng. Tự tay đặt lên những bông hoa cúc, thắp nén nhang lên nấm mồ rồi lặng lẽ cúi đầu. Có những vị khách không kìm được tiếng khóc nấc, ôm vội lấy ông Quý nghẹn ngào nói lời xin lỗi.

Ông Kang U Il - Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt từ đầu đến cuối vẫn lặng lẽ, cúi đầu trầm mặc. “Tôi không thể tưởng tượng nỗi những nỗi đau mà các gia đình nạn nhân đã phải trải qua như thế nào. Nỗi đau mà chúng tôi bây giờ khi nghe lại vẫn có thể cảm nhận được, nó nhói lên từng hồi. Chúng tôi chỉ thấy một nỗi mặc cảm về tội lỗi dâng lên, muốn nói xin lỗi mà khó nói thành lời”  - ông nghẹn ngào, cúi đầu trước bia tưởng niệm những nạn nhân.

Ông Quý khẽ vỗ nhẹ lên vai vị khách rồi ngước lên nhìn thẳng về phía những người đối diện, và nói: “Quá khứ đau thương đó chúng tôi khó có thể quên. Nhưng hôm nay các bạn đã đến đây và nói lời xin lỗi. Tôi chỉ mong rằng thế hệ tiếp sau khi đã hiểu được về lịch sử xem đó như bài học, từ đó mà hướng đến xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn”.

Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên ảnh 4

Nước mắt thay lời tạ lỗi - Ảnh: Hoài Văn 

Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên ảnh 5

Ông Kang U Il - Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt và ông Kim Hyun Kwon – đại biểu Quốc hội Hàn Quốc trước nấm mộ tập thể các nạn nhân vụ thảm sát - Ảnh: Hoài Văn 

Người Hàn Quốc xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên ảnh 6

Ông Kim Hyun Kwon – đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cúi đầu tưởng niệm trước bia tưởng niệm vụ thảm sát Cây Da Dù - Ảnh: Trần Tuấn 

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, đoàn Hàn Quốc đã viếng Bia tưởng niệm Cây Da Dù (thôn Phong Nhất-Phong Nhị, phường Điện An, Điện Bàn), nơi xảy ra vụ thảm sát 74 thường dân vào ngày 12/2/1968.

Sáng mai (11/3), đoàn sẽ dự lễ cúng giỗ do những thân nhân, gia đình của nạn nhân vụ thảm sát Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) tổ chức, và nghiệm thu công trình tu sửa Bia tưởng niệm Hà My, nơi xảy ra vụ thảm sát 132 người dân ngày 25/2/1968

Ông Kim Hyun Kwon – đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến nơi này. Và có cảm giác thật là kinh hoàng. Buồn đến nỗi không thể thốt ra lời. Tôi nghĩ đến cả những người còn sống, với nỗi đau buồn họ phải gánh chịu suốt 50 năm qua. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi. Tôi vô cùng xin lỗi. Rất xin lỗi…”.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.