Nhức nhối xe hợp đồng trá hình - Kỳ cuối: Cách nào quản xe hợp đồng trá hình?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù đã có nhiều quy định để quản lý, giám sát xe hợp đồng trá hình. Song sự liên thông giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo khiến loại xe này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Nhức nhối xe hợp đồng trá hình - Kỳ cuối: Cách nào quản xe hợp đồng trá hình?  ảnh 1
Hàng loạt văn phòng của nhà xe hợp đồng trá hình trên các tuyến phố thành nơi vận chuyển hàng hóa tấp nập

Nghị định 41 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6, trong đó có nhiều quy định theo hướng tăng nặng chế tài đối với các xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quản được loại xe này hay không, còn phụ thuộc rất lớn vào việc thực thi của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Nâng cấp hệ thống dữ liệu giám sát hành trình

Một trong những giải pháp được coi hữu hiệu để xử lý xe hợp đồng trá hình là sử dụng dữ liệu giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời gian qua việc sử dụng dữ liệu này để quản lý các xe hợp đồng trá hình dường như vô hiệu hóa.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2019 đơn vị này đã cấp tài khoản cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, các sở GTVT… để truy cập dữ liệu giám sát hành trình. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm từ dữ liệu này còn hạn chế, chưa ngăn chặn được xe hợp đồng trá hình đón, bắt khách tùy ý; do chưa có phần mềm để trích xuất, phát hiện và xử lý xe vi phạm.

Trong trường hợp có trích xuất được dữ liệu hành trình cũng không thể xử lý được, vì các nhà xe lách luật bằng cách lập nhiều văn phòng làm điểm đón trả khách để thay đổi hành trình.

Thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, hiện đơn vị này đã trình đề án nâng cấp hệ thống giám sát hành trình; trong đó có phần mềm tự động rà soát hành trình trùng lặp, điểm đi, điểm đến từ dữ liệu hành trình. Đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt, sắp tới Cục sẽ triển khai để giúp các sở GTVT phát hiện vi phạm, đồng thời kết nối chia sẻ các thông tin với lực lượng công an, thuế, hải quan để cùng quản lý xe kinh doanh vận tải.

Trước mắt, tại Nghị định 41/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 (quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe) vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6 đã có nhiều quy định mới để quản lý xe hợp đồng trá hình.

Theo đó, văn bản này quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (theo hợp đồng) lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm. Cùng đó, số lần trùng lặp như không được đón, trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.

Các chế tài xử lý thu hồi phù hiệu cũng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ, nghiêm khắc hơn như quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên mới bị thu hồi phù hiệu sẽ được sửa đổi thành vi phạm từ 3 lần trở lên trong 1 ngày sẽ bị thu hồi. Trường hợp DN không tuân thủ nộp lại phù hiệu sẽ kéo dài lên tới 60 ngày mới được cấp lại.

Ngoài ra, Nghị định 41 tiếp tục yêu cầu xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc sửa Nghị định 10 theo hướng tăng nặng chế tài đối với các xe hợp đồng trá hình sẽ là căn cứ để các lực lượng chức năng xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nghị định sửa đổi có chặn được xe hợp đồng trá hình hay không, điều này còn phụ thuộc vào thực thi của các địa phương; kiểm soát, quản lý của Sở GTVT…

“Các lực lượng cần phải quyết liệt, có hệ thống mới hy vọng lập lại trật tự, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa”, vị này cho hay.

Một trong những nội dung đáng chú ý là mới đây Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ đón khách lẻ. Nội dung này cũng gây băn khoăn về việc có tạo điều kiện cho xe hợp đồng trá hình nở rộ hơn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định này tạo thuận lợi cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ được đón khách lẻ. Song hiện, luật mới quy định chung chung, do đó nghị định, thông tư hướng dẫn phải làm rõ.

Lãnh đạo Công an thành phố Thủ Đức cho rằng việc kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm ngoài đường của lực lượng công an cũng chỉ là xử lý “phần ngọn”. Để xử lý “phần gốc” của vấn nạn xe dù, bến cóc, việc phối hợp của Sở GTVT với địa phương là rất cần thiết. “Những bến bãi mà thành phố Thủ Đức hoặc các quận, huyện đã điều tra cơ bản, đã cung cấp thông tin mà vượt chức năng thẩm quyền của địa phương thì chỉ có Sở GTVT mới có đủ thẩm quyền để lập biên bản, xử lý”- Thượng tá Tân Xuân Tiên nêu ý kiến.

Về giải pháp chống thất thu thuế, theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, với quy định mới tại Nghị định 41, các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng phải lưu trữ hợp đồng trong 3 năm, cơ quan thuế có thể căn cứ vào đó để yêu cầu các doanh nghiệp đóng thuế. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp doanh nghiệp bao biện xe không chở khách mà đi bảo dưỡng trong khi thực tế vẫn hoạt động để lách luật. Do đó, khi căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình cũng nên bổ sung các số liệu, công cụ khác để có bằng chứng cụ thể buộc doanh nghiệp phải đóng thuế đầy đủ.

Ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) chỉ ra một số nguyên nhân khiến việc xử lý các địa chỉ có hoạt động đón, trả khách sai quy định gặp khó khăn. Đó là: việc di dời các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh giai đoạn 2 (từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào các tỉnh phía Nam) từ bến xe Miền Đông cũ về bến xe mới ở thành phố Thủ Đức làm tăng thời gian di chuyển đến bến xe của hành khách. Tuyến đường kết nối từ bến xe Miền Đông mới đến cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây chưa thuận tiện. Thành phố chưa tổ chức được các điểm dừng đón, trả khách mới trên hành trình chạy xe đến bến xe khách liên tỉnh do không đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhu cầu được xe đón và trả khách tại các khu vực tập trung dân cư của hành khách hiện nay là rất cao.

“Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan theo thẩm quyền như Công an TPHCM, Sở GTVT, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, các sở - ban ngành liên quan, thiếu sự phối hợp của một số sở GTVT các tỉnh, thành phố có xe khách vi phạm tại TPHCM. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ còn thiếu chức năng để trích xuất vi phạm của xe khách; thiếu camera quan sát giao thông được lắp đặt tại các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định”- ông Giang cho biết.

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết sắp tới sở sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT rà soát, thống kê các các điểm có hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định để gửi Công an TPHCM và các địa phương kiểm tra, xử lý. Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức và các sở - ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải khi có yêu cầu.

MỚI - NÓNG