Vỡ kế hoạch phân luồng
Từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu thực hiện việc điều chuyển luồng tuyến theo hướng xe đến từ tỉnh nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy. Điều này nhằm tránh để xe khách chạy vào trung tâm thành phố (còn gọi là “xuyên tâm”), gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Thế nhưng, với sự nở rộ của xe hợp đồng trá hình, kế hoạch này đang có nguy cơ đổ vỡ.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có 897 tuyến vận tải hành khách cố định đi 41 tỉnh, thành phố (do 502 DN khai thác với 3.303 phương tiện, tương ứng khoảng 3.556 chuyến/ngày). Riêng DN của thành phố có 52 đơn vị với 730 xe, khai thác tại 6 bến xe chính gồm: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Sơn Tây và Nước Ngầm. Đông đảo là thế, nhưng số xe khách tuyến cố định lại chưa bằng 1/10 so với xe hợp đồng - loại xe phát triển với tốc độ chóng mặt với khoảng 36.000 xe.
Nhà xe Hưng Long đón khách tại trụ sở văn phòng ở Trần Khát Chân (Hà Nội). |
Xe hợp đồng trá hình phát triển nhanh đến mức các bến xe ở Hà Nội đều choáng váng vì số lượng hành khách đi qua bến liên tục sụt giảm. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hoàng - Phó Giám đốc Cty CP Bến xe Hà Nội, cho biết, năm ngoái, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đã giảm tới 300.000 lượt xe. Trong đó, bến Mỹ Đình giảm trên 30%, bến Giáp Bát giảm 25%, bến Gia Lâm giảm gần 50%. Về hành khách, mức độ ảnh hưởng còn trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn Cty là 52% kéo theo việc sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của DN.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra 19 DN kinh doanh vận tải, phát hiện nhiều vi phạm, phạt và truy thu trên 4 tỷ đồng tiền thuế. Trong 5 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế đã kiểm tra 5 DN vận tải, truy thu hơn 500 triệu đồng.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại bến Nước Ngầm. Trước dịch COVID-19, mỗi ngày bến xe này đón khoảng 600 - 700 lượt xe, nhưng nay chỉ còn khoảng 400 lượt xe/ngày, giảm gần 50%. Điều đáng nói, việc xe hợp đồng trá hình nở rộ, với điều kiện quản lý quá lỏng lẻo, không phải đăng ký xin vào lốt, không đăng ký luồng tuyến, không phải chịu các loại phí của Nhà nước đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa các loại hình vận tải. Nhiều nhà xe trụ không được đã phải bỏ bến chạy ra ngoài, đi sai lộ trình hoặc hoạt động như xe hợp đồng trá hình.
“Tại bến Nước Ngầm đã có không ít nhà xe bỏ bến chạy ra ngoài. Thậm chí những nhà xe hợp đồng trá hình có tiềm lực đều xuất phát từ nhà xe khách tuyến cố định. Điều này khiến mục tiêu phân luồng, sắp xếp lại các bến xe, đưa hành khách vào bến một cách quy củ bị thất bại”, một tài xế chạy xe tuyến cố định nói.
Thực tế này cũng không khó hiểu bởi chỉ tính riêng lượng hành khách của hãng X.E Việt Nam đã cho thấy loại xe này đang rầm rộ cỡ nào. Theo quảng cáo, X.E Việt Nam sở hữu số lượng xe limousine “khủng” với 200 chiếc, đạt hơn 130.000 lượt khách mỗi tháng (tức lượng khách bằng gần một nửa bến xe Giáp Bát). Với số lượng 36.000 xe hợp đồng, không ngoa ngôn khi nói rằng nhiều “bến xe” không tên đã âm thầm xuất hiện trong nội thành Hà Nội.
Các nhà xe hợp đồng trá hình biến các tuyến phố thành “bến xe” bắt khách. |
Hiện nay, trong khu vực nội đô (từ Vành đai 3 trở vào), thành phố Hà Nội cấm các xe chở khách trong đó có xe hợp đồng, xe du lịch từ 35 chỗ trở lên hoạt động trong giờ cao điểm (sáng từ 6h - 9h, chiều từ 16h30 - 19h30). Quy định là vậy, nhưng hầu hết các loại xe hợp đồng, xe du lịch trên 35 chỗ đều không thực hiện, vẫn ngang nhiên di chuyển trên các tuyến phố cấm, giờ cấm.
