Hiệp hội Vận tải ô tô: Đủ cơ sở chứng minh Grab phớt lờ quy định

Theo Vata Grab đang phớt lờ các quy định của Bộ GTVT. Ảnh: St
Theo Vata Grab đang phớt lờ các quy định của Bộ GTVT. Ảnh: St
TPO - Sau khi hãng Grab có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) đính chính thông tin liên quan đến hoạt động của hãng này, lãnh đạo Vata vừa có văn bản phản hồi lại và khẳng định: “Có đủ cơ sở chứng minh Grab phớt lờ quy định”.  

Văn bản số 32, do ông Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ký nêu rõ, Vata nhận được công văn số 2003/2019/CV- của Công ty TNHH Grab đề gửi ngày 20 tháng 3 năm 2019, nội dung đề nghị đính chính một số nội dung trong văn bản Vata gửi Thủ tưởng Chính và các Bộ ngành liên quan về hoạt động của Grab trong thời gian qua.

Về nội dung: “Grab ngày càng phớt lờ các quy định của Bộ Giao thông vận tải” được nêu trong văn bản gửi Thủ tướng, lãnh đạo Vata tiếp tục khẳng định: Hiệp hội nhận định như trên là căn cứ vào các thông tin, báo cáo do các Hiệp hội Vận tải ô tô, Hiệp hội taxi nhiều tỉnh, thành phố có phản ánh và gửi kiến nghị về Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Việc tòa án nhân dân TPHCM nhận định Grab thực hiện sai quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT tải đã được chỉ rõ trong bản án số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018; nội dung này cũng được các Hiệp hội vận tải ô tô địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và nhiều chuyên gia về quản lý vận tải rất đồng tình.

Văn vản của Vata tiếp tục nhấn mạnh: Đặc biệt, việc Grab không thực hiện công văn hỏa tốc của Bộ GTVT yêu cầu Grab dừng ngay thực hiện dịch vụ đi chung (GrabShare). Sau đólà công văn lần 2 số 6781 yêu cầu Grab không áp dụng dịch vụ này nhưng đến ngày 29/12/2017 tại văn bản 14732 báo cáo Thủ tướng về tổng kết 2 năm thực hiện đề án 24, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định, dịch vụ đi xe chung (GrabShare) không nằm trong “đề án 24”. Bộ đã yêu cầu Grab dừng nhưng dịch vụ này nhưng Grab không dừng.

“Grab chỉ được thí điểm ở 5 tỉnh nhưng theo thông tin do các Hiệp hội vận tải tại địa phương cung cấp hiện đã lên tới trên 15 tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng, Quy Nhơn, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh,… Những thông tin, căn cứ nói trên đủ chứng minh cho các nhận định của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam”, Chủ tịch Vata Nguyễn Văn Quyền khẳng định.

Thu trên 28% nhưng chỉ nộp 3%

Với nội dung: “Grab hiện nay đang hưởng 28,6% doanh thu của các lái xe (đối tác), mà chỉ phải đóng thuế 3% thuế thu nhập doanh nghiệp”, Vata cho rằng,  các thông tin nói trên được các Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh, thành phố đã khảo sát, nắm thông tin từ một số lái xe có tham gia vào Grab phản ánh về Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; mức thu cụ thể có thể tăng giảm theo từng thời điểm nhưng theo nhận định của những người làm vận tải thì đây là mức thu cao hơn nhiều so với chi phí kết nối bằng điện thoại, bộ đàm và đồng hồ tính tiền mà các đơn vị taxi đang sử dụng.

Hiệp hội Vận tải ô tô: Đủ cơ sở chứng minh Grab phớt lờ quy định ảnh 1 Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, taxi bị cấm nhưng xe Grab vẫn bắt khách hoạt động bình thường

Vata cho rằng, nếu theo giải thích của Grab thì việc thực hiện nghĩa vụ thuế là chưa đúng vì chưa xác định rõ nghĩa vụ thuế của 2 chủ thể kinh doanh: các đơn vị kinh doanh vận tải có sử dụng dịch vụ kết nối của Grab và Grab kinh doanh dịch vụ kết nối. Hai chủ thể kinh doanh này ở 2 ngành nghề khác nhau với mức thuế và các quy định cụ thể khác nhau. 

Việc Grab thu phí kết nối là 20 - 25% doanh thu của từng cuốc xe đó là phần doanh thu dịch vụ kết nối, Grab phải kê khai và nộp thuế phần kinh doanh này theo quy định của pháp luật. Còn các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ kết nối của Grab phải hạch toán doanh thu, trong doanh thu này bao gồm cả phần chi trả 20 - 25% cho dịch vụ kết nối và chịu thuế VAT theo quy định.

Theo kết quả kinh doanh đã hạch toán (trong đó phần chi phí có khoản 20 - 25% trả cho việc sử dụng dịch vụ kết nối – điều này tương đồng với chi phí bộ đàm, kiểm định đồng hồ tính tiền… của taxi sử dụng kết nối bằng bộ đàm, điện thoại).

Cuối văn bản gửi Grab, lãnh đạo Vata cho rằng, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam luôn luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối hỗ trợ cho dịch vụ vận tải nhưng phải tạo ra sự công bằng; cạnh tranh, lành mạnh; thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải phát triển theo hướng hiện đại; mong rằng Grab chia sẻ quan điểm trên trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

Nhằm sớm lập lại trật tự trên lĩnh vực kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe hợp đồng chạy theo hình thức tuyến cố định và xe hợp động theo hình thức taxi, ngày 4/3/2019 Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thiện Nghị định mới để thay thế Nghị định 86 không còn phù hợp.

Đánh giá về việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86, lãnh đạo Vata cho rằng: trong khi vấn đề quản lý đối với Grab Taxi đã qua giai đoạn thí điểm hơn 3 năm (quá thời hạn cho phép hơn 1 năm) và ngày càng bộc lộ những vấn đề cần giải quyết cấp bách như: sự không công bằng trong hoạt động và nghĩa vụ thuế với Nhà nước; không ai quản lý các điều kiện  ATGT đối với các xe Grab. “Đặc biệt, Grab đang ngày càng phớt lờ các quy định của Bộ Giao thông vận tải như: tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố”.

MỚI - NÓNG