Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho biết: "Khi Nghị định 41 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe  ban hành, tôi cho rằng chế tài xử phạt hơi nặng quá. Nhưng theo tôi, cần quản lý giám sát thì mới xử phạt được. Quy định chế tài xử phạt rất nặng nhưng xe dù, xe trái quy định vẫn nở rộ. Cần nêu rõ trách nghiệm quản lý, giám sát để có thể xử phạt xe hợp đồng vi phạm". 
Tọa đàm xe hợp đồng

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

21/08/2024 09:33

Vận tải bùng nổ với nhiều loại dịch vụ mới

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - thay mặt Ban Biên tập Báo Tiền Phong cảm ơn sự có mặt của đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp bến xe, doanh nghiệp vận tải có mặt tại tọa đàm.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 1

Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - phát biểu dẫn đề buổi tọa đàm.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho biết, những năm gần đây, các loại hình phương tiện giao thông, vận tải bùng nổ với nhiều loại dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ truyền thống, phi truyền thống và là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Xu hướng vận động đã tác động lớn tới môi trường vận tải. Loại hình xe hợp đồng có lâu nhưng loại hình hợp đồng như hiện nay mới xuất hiện mang lại lợi ích nhất định cho người tham gia giao thông, tiện ích.

Sự trao đổi, chia sẻ từ cơ quan chức năng, chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp, dần hoàn thiện hành lang pháp lý. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, bài bản mong muốn được thực thi trong môi trường pháp luật tốt, mang lại lợi ích tốt cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong nhận ý kiến trao đổi nhiều chiều để hướng tới quản lý vận hành tốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho quản lý, tổ chức giao thông, đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Thay mặt Ban biên tập Báo Tiền Phong, tôi cảm ơn đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan báo chí tham gia tọa đàm.

21/08/2024 09:37

Loạt bài "Xe hợp đồng trá hình" trên Báo Tiền Phong

21/08/2024 10:02

Xe hợp đồng dưới 8 chỗ hoạt động như taxi

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 6

Ban chủ tọa điều phối chương trình tọa đàm.

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam:

Doanh nghiệp hiện phải chấp hành song song Luật Đường bộ, Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ. Luật Đường bộ chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản; dưới 8 chỗ thì không nhắc tới. Trách nhiệm của hiệp hội, doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật tốt hơn, làm sao để bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh chính thống, hợp với xu thế.

Hiện nay có tình trạng xung đột xe hợp đồng dưới 8 chỗ hoạt động như taxi. Tuy nhiên, việc khách thuê trọn gói rất ít khi xe gia đình ngày càng nhiều. Nghị định 10 cho taxi được thanh toán theo 2 hình thức đồng hồ, hoặc phần mềm. Xe dưới 8 chỗ cạnh tranh rất lớn. Trong khi taxi kê phải khai cước thì xe hợp đồng lại không, rất bất lợi cho taxi chính thống. Xe hợp đồng được tính tiền cước theo thoả thuận thì lấy chuẩn mực nào thu thuế?

Thực trạng thứ 2 là xung đột xe limousine và xe tuyến cố định. Luật đi trước, các thông tư nghị định phải đồng bộ theo sau để quản lý hiệu quả. Một doanh nghiệp tuyến cố định vào bến phải đăng ký biểu đồ, lốt, giờ, đươc hiệp thương … quy trình rất phức tạp. Trong khi đó, limousine không phải đăng ký. Người dân xu thế chuộng xe limousine.

Xu thế như vậy, nếu không có cơ chế quản lý được thì chúng ta sẽ thất bại. Xe từ 9 chỗ trở lên, phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe, trong khi dưới 9 chỗ thì không. Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xe dưới 9 chỗ là loiaj hình mới. Loại hình này cần có tên gọi rõ ràng, mới thu thuế được.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 7

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam.

Theo quy định, xe kinh doanh đổi biển vàng, tuy nhiên còn tình trạng phổ biến xe dù không đổi biển, chèn ép xe taxi khi đón khách. Lực lượng quản lý, thanh tra giao thông không đủ để xử phạt.

Cần xác định rõ khái niệm xe hợp đồng, nếu gom khách là vi phạm, còn nếu vào bến, các đơn vị kinh doanh có khó khăn gì cần nếu ra để địa phương điều chỉnh. Chúng tôi đề nghị địa phương quy định cụ thể để doanh nghiệp chấp hành. Cũng cần đặt câu hỏi tại sao loại hình này nở rộ? Lý do là điều kiện thông thoáng, có giấy phép kinh doanh là cấp phù hiệu. Cứ tình trạng này, thời gian tới taxi sẽ bỏ mào, hoạt động linh hoạt.

Chẳng hạn như Phú Thọ là tỉnh nhỏ, nhưng có tới 1.000 xe ghép. Cạnh sân bay Nội Bài có hơn 1.000 xe ghép, số lượng ngang với trong sân bay. Do đó, cần định nghĩa rõ như thế nào là trá hình, trá hình phải xử lý, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần quy định, để địa phương cấp phù hiệu căn cứ siết chặt, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, bến xe. UBND các tỉnh, thành phố giảm bớt điều kiện cho các bến xe, tính theo nhu cầu khách hàng.

