Xe khách, taxi tăng “chui” giá cước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong 2 ngày qua, khi bắt taxi tại khu vực các bến xe hoặc trên đường Hà Nội, nhiều hành khách bị thu cao từ 30 đến 50% giá cước so với ngày thường. Việc này cũng xảy ra với nhiều xe khách tại các bến xe khách liên tỉnh. Việc thu này không được niêm yết nên nhiều hành khách rất bức xúc.

Từ Bến xe Giáp Bát về khu đô thị Xa La (Hà Đông) bình thường anh Nguyễn Thanh Tùng, người dân sống tại tòa nhà CT2A chỉ đi hết từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng, tuy nhiên trong chiều 13/2, khi bắt taxi từ bến Giáp Bát về nhà, anh Tùng phải trả 140.000 đồng (tăng khoảng 40%). Lý giải cho mức tăng trên, lái xe taxi cho anh Tùng biết, giá xăng tăng cao kỷ lục từ 600 đến gần 1.000 đồng mỗi lít (khoảng 5%) trong tuần qua đã khiến giá cước taxi phải tăng.

Xe khách, taxi tăng “chui” giá cước ảnh 1

Nhiều xe khách chạy đến bến xe Hà Nội đang tăng “chui” giá cước từ 20 đến 30% so với trước Tết

Tại bến xe Mỹ Đình, sáng 14/2 cũng ghi nhận, hầu hết các taxi đứng chờ, vẫy khách tại đây cũng tăng giá cước từ 20 đến 30% tùy cung đường. Nếu hành khách đi với cự ly dưới 10 km sẽ có mức tăng khoảng 30%, với hành khách đi cự ly trên 10 km có mức tăng 20%. Thời điểm, 11h ngày 14/2, một xe ô tô con 5 chỗ đeo biển (mào) taxi nhưng không có tem, logo nhận diện của doanh nghiệp mời chào một khách đi từ bến Mỹ Đình về Đại học Bách Khoa với giá 150 nghìn đồng. Không đồng ý với mức giá trên, Nguyễn Đình Thành, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã từ chối. Thành cho biết, do có nhiều đồ mang từ quê lên Hà Nội để trọ học, hơn nữa trời lạnh và mưa nên Thành muốn đi taxi, tuy nhiên giá các tài xế sáng 14/2 đưa ra cao hơn bình thường từ 30 nghìn đến 50 nghìn là quá vô lý.

Theo ông Hùng, giá xăng đang chiếm 35 đến 40% chi phí hoạt động của taxi, việc giá xăng tăng cao nhất trong nhiều năm vừa qua sẽ gây khó khăn chồng chất cho DN vận tải.

Ghi nhận tại bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm… trong ngày hôm qua, hầu hết xe taxi hoạt động tại khu vực bên ngoài bến xe là taxi có đeo mào, nhưng không có tem, logo doanh nghiệp; trên xe có đồng hồ tính cước nhưng không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng tài xế không áp dụng giá cước này và toàn thu “bo”, tự thỏa thuận với khách.

Trên nhiều tuyến đường Hà Nội trong hai ngày qua, khi người dân ra đường vẫy xe taxi đều bị tài xế taxi thu thêm cao hơn giá tuần trước từ 10 đến 20%.

Taxi và xe khách chưa tăng giá cước

Với xe khách đi đến các bến xe Hà Nội trong ngày 14/2, một số nhà xe đã thu của khách tăng từ 10 đến 20% so với tuần trước. Cụ thể, từ Nam Định đi Hà Nội, giá niêm yết tại các bến xe trung bình là 110 nghìn đồng/khách nhưng ngày hôm qua một số xe thu 120 nghìn đến 130 nghìn hành khách. Tại bến Nước Ngầm, giá vé xe từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội là 230 nghìn đồng/người xe giường nằm thì trong hai ngày qua một số nhà xe đã thu lên 250 - 270 nghìn đồng/người.

Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, sau khi giá xăng, dầu tăng trong tuần qua, bến xe chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp vận tải - nhà xe nào đề nghị điều chỉnh tăng giá vé, do vậy giá vé vận tải tại bến xe Giáp Bát vẫn ổn định từ trong Tết đến nay. Đại diện Cty Cổ phần bến xe Hà Nội (quản lý bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) cũng cho biết, hiện các bến xe của Cty chưa ghi nhận DN vận tải đề nghị tăng giá vé.

Đề cập đến giá cước taxi sau khi giá xăng tăng, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện nay giá cước taxi trên địa bàn Hà Nội vẫn giữ nguyên như trước Tết. “Theo tính toán của chúng tôi, mức tăng vừa qua, vẫn đang trong biên độ dự tính và đang được áp dụng cho giá cước trên thị trường, do vậy nếu giá xăng vẫn giữ nguyên như hiện nay, giá cước taxi sẽ gần như không có biến động”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên ông Hùng cũng cho biết, sau nhiều tháng phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của cơ quan quản lý để phòng chống dịch, đến khi hoạt động trở lại thì gặp tình trạng hành khách có tâm lý không muốn đi vận tải công cộng trong đó có taxi vì sợ nguy cơ lây lan dịch.

MỚI - NÓNG