50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời

TPO - 41 người Hàn Quốc là giáo sư, giáo viên, đại biểu quốc hội, nhà hoạt động xã hội và học sinh, sinh viên có mặt tại bia tưởng niệm thảm sát Xóm Tây - Hà My, quỳ gối cúi đầu xin được tạ tội.

Sáng nay, 11/3 tại Bia tưởng niệm Hà My (khối Hà My Trung, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) diễn ra lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát do lính Nam Hàn gây ra. Chỉ trong buổi sáng 24 tháng Giêng năm Mậu Tuất 1968, 135 dân làng vô tội, chủ yếu phụ nữ và trẻ em đã tức tưởi chết trong oan ức. Sau đó, hầu hết các thi thể đã bị cày ủi vùi lấp. Cho đến nay, nơi này chỉ còn 2 khu mộ tập thể rộng hàng trăm mét vuông. Bên dưới hầu như không còn gì…

41 người Hàn Quốc là giáo sư, giáo viên, đại biểu quốc hội, nhà hoạt động xã hội và học sinh, sinh viên có mặt. Dự lễ còn có các nhân chứng, thân nhân nạn nhân vụ thảm sát.

Đối diện những khuôn mặt già nua, bước chân tập tễnh của nạn nhân sống sót từ vụ thảm sát, những vị khách đã không kìm được nước mắt. Sau những phút ngại ngùng, họ tiến lại gần nắm lấy bàn tay của nạn nhân.

Nghi lễ được tiến hành trang nghiêm, nhiều giọt nước mắt đã giàn giụa trên gương mặt của người dự lễ.

26 vòng hoa từ các tổ chức đoàn thể, cá nhân của người Hàn Quốc được đưa đến. Những vị khách này cũng cúi đầu thành kính thắp nén nhang tạ tội người đã khuất.

Ông Kang U Il, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt, thay mặt những người Hàn Quốc phát biểu tại buổi lễ. “Hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm vụ thảm sát, và chúng tôi vẫn tìm về, cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi. Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này Chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra” – ông Kang U Il, nghẹn lời.

“Vụ thảm sát xảy ra đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Nhưng có lẽ sức chúng tôi vẫn còn non yếu, nên ngần ấy thời gian đã trôi qua mà chúng tôi vẫn còn dậm chân tại chỗ trước lịch sử, trước sự thật. Sự thật về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm Mậu Thân 1968. Mà mãi đến ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát năm 2018 hôm nay vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen nọ. Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất để rút ra từ đây bài học lịch sử, cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai. Hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính”, ông Kang U Il nói.

Phút cuối buổi lễ, ông Kang U Il cùng 40 thành viên trong đoàn quỳ gối, cúi đầu tạ lỗi trước sự chứng kiến của những nhân chứng, thân nhân. Những khóe mắt đỏ hoe, rồi vỡ òa bật khóc...

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 1

Người Hàn Quốc dìu nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát vào dự lễ - Ảnh H.V 

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 2

Thân nhân và nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát thắp hương người thân - Ảnh: H.V 

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 3

Nỗi đau còn mãi - Ảnh: H.V

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 4

Cúi đầu tạ lỗi - Ảnh: H.V 

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 5

Ông Kang U Il  - Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt: "Chúng tôi hổ thẹn và rất xin lỗi" - Ảnh: H.V

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 6

Ông KIM HYUN KWON, Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc: "Chính phủ Hàn Quốc cần phải xin lỗi Việt Nam" - Ảnh: H.V

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 7

Người Hàn Quốc quỳ gối, cúi rạp đầu tạ tội tại lễ tưởng niệm - Ảnh: H.V 

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 8

Tạ lỗi - Ảnh: H.V 

50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 9 Bà Trương Thị Phú (80 tuổi) tìm tên 2 người con trong vụ thảm sát. Bản thân bà cũng mất bàn chân phải do bị lính Nam Hàn bắn - Ảnh: H.V
50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 10 Đến bây giờ, những vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra trong chiến tranh Việt Nam vẫn khiến nhiều người Hàn Quốc bất ngờ - Ảnh: H.V 
50 năm thảm sát Hà My: Đau đớn không cất nổi thành lời ảnh 11

Sám hối - Ảnh: H.V

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.