21/08/2024 10:08

Vì sao phát triển xe hợp đồng?

Nói về lý do vì sao phát triển loại xe hợp đồng, ông Lê Ngọc Nam - Chủ tịch HĐTV X.E Việt Nam - cho biết, việc lựa chọn loại hình này vì xuất phát từ nhu cầu của xã hội và cũng dựa trên định hướng phát triển của doanh nghiệp tạo ra một loại hình vận chuyển tối ưu nhất. Về nhu cầu của xã hội, chúng tôi ban đầu hướng đến một số đối tượng khách hàng nhất định. Nhóm thứ nhất là các khách hàng có nhu cầu đi I lại cơ bản.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 8

Ông Lê Ngọc Nam - Chủ tịch HĐTV X.E Việt Nam.

Trước đây, các loại xe vận tải chỉ phục vụ những nhu cầu đi lại để thăm thân, học tập, chữa bệnh… Nhưng thời gian gần đây, đã hình thành một nhóm khách hàng có nhu cầu cao cấp hơn, đòi hỏi nhiều hơn ở việc đi lại, sẵn sàng bỏ số tiền cao hơn để được hưởng tiện ích. Một nhóm đối tượng khác là khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chúng tôi tập trung khai thác các tuyến có cự ly ngắn, đông khách du lịch. Ví dụ như Ninh Bình đón 7 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, Thái Bình đón 500.000 khách du lịch mỗi năm. Những khách du lịch này xuất phát từ Hà Nội thì sẽ có xe của chúng tôi đưa đón tận nơi. Hiện tại xu hướng du lịch cũng rất khác trước đây. Trước đây chúng ta thường đi du lịch theo đoàn, hoặc mua tua trọn gói, nhưng hiện nay 1 người cũng đi du lịch. Những người này ở nhiều vùng miền khác nhau việc di chuyển bằng xe hợp đồng sẽ thuận tiện hơn.

Nhóm đối tượng thứ 3 là người làm việc tại các khu công nghiệp, khu sản xuất. Hiện nay, có rất nhiều chuyên gia, cán bộ nước ngoài mang theo gia đình đến làm việc tại Việt Nam, những người thường sống tại các khu đô thị và có nhu cầu đi lại giữa các tỉnh. Ví dụ như các khu công nghiệp, khu sản xuất lân cận Hà Nội có rất đông. Khi có xe hợp đồng, nếu như xuất phát ở Hà Nội từ 6h sáng thì 7h45 đã có mặt làm việc ở Ninh Bình.

Vì thế chúng tôi phát triển xe hợp đồng nhằm đáp ứng được nhu cầu của người dân và toàn xã hội.

21/08/2024 10:14

Phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ hấp dẫn!

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát:

Đối với một doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải là đặc thù, điều đầu tiên khi tham gia, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu pháp luật, thông tư, nghị định. Sau đó, doanh nghiệp mới nghĩ đến đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cho lao động.

Trước đây, chúng tôi kinh doanh vận tải cố định và bây giờ chúng tôi vẫn kinh doanh vận tải cố định thuần khiết. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như thị trường làm sao có dịch vụ tốt chúng tôi mở thêm xe hợp đồng.

Tôi nhận thấy, hiện khi Luật giao thông đường bộ mới thông qua, các nghị định, thông tư mới đang soạn thảo vẫn gây khó cho hoạt động cho xe tuyến cố định. Bên cạnh thủ tục còn nhu cầu hành khách. Hành khách là quyết định sống còn của doanh nghiệp. Câu chuyện chúng tôi sang xe hợp đồng bởi thủ tục xe cố định còn vướng mắc.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 9

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát.

Hiện Công ty Sao Việt chạy 21 xe bến xe Mỹ Đình. Chúng tôi phải tăng 41 xe mới đủ nhu cầu khách hàng, nhưng việc phát triển 41 xe không phải là một câu chuyện dễ vì Iên quan đến quy hoạch. Hành khách đi xe không chờ được mình và lựa chọn hình thức khác, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng nhu cầu hành khách. Việc mở thêm xe hợp đồng chúng tôi phải tuân theo quy định với giấy phép kinh doanh, hợp đồng khách…

Đối với xe kinh doanh hợp đồng đang áp đảo với mục tiêu chính kinh doanh nhưng phục vụ tốt đi lại của người dân. Chúng tôi cho rằng, làm sao phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ hấp dẫn cho doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định và hợp đồng. Làm sao giữ 2 loại hình này đồng hành có tiếng nói chung. Ngoài ra, nếu bến xe dư thừa có thể cho xe hợp đồng để tăng thu nhập cho bến xe.

21/08/2024 10:26

Phân loại xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định thế nào?

Ông Phạm Sơn Tùng - Phó trưởng Phòng điều hành vận tải nhà xe Văn Minh:

Để phân loại xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định, chúng ta phải xem xét yếu tố: Nhu cầu khách hàng, sự lựa chọn phương án kinh doanh của doanh nghiệp và pháp lý.

Vấn đề đầu tiên, tuyến cố định có nhiều ràng buộc, quy định chặt chẽ từ lộ trình, hướng đi, báo cáo cơ quan quản lý thường xuyên. Xe hợp đồng phụ thuộc nhu cầu khách hàng. Để quản lý, chúng ta cần giải quyết hợp đồng của khách hàng để sao tương xứng ràng buộc tuyến cố định và hợp đồng khách hàng. Chi phí đối với tuyến cố định liên quan xe, lái xe, chi phí đầu bến. Nhà xe tuyến cố định phải vận hành nhà xe nội thành thành phố bằng xe trung chuyển, phát sinh chi phí lớn.

Trong khi đó, xe hợp đồng đưa đón khách ở nội thành. Đây là bài toán và cần tính đến sự cân bằng giữa xe cố định và xe hợp đồng. Về quy định kiểm tra, các loại hình xe hợp đồng lưu trữ hợp đồng 3 năm (trước đây phải có hợp đồng trước), sẽ vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho xe hợp đồng, trong khi xe tuyến cố định chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt trước khi xuất bến.

Nhà xe Văn Minh khai thác tuyến xe Hà Tĩnh - Nghệ An - Hà Nội. Những năm gần đây, nhiều nhà xe rời bến, chạy xe hợp đồng nhưng nhà xe Văn Minh vẫn chạy tuyến cố định. Sự dịch chuyển của xe hợp đồng gây ra nhiều áp lực cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng tới doanh nghiệp vận tải xe cố định.

21/08/2024 10:32

Vận hành xe hợp đồng hiệu quả hơn rất nhiều

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà xe Vân Anh:

Trước đây, chúng tôi chạy tuyến cố định, từng chạy hợp đồng, rồi quay lại tuyến cố định… Năm 2009-2010, nhà xe tiên phong xe giường nằm tại bến Giáp Bát. Tuy nhiên, sau đó, xe hợp đồng nở rộ, tới năm 2015 đổi sang xe hợp đồng. Việc xin lốt vào bến khó khăn, trong khi xe hợp đồng chỉ cần mua xe, xin tem hợp đồng, chờ khách gọi, rất đơn giản.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 10

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà xe Vân Anh.

Bản chất xe hợp đồng và xe tuyến cố định không khác nhiều, nhưng vận hành xe hợp đồng hiệu quả hơn rất nhiều về đầu tư. Đầu tư như nhau, nhưng vận doanh của xe hợp đồng gấp nhiều lần, xe vào bến tốn nhiều loại thuế, phí: bến, VAT vé, thuế thu nhập doanh nghiệp… Doanh nghiệp gánh nhiều thuế phí khó giảm giá cạnh tranh với xe hợp đồng. Xe hợp đồng không phụ thuộc giờ giấc, không có gì hạn chế khách hợp đồng với doanh nghiệp, quay đầu nhiều thì giá vé xe giảm xuống.

Cơ quan quản lý cần cởi mở cho xe cố định bằng hình thức nào đó, để xe cố định linh hoạt hơn, cạnh tranh được với loại hình mới. Đơn vị của tôi vận doanh 70.000 - 80.000 khách/tháng, phải vào bến, nếu không được đi xuyên tâm, mất cả chục xe trung chuyển, phát sinh nhiều chi phí.

21/08/2024 10:36

Bến xe không nên chỉ dành cho xe tuyến cố định

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm:

Xe hợp đồng phải đạt được quyền lợi thì mới kinh doanh được, nhưng những loại hình khác cũng quan tâm đến quyền lợi, rất nhiều vấn đề cần hài hòa về quyền lợi.

Giải pháp như thế nào thì khó nói cụ thể. Nhưng giải phát duy nhất là làm theo quy định của luật pháp. Luật pháp cần sửa đổi để phù hợp hơn. Ví dụ xe khách trong bến đang làm theo luật là xuất phát theo giờ cố định nhưng xe hợp đồng lại có thể “xé rào”, có thể chạy tùy ý. Hiện các nhà xe hiện nay bán vé trực tuyến nên không cần lo việc xếp hàng mua vé gây ách tắc. Thế nên cứ xe nào đủ khách thì cho đi.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 11

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm.

Theo tôi, giải pháp hiện cần bàn là chỗ đỗ xe, điểm trả khách cho xe hợp đồng. Tôi nghĩ rằng bến xe không nên chỉ dành cho xe tuyến cố định mà còn có thể các xe chở khách hợp pháp khác vào bến. Nếu làm như thế thì không có thiệt gì cho bến xe mà các doanh nghiệp hoạt động sẽ hợp pháp hơn. Như thế hài hòa hơn lợi ích cho các phương tiện khác. Cơ quan thuế cũng dễ quản lý hơn khi các xe vào bến. Bên cạnh đó có thể thay đổi việc đỗ xe trả khách không cần chỉ 1 sàn, mà có thể nâng lên nhiều sàn.

Tôi cho rằng, cơ quan nhà nước phải ra tay để xử lý hài hòa giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng. Cho xe hợp đồng vào bến chỉ cần quy định giờ đỗ 10-15 phút ra ngay. Như thế việc doanh nghiệp không vướng mắc việc thời gian xuất bến, chỉ cần đủ khách thì cho phép xe chạy.

21/08/2024 10:43

Cục Đường bộ Việt Nam nói gì?

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam:

Xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như thăm quan, du lịch, công nhân, học sinh. Phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên, tuyến đường, ngõ ngách, nhiều khung giờ. Từ đó nảy sinh việc xe hợp đồng chạy như xe cố định. Trên tất cả xe đều phải lắp thiết bị giám sát có chức năng giám sát tốc độ, hành trình, thời gian làm việc người lái xe.

Hành vi vi phạm xe hợp đồng như đặt chỗ qua mạng, thu tiền hành khách, dừng đỗ không đúng, thiết bị giám sát hành trình không thể giám sát được. Hệ thống thiết bị quy định chỉ cần thông tin đó nên để xử lý hành vi của xe hợp đồng cần phối hợp với cơ quan chức năng khác.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 12

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam.

Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã chia sẻ dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình cho Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An) và Cảnh sát giao thông địa phương. Chúng tôi cũng chia sẻ tài khoản cho nhiều cục thuế địa phương. Căn cứ thiết bị hành trình, cơ quan này tìm cách để thu thuế hoặc xử phạt khi sai phạm.

Việc xác định xe hợp đồng thu thuế, hiện nay chỉ nộp mỗi thuế môn bài. Xe tuyến cố định phải nộp các loại thuế khác. Để xác định xe này chở khách hợp đồng phải có nghiệp vụ giỏi. Một xe xác định xe chạy hợp đồng nhưng lái xe nói đi sửa chữa hoặc chở người nhà, để xác định hành vi rất vất vả.

21/08/2024 11:07

Nhu cầu đi lại của người dân là chính đáng

Bà Đỗ Hương Giang - Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội:

Hà Nội hiện có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó 18.000 xe dưới 9 chỗ. Xe tuyến cố định có 3.300 xe. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn xe taxi. Việc cấp phép vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giữa xe hợp đồng và xe tuyến cố định có sự khác nhau.

Theo đó, xe hợp đồng không yêu cầu phải lập ban an toàn giao thông, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông. Sự khác biệt nằm ở mặt tổ chức. Chúng tôi kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nên thành lập ban an toàn giao thông với tất cả các lọai hình xe. Xe hợp đồng xảy ra những tai nạn nghiêm trọng, cũng có yếu tố ảnh hưởng từ đây...

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 13

Bà Đỗ Hương Giang - Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội.

Với Hà Nội, còn tình trạng xe biển trắng đang hoạt động chở khách âm thầm, không đúng quy định nhưng chế tài quản lý vô cùng khó khăn. Nếu như Bộ Thông tin và Truyền thông không vào cuộc, đủ mạnh, thậm chí công an, thanh tra ngoài đường cũng không quản ký được trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh, máy chủ các hãng xe đặt ngoài biên giới.

Tôi đề nghị, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phải được quy định rõ ràng trong luật, trách nhiêm của bộ ngành liên quan. Chính sách sau luật phải đảm bảo công bằng, nhu cầu đi lại của người dân là chính đáng. Vận tải phục vụ tốt nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp, bộ máy luật pháp…

Số lượng xe tư nhân hiện nay rất lớn, hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, để họ tự do kết nối với nhau, khó quản lý. Hà Nội đã có chuyên đề 05, chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng, do có nhiều yếu tố dân sự. Đây là điều cơ quan quản lý rất trăn trở.

21/08/2024 11:13

Tình hình xử phạt xe hợp đồng

Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội:

Từ sau dịch COVID-19 Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp trong đó có tổ chức các lực lượng liên ngành để kiểm tra các hoạt động xe dù trên 12 quận địa bàn hà nội, kết hợp kiểm tra thực tế và kiểm tra trên camera để xác minh được hành vi vi phạm của xe hợp đồng.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 14

Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm tra sai phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Các tổ liên ngành đã đến tận doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình và các số hiệu phương tiện để giám sát hành trình

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử phạm hơn 1.870 trường hợp sai phạm, xử phạt 6,5 tỷ đồng, tạm giữ 27 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 300 trường hợp, tước phù hiệu hàng chục phương tiện

Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra tại các đơn vị doanh nghiệp, kiểm tra qua các thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm.

