Xin đừng xây cao ốc thương mại ở nơi đây !

Xin đừng xây cao ốc thương mại ở nơi đây !
TPO - Mấy hôm nay, ký ức 19-12 thời kháng chiến lại hiện về, nhớ những người đã ngã xuống trên mảnh đất này... Nhưng trăn trở hơn là chuyện một con đường, một chứng tích của bao liệt sỹ hy sinh vì Thủ đô, đang có nguy cơ trở thành một cao ốc thương mại.
Xin đừng xây cao ốc thương mại ở nơi đây ! ảnh 1
Chợ 19/12 đang khẩn trương giải tỏa để xây cao ốc thương mại.  Ảnh: Phạm Yên

Viết những dòng này, lòng người muốn rơi lệ, nhớ bài học "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của thầy giáo lịch sử. Đâu đây, lời vang vọng non sông ngày 19-12-1946 "Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm… Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước".

Để thủ đô xứng tầm khu vực cần xây thật nhiều nhà cao tầng hiện đại. Tạm bợ như Chợ 19-12 xập xệ, bẩn thỉu và thiếu văn hóa không thể tồn tại giữa lòng Hà nội. Biến nơi đây thành trung tâm thương mại và văn phòng là muốn đất nước đẹp hơn, thủ đô đàng hoàng hơn.

Nếu cao ốc 17 tầng kia định xây ở đâu đó chắc ít phải bàn cãi. Dẫu rằng, nhiều nhà cao chót vót không chứng minh được sự hùng mạnh của một quốc gia hay một thủ đô, nếu giao thông, văn hóa, kiến trúc đô thị, tầm và tâm của người lãnh đạo không "cao" theo kịp tiến trình phát triển.  Tuy nhiên, một địa điểm tâm linh như chợ 19-12 là một câu chuyện khác.

Ai có dịp đi qua Hỏa lò - nơi bao nhiêu chiến sỹ cách mạng bị tù đầy, tra tấn, bị giết -  sẽ thấy di tích ấy được cưa đôi, phần kia được chia cho Hà nội Tower cao vút. Nhìn bức tường nham nhở còn lại cũng biết tư duy "cơi nới tạm bợ" của một thời...

Dân Thủ đô đang lo lắng về một con đường đã đi vào lịch sử bi tráng của một dân tộc sắp biến mất như số phận một nửa kia của di tích Hỏa lò. Thế hệ trẻ lớn lên chỉ biết shopping mall và fastfood. Máu đào cha ông đổ trên mảnh đất ấy liệu có xứng xây trên đó một Trung tâm thương mại 17 tầng ?

Bất chợt đọc về đồi Mamaev ở Volgagrad của nước Nga. Ngày 14- 9-1942, quân Đức đã chiếm được điểm cao quan trọng và thành phố trong tầm kiểm soát của địch. Một sư đoàn bộ binh 10.000 người của Nga đã chiếm lại sau đó nhưng gần như toàn bộ đã hy sinh. Nơi đó chứng kiến cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2.

Ngày nay, trên đỉnh đồi là tượng bà mẹ nổi tiếng “Родина-мать зовёт! Mẹ Tổ quốc kêu gọi”, cao 52m, nguyên thanh kiếm đã dài 27m. Dựng xong năm 1967, bức tượng cao nhất thế giới lúc đó.

Thế hệ sau chiến tranh thế giới thứ 2 tới thăm Mamaev, đi vòng quanh chân đồi, xem những phù điêu và ghi chép trên đó, sẽ tưởng tượng ra một chiến trận đẫm máu. Điều gì sẽ xảy ra, nếu trên đó là một shopping mall theo kiểu Mỹ. Hàng trăm ngàn người lính ngã xuống tại chân đồi sẽ không còn ai nhớ đến.

Ngày toàn quốc kháng chiến và sự hy sinh to lớn tại Thủ đô không kém phần khốc liệt so với chiến trận Volgagrad. Nhưng chúng ta không tìm đâu ra một nơi tưởng niệm xứng tầm “Mamaev Hà Nội”. 

Nếu chợ 19-12 biến thành con đường hay công viên tưởng niệm thì tinh thần “toàn quốc kháng chiến” sẽ được mãi tôn vinh như tầm vóc lịch sử của sự kiện. Đến ngày kỷ niệm đó, nhân dân dạo trên con đường có hàng cây long não, với tượng đài, những ghi chép trên phù điêu hay những ảnh chụp về cuộc chiến đấu như nhà sử học Dương Trung Quốc, cụ Nguyễn Vinh Phúc hay KTS Hoàng Đạo Kính đang mơ ước.

KTS Trần Thanh Vân có lý khi nói về chợ 19-12, một mảnh đất tâm linh của những người lính Hà Nội bỏ lại thủ đô phía sau, nhắc đến dấu ấn lịch sử bi tráng qua câu thơ Chính Hữu “Nhớ buổi ra đi đất trời bốc lửa/Cả đô thành nghi ngút cháy sau  lưng”.

Ông Dương Trung Quốc trăn trở “Tôi cảm thấy chạnh lòng khi Hà Nội mà ta vẫn tự hào là “thủ đô nghìn năm văn hiến” lại ít được quan tâm phát triển những thiết chế văn hoá và còn quá thực dụng trong tư duy lãnh đạo”. 

Quả thật, nhìn tấm bia kỷ niệm trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, trước Nhà hát lớn, không khỏi chạnh lòng. Tầm cỡ cuộc cách mạng long trời lở đất cho mấy chục triệu người ra khỏi trăm năm nô lệ của một đất nước với thu nhập gần 1000$/người/năm chỉ có vài miếng đá khiêm nhường và dòng chữ nhỏ mờ mờ.

Chắc chắn còn nhiều dự án cho Hà nội phát triển và đổi mới. Dự án EVN Land định xây một tòa nhà 15-20 tầng ngay cạnh Bờ Hồ. Disneyland tại công viên Thống nhất được phôi thai. Rồi Thủy cung Thăng Long, đường hầm xuyên Hồ Tây hay còn nhiều "phát minh kiến trúc" khác của những nhà đầu tư.

Thỉnh thoảng, báo chí mò đâu ra một cái tin, chỗ này xây 17 tầng, chỗ kia 20 tầng. Nhiều khi qui hoạch đã được duyệt, bật đèn xanh từ trước. Dư luận lên tiếng... Đôi khi được lắng nghe, đôi khi bị bỏ ngoài tai.

Một thủ đô hàng chục triệu dân, tầm cỡ thế giới, vài tháng lại đưa ra một dự án. Nếu bị phản ứng dữ dội quá, lại tìm cách rút lui. Chả lẽ không có một qui hoạch tổng thể và minh bạch ư. Hà Nội mở rộng ra gấp bốn ba lần để làm gì. Tại sao các trung tâm thương mại cứ phải nằm trong nội thành. 

Vài ngày nữa đến ngày kỷ niệm Toàn quốc kháng chiến. Hơn 60 năm đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu... Một ngày nào đó, chợ tạm 19-12 sẽ thay bằng một tòa nhà bê tông kính cao chót vót ? Dạy lịch sử Việt Nam cho con cháu bằng tượng đài, di tích, bảo tàng hay qua sách vở và vào thăm shopping mall để ăn kem. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của hôm nay. Để du khách tới Hỏa Lò không phải tự hỏi, nửa kia của lịch sử đã đi đâu.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG