Những chuyến xe “mù”
Chiều 8/7, PV liên hệ nhà xe Hiệp Thành đang hoạt động ở quận 5, TPHCM để di chuyển từ TPHCM tới huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre). Nhân viên nhà xe hỏi chúng tôi địa chỉ để điều xe ôm đến đón. Trường hợp có thể tự đến đón xe thì chúng tôi phải ra bến ở gần công viên Phú Lâm (quận 6, TPHCM).
Anh Phạm Quang Mạnh và gia đình là một trong những hành khách bị nhà xe Long Vân Limousine bỏ ở bến trung chuyển đang chờ taxi về nhà |
Theo hướng dẫn của nhân viên nhà xe, chúng tôi đón xe công nghệ đến địa chỉ 134 đường Lê Tuấn Mậu, phường 13, quận 6 (cạnh công viên Phú Lâm). Đến nơi, chúng tôi mới biết “bến” ở đây thật ra là một quán nước giải khát. Nhân viên quán nước cho biết xe vẫn chưa đến và mời chúng tôi vào quán ngồi đợi xe cùng với khoảng 10 người khác.
Khoảng 15 phút sau, một chiếc xe 30 chỗ xuất hiện đón khách. Xe di chuyển được khoảng 5 phút thì phụ xe bắt đầu hỏi họ, tên và năm sinh từng khách vừa lên để điền vào danh sách. Lát sau, người này bắt đầu hỏi khách điểm đến để thu tiền. Theo đó, giá cước chặng TPHCM - Bến phà Bang Tra (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) là 110.000 đồng/người. Sau 2 giờ hành trình, xe về đến Bến Tre và chạy lòng vòng trong huyện Mỏ Cày Bắc để trả khách.
“Trong quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng kiểm soát, tuần tra còn mỏng, chưa kịp thời xử lý hết các hành vi vi phạm. Ngoài ra, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên địa bàn quận 1 phải tham gia nhiều lĩnh vực công tác khác, đôi khi không huy động kịp thời… Khi có mặt lực lượng kiểm soát thì đa phần các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì doanh nghiệp lại đưa xe vào và đón trả khách”.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1, TPHCM
Theo hết chiều đi, chúng tôi tiếp tục đặt xe từ huyện Mỏ Cày Bắc về lại TPHCM. Trước khi khởi hành, tài xế đưa cho chúng tôi một bản danh sách để trống (kèm Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng ô tô) rồi yêu cầu hành khách chuyền tay nhau điền thông tin họ tên và năm sinh.
Nhà xe có tên Hiệp Thành nhưng trong hợp đồng vận chuyển lại thể hiện bên A (bên vận chuyển) là HTX Dịch vụ Du lịch Thuận Việt (trụ sở tại quận 11, TPHCM), còn đại diện bên B (bên thuê vận chuyển) là một cá nhân tên N.H.P có địa chỉ tại huyện Mỏ Cày Bắc. Phần thông tin về người tên P chỉ có họ tên và địa chỉ, còn thông tin về số điện thoại và CCCD/CMND thì lại không thể hiện trên hợp đồng.
Sau khi hành khách điền tên vào danh sách, tài xế giữ và xếp danh sách chung với hợp đồng vận chuyển rồi cho xe lăn bánh.
Xe khách “Cung điện di động” Ngọc Ánh thực ra là “xe dù”. Ảnh chụp sáng Chủ nhật, 21/7, tại bãi giữ xe ở địa chỉ B16/38W9 Nguyễn Văn Linh |
Trên một hành trình khác, chúng tôi đặt vé từ Đắk Lắk đi TPHCM bằng xe khách giường nằm Long Vân Limousine (của Cty TNHH Vận tải Thương mại Long Vân Limousine), với giá vé 450.000 đồng/người. Địa điểm đón khách trên đường Nguyễn Trãi, thành phố Buôn Mê Thuột.
Theo lịch, xe khởi hành lúc 23 giờ 15 phút. Chúng tôi đến trước 30 phút theo yêu cầu của nhà xe và ngồi chờ, nhưng quá giờ khởi hành ghi trên vé khoảng 45 phút, chiếc xe mang biển số 50H-361.63 mới bắt đầu chuyển bánh.
Đến khoảng 6 giờ 20 phút sáng ngày 8/7, khi hành khách đang còn chập chờn trong giấc ngủ thì bỗng thấy xe dừng lại và tắt điều hòa. Chúng tôi mở mắt ra thì hay xe đã đậu trong “bến” - một khu đất trống, xung quanh vây kín mít và bên trong có nhiều xe lớn nhỏ khác khau.
Sau khi cùng mọi người lấy hành lý xuống xe, chúng tôi hỏi nhân viên nhà xe vì sao dừng trả khách ở đây mà không phải địa điểm đón trả chính thức (trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh), thì được giải thích một cách vắn tắt: “Không biết. Đợi chút nữa có xe trung chuyển”.
Sau đó, chiếc xe vừa chở chúng tôi từ Buôn Mê Thuột đến TPHCM vội quay đầu phóng ra khỏi bãi đất trống, để lại toàn bộ hành khách trong ngơ ngác. Xe vừa đi, cánh cổng to, làm bằng tôn vội khép lại kín như bưng. Nhiều hành khách của những xe trước đó bị bỏ lại cũng đang vật vờ ngồi chờ xe trung chuyển.
Một lúc sau, chúng tôi hỏi nhân viên bảo vệ và nhân viên mặc áo có logo nhà xe Long Vân ở đó, rằng đây là đâu và khi nào có xe trung chuyển. Các nhân viên cho biết, nơi này cách điểm đến 7 km và sẽ có xe trung chuyển nhưng không biết khi nào có xe.
