Xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, không thể nói khác được

Xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, không thể nói khác được
TPO - Trao đổi bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua về loại hình xe công nghệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải là cấp thiết. Cùng với đó, ông Dũng cũng cho rằng, xe công nghệ là doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải.  

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục lấy ý kiến để sớm hoàn thiện quy định việc sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhất là những vấn đề liên quan đến “xe công nghệ”.

Qua thảo luận đến nay vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về quy định liên quan đến xe công nghệ. Một bên thì cho rằng xe công nghệ không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. Nhưng nhóm ý kiến khác lại khẳng định đây là hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo Chủ nhiệm VPCP, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải là cấp thiết, nếu không sẽ tụt lùi. Tuy nhiên các quy định của nhà nước trong lĩnh vực này cũng phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng. “Làm sao cũng phải tăng cường các giải pháp để quản lý doanh nghiệp dùng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhất là trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước”, ông Dũng nói.

Xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, không thể nói khác được ảnh 1 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Vậy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ có bị xác định là doanh nghiệp kinh doanh vận tải không? Trả lời câu hỏi này, ông Mai Tiến Dũng khẳng định: “Chắc chắn phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Không thể nói khác được”.

Trước đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có văn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị sớm xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay trên thị trường có rất nhiều ứng dụng đặt xe khác nhau như: Grab, Go-Việt, FastGo, Emddi,… Những ứng dụng này cách thức hoạt động cũng khác nhau, trong đó có đơn vị cung ứng nền tảng kết nối đồng thời trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; quyết định giá cước vận tải. Do vậy họ tự xác định là doanh nghiệp vận tải và họ có đăng ký kinh doanh vận tải.

Nhưng cũng có đơn vị chỉ cung cấp nền tảng kết nối cho các doanh nghiệp vận tải, không can thiệp vào việc điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước; vì vậy họ tự xác định chỉ là đơn vị công nghệ.

Tuy nhiên do Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa làm rõ vấn đề này nên có đơn vị lúc thì nói chỉ là cung ứng dịch vụ kết nối; lúc thì nói là kinh doanh vận tải; lúc thì nhận là cùng đơn vị vận tải hợp tác kinh doanh, dẫn tới khe hở lớn về trách nhiệm duy trì điều kiện kinh doanh vận tải; công tác đảm bảo An toàn giao thông; quyền lợi của người lao động và đặc biệt là nghĩa vụ thuế với nhà nước không được thực hiện đầy đủ.

Vì vậy ông Quyền cho rằng cần quy định tại dự thảo Nghị định lần này để xác định rõ ai là chủ thể kinh doanh vận tải, từ đó sẽ xác định được các quyền và nghĩa vụ liên quan đến chủ thể kinh doanh như: dòng doanh thu, nghĩa vụ với người lao động, nghĩa vụ thuế .

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.