21/08/2024 11:16

Chính sách thuế không khác nhau

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế

Với vận tải ô tô, dư luận xã hội và cơ quan quản lý có nhiều trăn trở. Tôi khẳng định, chính sách thuế không có sự khác nhau giữa các hình thức vận tải hành khách hợp đồng, xe tuyến cố định hay taxi. Tất cả đều chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp phát sinh lãi chịu thuế khấu trừ doanh nghiệp…

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 15

Bà Lê Thị Duyên Hải.

Nếu có sự khác nhau ở đây là việc doanh nghiệp tuân thủ theo quy định nhà nước về thuế có đầy đủ không, kịp thời không. Nếu nói xe hợp đồng chỉ nộp thuế môn bài, không chịu thuế giá trị gia tăng là không đúng. Với xe hợp đồng chính thống không chính thống đang quản lý là khó khăn và làm sao giám sát doanh nghiệp kinh doanh vận tải tự khai tự nộp đầy đủ cũng khó khăn không kém.

Cơ quan thuế quản lý sau các cơ quan khác một chút. Chúng tôi có nhiều biện pháp, mức độ giám sát khó khăn hơn với loại hình xe mà trong lĩnh vực quản lý giao thông vận tải cũng khó khăn làm sao đúng và đủ.

Thực tế, các hành vi trốn thuế lĩnh vực trong hoạt động vận tải trong đó có hình thức xe hợp đồng được báo chí phản ánh. Như vụ nhà xe Thành Bưởi có vấn đề về thuế, cơ quan thuế vào cuộc, đã phát hiện xe Thành Bưởi có dấu hiệu trốn thuế và chuyển hồ sơ cho công an. Cơ quan công an giám định 2 lần nhà xe trốn thuế giá trị giá tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân khoảng 5,4 tỷ đồng. Các cơ quan đang đưa ra xử lý tiếp theo.

21/08/2024 11:20

Đã có chế tài nặng để xử lý vi phạm

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

Sau thời gian thực hiện, Bộ GTVT nhận thấy bất cập và sửa đổi Nghị định 10 và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6 (Nghị định 41). Trong Nghị định 41 có nhiều nội dung sửa đổi liên quan xe hợp đồng.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 16

Ông Nguyễn Xuân Thủy.

Trước đây, xe hợp đồng phải ký kết, thông báo cho cơ quan quản lý trước khi thực hiện và gây nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi chuyển việc thông báo hợp đồng đến Sở GTVT trước khi xe chạy và chuyển lưu trữ hợp đồng tại doanh nghiệp. Đây cũng là dữ liệu cơ quan thuế giám sát thu thuế. Nội dung sửa đổi tiếp theo liên quan thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Quy định thu hồi biển hiệu, phù hiệu trước đây đơn giản khiến doanh nghiệp cảm thấy chế tài chưa đủ mạnh. Trên cơ sở góp ý cơ quan, chúng tôi đưa quy định này với thời gian cấp lại phù hiệu, biển hiệu đã thu hồi. Thời gian thu hồi, phương tiện không được kinh doanh vận tải. Giấy phép kinh doanh vận tải cũng tương tự. Doanh nghiệp bị thu hồi 30% phù hiệu, biển hiệu trở lên sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải. Đây là chế tài nặng để xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam:

Cách đây 10 năm, hệ thống giám sát thiết bị hành trình mới mẻ, nhưng bây giờ hệ thống vẫn như vậy, chưa được nâng cấp. Nguồn kinh phí nâng cấp phải từ ngân sách Nhà nước. Vấn đề tồn tại lâu, chúng tôi đã kiến nghị nhưng chưa có kinh phí.

Chính yêu cầu Bộ GTVT chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình, Bộ đã có yêu cầu các sở thực hiện để theo dõi, chia sẻ. Theo số liệu các sở cập nhật về giám sát hành trình, trong 7 tháng đầu năm, đã có 20.830 phù hiệu bị thu hồi.

Ngày 16/8, Bộ GTVT có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tăng cường xử lý xe dù bến cóc, xe tiện chuyến… các sở đang tiếp tục triển khai. Theo Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu từ 1/1/2025, dữ liệu hành trình, camera chuyển dữ liệu sang Bộ Công an.

Hy vọng với nghiệp vụ của Bộ Công an, tình trạng xe hợp đồng được xử lý dứt điểm.

21/08/2024 11:27

Cần nêu rõ trách nghiệm quản lý, giám sát

Ông Thân Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

Khi Nghị định 41 ban hành, tôi cho rằng chế tài xử phạt hơi nặng quá. Nhưng theo tôi, cần quản lý giám sát thì mới xử phạt được. Quy định chế tài xử phạt rất nặng nhưng xe dù, xe trái quy định vẫn nở rộ. Cần nêu rõ trách nghiệm quản lý, giám sát để có thể xử phạt xe hợp đồng vi phạm

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 17

Ông Thân Văn Thanh.

Đến ngày 15/9, các mạng 2G ngừng hoạt động trên toàn quốc, vậy câu hỏi đặt ra là các thiết bị kiểm tra giám sát sẽ hoạt động như nào? Tiền nâng cấp thiết bị ai chịu? Nếu bắt các doanh nghiệp nâng cấp thì cản trở tối ưu hóa lợi nhuận.