Lực lượng chức năng “làm ngơ”?
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là địa bàn đang có số lượng các văn phòng, điểm xe khách mang biển hợp đồng đón trả khách trên đường thuộc “top” nhiều nhất Hà Nội, trong đó có các tuyến đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng - Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Minh Khai… trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đội thường xuyên kiểm tra và lập biên bản xe vi phạm, thậm chí Đội còn mời các đơn vị có văn phòng đại diện các nhà xe lên làm việc, ký cam kết không vi phạm quy định về trật tự giao thông.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến việc văn phòng các nhà xe này theo quy định chỉ được phép giao dịch hành chính, ký kết hợp đồng vận chuyển khách, không được phép dừng đỗ, không được phép đón trả khách tại đây? Lãnh đạo Đội CSGT số 4 cho rằng, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng có chức năng như Thanh tra giao thông (Sở GTVT) đến kiểm tra, làm rõ.
Cùng với đó, phóng viên cũng dẫn quy định, theo Quyết định số 24, hiện thành phố không cho các xe chở khách từ 35 chỗ trở lên (trong đó có xe hợp đồng, xe du lịch) di chuyển vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, Đội CSGT số 4 và nhiều Đội CSGT khác trên địa bàn Hà Nội cho biết, chưa tìm hiểu rõ quy định này. Với đội CSGT số 4 cho biết, trong giờ cao điểm nếu kiểm tra, xử lý xe chở khách trên 35 chỗ trên đường, chủ yếu là xử lý lỗi dừng đỗ, chưa xử lý lỗi đi vào đường cấm, giờ cấm.
Khi phóng viên đề nghị các đội CSGT - Thanh tra giao thông đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng - Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Minh Khai, Trần Quang Khải… cho xem các giấy tờ về hoạt động vận tải của các văn phòng xe hợp đồng, du lịch đang hoạt động tại đây, một số Đội CSGT và Thanh tra giao thông đã không có hoặc đơn vị có nhưng giấy phép hoạt động vận tải đã hết hạn.
Chuyên gia GTVT Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc xe hợp đồng thành lập các văn phòng, chi nhánh để đón khách, nhận hàng; dừng đỗ tùy tiện bất cứ đâu đang gây mất trật tự, an toàn giao thông, gây rối loạn thị trường vận tải, đẩy các DN tuyến cố định rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Theo ông Thủy, các xe này không phải kê khai giá cước, không phải mất chi phí ra vào bến xe... Như vậy Nhà nước đang thất thu một khoản thuế rất lớn, nguồn lợi chảy vào túi cá nhân, còn hệ lụy mặc cho thành phố gánh chịu. Đây là sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng khi chưa theo kịp thị trường và chưa có những giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực vận tải.
Giám đốc một DN xe hợp đồng du lịch cho biết, trên thực tế các xe kinh doanh vận tải (biển số màu vàng) đều đóng thuế theo hình thức khoán. Thông thường các xe hợp đồng đúng bản chất sẽ không vào bến, không xuất vé, song sẽ thực hiện việc ký hợp đồng với người sử dụng dịch vụ, có giá trị hợp đồng (đây là căn cứ để xuất hoá đơn và sử dụng để kê khai thuế). Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng trá hình, vấn đề nằm ở chỗ không có vé, không vào bến, nhưng cũng không ký hợp đồng với hành khách. “Số lượng hành khách và doanh thu của nhà xe kê khai sẽ không đảm bảo chính xác với thực tế. Đây là lỗ hổng khiến Nhà nước có thể thất thu thuế”, vị này cho hay.
Bà Lê Thu Mai, Phó vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, theo quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp nội dung hợp đồng, có phần mềm theo dõi hợp đồng, có cơ sở để kiểm tra, giám sát ngay khi thực hiện dịch vụ.
Hiện nay, xe vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, xác định số km và giám sát điểm đầu điểm cuối của xe. Ngành thuế cần các thông tin trên để quản lý quãng đường xe chạy; từ đó “đấu tranh” để xác định đúng nghĩa vụ thuế của DN. Đó là quy định, song theo bà Mai, với DN chạy xe không hợp đồng, không xuất hoá đơn là vi phạm quy định ngành giao thông vận tải và quy định về luật quản lý thuế. Nếu bị phát hiện sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của luật thuế.