Sám hối cho hòa bình

TP - Trước ngôi mộ tập thể hình chữ nhật rộng tới trên 50m2, giữa cái nắng miền Trung rát gáy, người đàn ông Hàn Quốc ấy chìa rộng đôi tay ra trước mặt.

Rồi thật chậm, rất chậm, đôi tay ấy khoan thai dâng lên trên đầu, lên trời, vẫn mở rộng hiền hòa. Rồi cũng thật chậm, người đàn ông từ từ quỳ xuống, trán khẽ đặt lên thềm gạch viền ngôi mộ nóng bỏng. Chỉ một mình ông giữa thênh thang trời đất cùng các vong linh, phút giây ấy tưởng chừng dài vô tận. Sau lưng ông, cũng lại thêm một mộ tập thể như vậy nữa. 

Không rõ ông có biết dưới những nấm mộ chôn tập thể mênh mông ấy không có gì hết, không còn gì cả. Chỉ được cất lên như một biểu tượng của đau thương. Khi toàn bộ xương thịt của 135 nạn nhân ngôi làng  Xóm Tây – Hà My này bị lính Nam Hàn đến từ quê hương ông tàn sát tròn 50 năm về trước, sau vụ thảm sát đã lập tức bị cày ủi tan nát. Kể cả những thi thể được người thân liều mạng tìm về làng chôn vùi, cũng bị bật xới, giày xéo…          

Tôi không rành rẽ về lễ nghi của người đàn ông ấy, nhưng biết rằng đó là điệu thức của sự sám hối. Khi những người Hàn Quốc thuộc đủ mọi thành phần, từ chính khách, trí thức, nhà hoạt động xã hội, văn nghệ sĩ, đến nông dân đúng hôm nay ngày giỗ chung của dân làng đã về đây để sám hối. Trước tấm bia lớn khắc tên nỗi đau, trước những người làng thân thể tật nguyền sống sót qua vụ thảm sát, và trong tim là nỗi uất nghẹn vì mất hết gia đình, người thân, những người Hàn Quốc ấy đã quỳ xuống. Đã rập đầu xin tạ tội thay cho cha anh mình…             

Đất nước mùa này năm này sao bỗng quá nhiều gợi nhắc về nỗi đau quá khứ! Trong sự tròn trặn của thời gian. Thảm sát ở Phong Nhất - Phong Nhị (Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) ngày 14 tháng Giêng Mậu Tuất 1968 khiến 74 dân lành thiệt mạng. Chỉ 10 ngày sau, ngày 24 tháng Giêng năm ấy, ngôi làng Hà My này cũng bốc cháy ngùn ngụt cướp đi sinh mạng của 135 phụ nữ, trẻ em. Cũng tròn 50 năm thảm sát làng Sơn Viên trên mảnh đất Duy Xuyên gần bên khiến 40 dân làng ra đi trong tức tưởi… Tất cả đều từ mũi súng của đội quân đánh thuê Nam Hàn. Rồi ngày 16/3 tới đây, cũng tròn 50 năm thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) nơi lính Mỹ cướp đi mạng sống của 504 thường dân vô tội. Rồi ngày 14/3 tới đây, tròn 30 năm Gạc Ma-Trường Sa, 64 chiến sĩ công binh của ta trong tay hầu nhu chỉ có xẻng cuốc, đa ngã xuống dưới cơn mưa pháo, đạn dữ dội của đội quân xâm chiếm…          

Tôi để ý trên tay mỗi người Hàn Quốc đến với Sơn Viên, Phong Nhất-Phong Nhị, Hà My hai ngày qua, đều có bên mình dòng chữ “Xin lỗi Việt Nam!”. Từ tấm thiệp, chiếc áo, mảnh khăn… Tôi nhớ ánh mắt và giọng nói nghẹn trầm của vị nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc - được coi là người Hàn đầu tiên ở cương vị này đến sám hối, tạ tội tại Việt Nam. Tôi nhớ nụ cười của nữ tiến sĩ ngành Sử học Việt Nam Ku Su Jeong, người gần 20 năm trước đã quả cảm viết lên sự thật với người dân mình, khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam!”. Khiến sau đó tòa báo đăng bài bị hơn 2.000 cựu chiến binh xông vào đốt phá, nhiều phóng viên bị thương. Nhưng cũng từ đó, âm hưởng sám hối đã lan rộng khắp đất nước này… Tôi nhớ những cái ôm siết chặt, tiếng cười chan hòa của những người đàn ông, phụ nữ Hàn Quốc bên mâm cơm ngày giỗ chung với làng…          

Tôi nhớ, trước phút dâng hương tưởng niệm 135 vong linh vô tội ở Hà My trưa qua, nữ tiến sĩ  Ku Su Jeong khẽ hỏi một bô lão trong làng “Người Việt Nam thắp hương xong lạy mấy lạy?”. Người Việt lạy 3 lạy, còn người Hàn chỉ lạy có 2 lần. Nhưng nào có khác chi nhau khi con người cùng tưởng vọng nỗi đau để cầu nguyện một sự an bình, hòa bình luôn tìm đến và ở lại.          

Dẫu trong im lặng, cô độc như người đàn ông đang quỳ sụp tựa đầu lên nấm mồ tập thể giữa cát trắng Hà My kia…    

MỚI - NÓNG
Tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu vượt khó 'gieo chữ' ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo
Tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu vượt khó 'gieo chữ' ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo
TPO - Phát biểu tại lễ tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024, anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: “Sự cống hiến của các thầy cô không chỉ góp phần phát triển năng lực cá nhân cho từng học sinh mà còn giúp tạo dựng nền móng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước”.
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.