Hiện vẫn không rõ sẽ xử lý các thiết bị giám sát như nào dù việc mạng 2G ngừng hoạt động đã được công bố rất lâu rồi. Khi không giám sát được thì mọi phương pháp cưỡng chế thực thi pháp luật, mọi chế tài xử phạt đều vô nghĩa.

Hầu hết các xe hợp đồng hiện nay là “trá hình”, bỏ bến, bỏ tuyến cố định ra làm bên ngoài. Tôi được biết, sau đại dịch, khoảng 40% lượng xe của Cty Bến xe Hà Nội đã rời bến ra ngoài. Đó là tình trạng đáng báo động, nếu không quan tâm đến vấn đề này sẽ mất trật tự cho xã hội. Xe hợp đồng "trá hình" hoạt động một cách tự do và đang có xu thế nở rộ hơn. Các doanh nghiệp luôn tối đa hoá lợi nhuận nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo nghĩa vụ với nhà nước và trách nhiệm hành khách.

Tôi cũng đi rất nhiều loại hình xe limousine và thấy đa phần trốn thuế. Đây là sự bất bình đẳng giữa 2 loại hình kinh doanh vận tải hành khách. Có những vụ tai nạn, nhưng người dân không được bảo hiểm. Rồi có những xe hợp đồng không nộp đồng thuế nào.

21/08/2024 11:39

Đề xuất quy chuẩn điểm đón trả khách các loại xe

Ông Lê Ngọc Nam - Chủ tịch HĐTV X.E Việt Nam:

Lợi ích xe hợp đồng có thể nhìn nhận thấy, chất lượng dịch vụ vận tải được nâng lên. Các doanh nghiệp đầu tư đi đầu ứng dụng công nghệ, an toàn rất tốt. Doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng đồng đều. Tuy nhiên, khác với trước đây, phần lớn doanh nghiệp ý thức doanh nghiệp chủ động chấp hành pháp lý, rủi ro trong quá trình kinh doanh rất quan trọng.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 18

Ông Lê Ngọc Nam.

Các doanh nghiệp chủ động hơn, chấp hành pháp luật kinh doanh vận tải. Khi doanh nghiệp kinh doanh tạo ra giá trị thiết thực phục vụ khách hàng, sức hút thì giữa các doanh nghiệp khác nhau và tạo ra sự cạnh tranh. Cạnh tranh bình đẳng hay không bình đẳng tuỳ thuộc vào góc nhìn. Nó không hoàn toàn là sự bất bình đẳng.

Giảm ùn tắc hay những vấn đề thì trong xu thế phát triển chung của thành phố, nhu cầu đi lại mặt trái của nó là ùn tắc giao thông. Cái này không chỉ Hà Nội, TP.HCM mà cả Vinh, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng đối mặt với tình trạng tắc đường. Cái này đòi hỏi giải pháp tổng thể.

Với doanh nghiệp xe hợp đồng, vấn đề còn nhiều vướng mắc. Ví dụ điểm đón trả xe hợp đồng. Nhà nước quy hoạch điểm đón trả xe hợp đồng hay các xe khác thì khó vì quy hoạch quỹ đất hiện nay.

Tôi mấy lần đề xuất ban hành quy chuẩn điểm đón trả khách các loại xe. Ví dụ, các điểm đón trả ở đây có thể là văn phòng nội thành, nằm tuyến phố có đủ điều kiện đón trả. Tùy theo điều kiện để phân bổ cho phù hợp.

21/08/2024 11:42

Doanh nghiệp chúng tôi lo cơm, áo, gạo, tiền

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc hãng xe Sao Việt:

Các doanh nghiệp có bao nhiêu xe kinh doanh với các loại hình, bao nhiêu tem vận tải, cơ quan thuế đều nắm rất rõ. Chúng tôi báo cáo đầy đủ thông tin với cơ quan thuế tương ứng với từng loại hình vận tải. Loại hình xe nào đóng thuế như thế nào, cơ quan thuế nắm chính xác.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 19

Ông Đỗ Văn Bằng.

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi lo cơm áo gạo tiền, từ đầu tư, chấp hành nghĩa vụ nhà nước, đến phát triển doanh nghiệp. Cơ chế chính sách hiện tại, chưa có nhiều cơ chế ủng hộ cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp tự lo nhiều thứ. Doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội chịu sự giám sát chặt chẽ của Sở GTVT Hà Nội và cơ quan chức năng khác.

Khi đầu tư phương tiện kinh doanh, doanh nghiệp mong muốn có lợi nhuận cho doanh nghiệp, việc làm người lao động, đóng thuế đất nước. Xe bị thu hồi phù hiệu, xe ngừng hoạt động nên doanh nghiệp cố gắng không vi phạm. Tôi hy vọng, sau toạ đàm có thể tìm tiếng nói chung nhằm siết chặt quản lý nhưng cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vận tải hành khách tuyến cố định được đặt tên thì vận tải hành khách hợp đồng cũng cần được đặt tên.