Đợi khá lâu, sốt ruột, lại không có chỗ ngồi, mọi người mỏi mệt nên tự gọi xe taxi đến đón về và chúng tôi cũng vậy. Khi bước ra ngoài đường, chúng tôi nhìn tấm bảng treo một bên cổng của “bến xe” có ghi dòng chữ: Long Vân Limousine, địa chỉ 584, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức.
Gia đình anh Phạm Quang Mạnh ở quận Tân Bình, TPHCM đi cùng chuyến xe, không đợi được xe trung chuyển, nên mang vác hành lý từ trong bãi xe ra ngoài đường gọi taxi để về cho kịp công việc đầu tuần. “Tôi rất bất bình với việc đem con bỏ chợ và cách hành xử của nhà xe”, anh Mạnh bày tỏ.
Theo tìm hiểu, bãi đỗ xe này mới hình thành gần đây và nhà xe Long Vân làm nơi “đổ” khách nhằm lách quy định cấm xe khách giường nằm vào nội đô trong khung giờ từ 6 đến 22 giờ của TPHCM. Điểm đỗ xe này cũng không nằm trong hệ thống điểm đón trả khách của nhà xe Long Vân và hành khách cũng không được thông báo trước là phải xuống xe tại nơi này.
Đây cũng là tình trạng của nhiều hãng xe đang có tuyến kinh doanh về TPHCM.
Hãng xe Hoàng Huy (Quảng Ngãi) có nhiều bến “cóc” ở TPHCM, trong đó có ở quận 7, nhưng thường không cố định. Trước đây, “bến cóc” nằm ở đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn gần ngã ba đường dẫn vào cầu Tân Thuận 2, thuộc địa phận phường Tân Thuận Tây, quận 7. Đây là khoảnh đất hẹp vừa đủ chỗ cho vài chiếc xe khách giường nằm và chỗ để hàng hóa. Mỗi ngày nơi đây có vài chuyến xe đi và đến.
Từ đầu năm 2023, khi TPHCM cấm xe khách giường nằm vào nội thành, bến “cóc” của hãng xe Hoàng Huy được dời đến một địa điểm ngoại thành, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Lúc đầu đón trả khách và hàng hóa ngay bên lề đường, trước một trạm xăng ở địa chỉ 9B/10, ấp 1, đại lộ Nguyễn Văn Linh; sau chuyển vào bãi giữ xe ở địa chỉ B16/38W9 Nguyễn Văn Linh, ấp 3A, xã Bình Hưng. Một thời gian sau, nhà xe Hoàng Huy lại dời điểm đón trả khách về vị trí hiện tại.
Bến “cóc” ngang nhiên tồn tại
Khảo sát dọc các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 1 (đoạn qua thành phố Thủ Đức, TPHCM) ngày 15/7, PV ghi nhận nhiều xe khách dừng, đỗ đón trả khách sai quy định. Trên Quốc lộ 13 (đoạn từ Bến xe Miền Đông cũ đi Bình Dương), một số trạm xăng dầu, bãi đỗ xe đã trở thành nơi dừng, đỗ đón trả khách, nhận hàng hóa của một số nhà xe. Bãi xe L.K trên Quốc lộ 13 (thành phố Thủ Đức) liên tục có xe ra vào đón trả khách nhưng bên ngoài luôn trong tình trạng “kín cổng cao tường” để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó trưởng Công an thành phố Thủ Đức, cho biết, Thủ Đức hiện có 25 điểm đón, trả khách không đúng nơi quy định. Hầu hết các bãi xe có giấy phép kinh doanh do Sở KH&ĐT TPHCM cấp nhưng chưa nơi nào được Sở GTVT TPHCM cấp giấy phép thành lập bến xe. Qua điều tra cơ bản, lãnh đạo Công an thành phố Thủ Đức cho biết nhiều bãi xe có mục đích sử dụng đất sai quy hoạch.
Công an thành phố Thủ Đức đã tham mưu cho Ban ATGT, UBND thành phố Thủ Đức đến các công ty vận tải hành khách tuyên truyền, vận động và yêu cầu cam kết chấp hành các quy định về hoạt động đón trả khách phải vào bến xe do Nhà nước thành lập. Tuy nhiên, đến nay, tình hình xe “dù” bến “cóc” vẫn còn diễn biến phức tạp”, Thượng tá Tiên cho hay.
Tại quận 10, PV ghi nhận vào trưa 8/7, hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định diễn ra thường xuyên trên tuyến đường Đào Duy Từ. Khu vực đối diện địa chỉ 171 đường Đào Duy Từ, phường 6, quận 10 trở thành bến “cóc”, thường có khách ngồi đợi xe.
Đại diện UBND quận 10 cho biết, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 546 trường hợp ô tô khách vi phạm với các lỗi dừng, đỗ và đón, trả khách không đúng quy định, xử phạt 365 trường hợp với tổng số tiền hơn 342 triệu đồng.
“Mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhưng tình hình đón, trả khách sai quy định vẫn diễn ra phổ biến do các điểm, đón trả khách hoạt động rất tinh vi. Họ lợi dụng lúc lực lượng thực thi công vụ không có mặt để đón, trả khách, hướng dẫn hành khách trả lời không đúng với thực tế để đối phó với các cơ quan chức năng. Nhà xe bán vé thu tiền nhưng hướng dẫn hành khách trả lời khi bị kiểm tra là xe hợp đồng và xuất trình hợp đồng vận chuyển hành khách viết tay”, đại diện UBND quận 10 thông tin.
(Còn nữa)