Hiện tại, con số thống kê của cơ quan chức năng, chúng ta đang thay đổi tích cực. Trước 2017, chúng ta có khoảng 2,2 triệu phương tiện tham gia giao thông, đến nay đã tăng lên khoảng 7 triệu phương tiện. Bên cạnh khuyết điểm, chúng ta cần đánh giá ưu điểm của các loại hình vận tải.

21/08/2024 11:45

Cần đầu tư vào công nghệ để quản lý

Ông Phạm Sơn Tùng - Phó trưởng Phòng điều hành Vận tải nhà xe Văn Minh

Đề nghị cần đầu tư vào công nghệ để quản lý. Hiện nay, Bộ ban ngành đã có cơ sở dữ liệu chung, rút ngắn rất nhiều thời gian, thủ tục, tiết kiệm chi phí.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 20

Ông Phạm Sơn Tùng.

Việc nâng cấp hệ thống quản lý, công nghệ rất cần thiết, tạo sự liên thông giữa bộ ban ngành, với độ chính xác cao, tự động. Thay vì xử phạt, cơ quan quản lý có thể dùng hệ thống này để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp khắc phục, đến bao nhiêu lần thì xử phạt, tạo tính răn đe cao.

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm:

Cần có quy định “nới” lỏng bến xe không chỉ tuyến cố định mà cả xe hợp đồng hợp pháp. Nếu được cái đấy có lợi cho xe hợp đồng. Giải quyết rất tốt. Điểm bến xe cần đổi mới thu hút khách. Quan điểm tôi chúng tôi đã và đang làm nhà chờ khách các nhà xe đến ngồi chờ như ngồi chờ sân bay. Nước Ngầm đang làm phòng chờ đáp ứng nhiều nhà xe đáp ứng nguyện vọng đó.

21/08/2024 12:01

Không thể nói vì lợi ích của người dân mà phát sinh loại hình vận tải mới

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam

Tại các thành phố lớn trước đây có quy hoạch số lượng phương tiện để phù hợp với kết cấu hạ tầng. Chúng ta đã tính đến việc 1 tiếng ùn tắc đã tiêu tốn bao nhiêu tiền của chưa. Vì kết cấu hạ tầng không thể mở rộng nên quy chế xử lý phải áp dụng chặt với các loại xe vào nội đô. Không thể nói vì lợi ích của người dân mà phát sinh loại hình vận tải mới. Dù là loại hình vận tải mới cũng phải phù hợp với quy chế, chế tài của nhà nước.

Hiện tại mỗi nhà xe là 1 bến xe thu nhỏ. Tôi đề xuất các bến xe có thể mở rộng để phù hợp cho nhu cầu của xe hợp đồng. Tránh gây áp lực lên cơ sở hạ tầng địa phương yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cần tuân thủ quy chế, đảm bảo hài hòa lợi nhuận.

Chúng tôi đang khảo sát, tiến hành so sánh thuế xem xe hợp động và các hoạt động vận tải chính thống đóng thuế như thế nào.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 21

Ông Nguyễn Công Hùng.

Thứ hai tôi đề nghị xem xét lại Luật Đăng kiểm, xem xét lại quy chế xe 10 ghế có nên cho phép vào nội đô không. Việc hàng ngày có hàng chục xe hợp đồng đi lại trên đường phố, đón trả khách không theo quy định rất dễ gây ra ùn tắc. Sắp tới đề xuất xe hợp đồng dưới 8 ghế phải hoạt động theo quy chế.

Bao nhiêu công lao của TP. Hà Nội để hạn chế lượng phương tiện di chuyển không thể bị phá vỡ. Hiện nay có rất nhiều xe biển tỉnh hoạt động tại Hà Nội nên rất khó kiểm soát. Kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại các chế tài với xe của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư phương tiện thì khi vi phạm nên xử lý cá nhân vi phạm chứ không phải giam giữ xe, bên cạnh đó xem xét lại việc cung cấp hình ảnh giám sát hành trình, hiện nay cứ 2s gửi 1 hình ảnh kèm âm thanh, gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến tự do ngôn luận.

Mong rằng chúng ta cùng nhau nêu ý kiến cụ thể để đóng góp, sửa đổi pháp luật, quy chế cho phù hợp.

21/08/2024 12:03

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải:

Chúng ta định hướng thị trường chứ không để thị trường phát triển tự phát. Chúng tôi sẽ tham mưu để tổ chức giao thông với xe hợp đồng. Chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu hành khách nhưng phải theo giờ.

Liên quan đến ý kiến chế tài mạnh với doanh nghiệp về thu hồi phù hiệu và ý kiến xử lý đưa ra thực hiện hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa vào khi soạn thảo quy định pháp luật. Chúng tôi sẽ đưa theo hướng giảm xử phạt doanh nghiệp nhưng đủ sức răn đe. Với xe dưới 8 chỗ được đi xe ghép trong khi taxi kê khai giá, sẽ thực hiện theo hướng dẫn của nghị định hướng dẫn Luật Giá và do UBND tỉnh, thành phố quyết định.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 22

Ông Nguyễn Xuân Thủy.

Việc xe hợp đồng trá hình, hoạt động không đúng là hành vi cấm và xử lý theo hướng xử phạt hoặc xử lý theo lĩnh vực quản lý vận tải, có thể thu hồi giấy phép vận tải. Đây là cách xử lý với doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép hoặc không đúng giấy phép kinh doanh vận tải.

Từ ý kiến đại biểu tại tọa đàm, Vụ Vận tải sẽ lắng nghe, rà soát, cụ thể hoá khi hướng dẫn trong nghị định, thông tư Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

21/08/2024 13:53

Dùng hóa đơn điện tử, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế

Để hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, trong đó có chấp hành thuế. Với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cơ quan thuế quản lý qua doanh thu. Chúng tôi đã, đang, tiếp tục trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nhà nước, về thông tin đăng ký kinh doanh; phương tiện, phù hiệu; doanh thu gồm phát hành vé, hoá đơn. Chúng tôi sử dụng nhiều biện pháp để giám sát.

Tổng cục Thuế sử dụng hình thức quản lý tập trung, đối soát, mong rằng sớm có cơ sở dữ liệu chung cả nước về hoạt động vận tải, thay vì chúng tôi phải lấy dữ liệu từ từng sở GTVT. Dữ liệu như vậy còn manh mún, phải gom, chuyển đổi dữ liệu.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 23

Bà Lê Thị Duyên Hải.

Về giải pháp trong ngành, Tổng cục Thuế đẩy mạnh hoá đơn điện tử. Như hoá đơn xăng dầu phải có số xe, kiểm soát chi phí theo đầu phương tiện, để xác định định mức chi phí hoạt động vận tải. Tổng cục Thuế còn căn cứ cơ sở dữ liệu trạm thu phí, xe đi qua chạm, chặng đường, trả phí như thế nào, rà soát kê khai xuất hoá đơn có đầy đủ không.

Việc giám sát còn qua thương mại điện tử, vì các doanh nghiệp xe sử dụng app (ứng dụng) rất nhiều, chúng tối quét app để rà soát dữ liệu giữ người cung cấp và sử dụng dịch vụ. Thông tin thanh toán qua ngân hàng cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng, khi các đơn vị phải đăng ký tài khoản với cơ quan thuế. Chúng tôi yêu cầu ngân hàng cung cấp, rà soát xem doanh thu, dòng tiền như thế nào.

Giải pháp trong ngành tương đối mạnh mẽ, đa số doanh nghiệp vận tải tuân thủ tốt. Dù vậy, ngành thuế vẫn đấu tranh để chống thất thu, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng. Hồ sơ nào đến mức phải xử lý hình sự như Thành Bưởi sẽ chuyển hồ sơ cho công an. Tới đây ngành thuế đẩy mạnh chuyên đề rà soát hoạt động kinh doanh vận tải, xem khoảng chống lớn nhất thuộc nhóm doanh nghiệp nào, cần sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để có giải pháp tốt hơn.

Xe kinh doanh có xe biển vàng và biển trắng (không đăng ký, cơ quan nhà nước chưa quản lý được). Không chỉ xe hợp đồng không xuất đủ hoá đơn, và xe tuyến cố định cũng có tình trạng không xuất đủ vé. Tuy nhiên, chúng tôi có bằng chứng về xe qua trạm thu như thế nào, không chỉ quản lý doanh nghiệp mà cả hợp tác xã, hội kinh doanh. Nếu phát hành bất thường, chúng tôi sẽ yêu cầu xác minh, đầu tiên là kêu gọi sự tự giác của doanh nghiệp.

Xe hợp đồng vi phạm: Cần quản lý, giám sát thì mới xử phạt được ảnh 24

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Thắng.

Sáng nay (21/8), Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Quản lý xe hợp đồng: Giải pháp nào hiệu quả”. Tọa đàm có sự góp mặt của đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia và doanh nghiệp vận tải, sẽ bàn luận về giải pháp hợp lý quản lý mô hình xe hợp đồng; làm sao vừa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, song vẫn đảm bảo chấp hành đúng các quy định pháp luật.

Các khách mời tham gia chương trình

- Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

- Ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vận tải - Bộ GTVT

- Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam

- Bà Đỗ Hương Giang, Phó Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội

- Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra, Sở GTVT Hà Nội

- Ông Thân Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

- Ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam.

- Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát

- Ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc Bến xe nước Ngầm

- Ông Lê Ngọc Nam – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH X.E Việt Nam

- Ông Phạm Xuân Tùng - Phó phòng điều hành Vận tải Công ty TNHH Văn Minh

- Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và vận tải Vân Anh

MỚI - NÓNG