Phải đến để cúi đầu…

Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc Kim Hyun Kwon tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát tại Cây Da Dù - Điện An, Điện Bàn,Quảng Nam.
Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc Kim Hyun Kwon tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát tại Cây Da Dù - Điện An, Điện Bàn,Quảng Nam.
TP - Ánh mắt ông Kim Hyun Kwon khẽ chạm vào hình nhân những đứa bé nặn bằng đất sét đủ màu sặc sỡ với những nụ cười vui nhộn xếp dưới chân tấm bia tưởng niệm ghi tên 74 nạn nhân vụ thảm sát. Đôi mắt trầm tĩnh của vị nghị sĩ Hàn Quốc ấy chợt nháng nước…

Phải lặng đi một lúc, ông mới thốt lên để trả lời câu hỏi của tôi. “Tôi rất ngạc nhiên…”. Ông cứ lặp đi lặp lại những chữ ấy đến mấy lần. Thầm thì. Trĩu nặng. “Lần đầu tiên tôi đến nơi này. Tôi rất là ngạc nhiên. Thấy trong danh sách các nạn nhân ở đây có rất nhiều những em bé sơ sinh, những em bé mới 1 tuổi, 2 tuổi. Tôi có cảm giác thật là kinh hoàng. Và rất buồn. Buồn đến nỗi không thể thốt ra được lời nào. Và tôi nghĩ đến cả những người còn sống, với nỗi đau buồn họ phải gánh chịu suốt 50 năm qua. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi. Tôi vô cùng xin lỗi. Rất xin lỗi…”.

Phải đến để cúi đầu… ảnh 1 Người Hàn Quốc tạ lỗi với ông Quý có 5 người thân bị thảm sát.

Một người đàn ông Hàn Quốc máy ảnh đeo đầy người như phóng viên chuyên nghiệp. Ông chụp như chưa bao giờ được chụp. Tại khu tưởng niệm Cây Da Dù đang nghi ngút khói hương. Nơi buổi sáng định mệnh ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Thân (12/2/1968), lính Đại Hàn trong chớp mắt vô cớ xả súng, thả lựu đạn vào ngôi làng Phong Nhất - Phong Nhị của xã Điện An (Điện Bàn, Quảng Nam) này. 74 người dân làng vô tội, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã ngã xuống trên những ruộng lúa đang trổ đòng. Có lẽ cũng xanh mướt như buổi sáng yên tĩnh này.

Nhưng Song Phil Kyung, tên người đàn ông Hàn Quốc ấy không phải là nhiếp ảnh gia. Mà là một nha sĩ. Đã 25 lần đến Việt Nam, nhưng có vẻ  món “nợ” với xứ sở này chưa hề vơi trong ông. Thật khó khăn khi ông kể về người anh trai vốn xưa kia là lính Đại Hàn từng tham chiến tại Việt Nam. Dấu chân ông ta không biết có từng dẫm lên mảnh đất miền Trung này? Nhưng Song Phil Kyung bảo, ông sẽ còn tiếp tục đến đây để tạ lỗi. Cho đến khi nào Chính phủ Hàn Quốc chính thức xin lỗi đất nước và người dân Việt Nam…

Những giọt nước mắt luôn chảy đẫm trên khóe mắt bà Yim Mae Hwa, 66 tuổi. Bà kể có người anh họ từng là lính đánh thuê tại Việt Nam để có tiền nuôi gia đình. Nhưng bà nói chưa từng nghe ông ta kể về cuộc chiến cho đến khi đi trên mảnh đất này. Chỉ thấy ông ta khi trở về luôn sống câm nín trong đau đớn, dằn vặt.

Lúc đoàn đến thăm và tặng quà tại trường tiểu học Phan Bôi nằm sâu trong làng dưới những rặng tre xanh và bờ kênh mát lành, tôi để ý Song Phil Kyung, Yim Mae Hwa cứ quấn quýt bên những đứa trẻ. 35 học sinh đôi mắt trong veo, xúng xính đồng phục mới ấy chính là cháu chắt của những nạn nhân đổ gục dưới làn đạn của đội quân đánh thuê buổi sáng của nửa thế kỷ trước. Nỗi đau từ những thế hệ trước có lẽ chưa thể truyền đến trái tim nhỏ bé hồn nhiên của các em. Sự nhiên, tươi vui, khiến ông Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn-Việt Kang U Il phải thốt lên: “Ồ, nhìn các em sao giống học sinh Hàn Quốc quá nhỉ !”.

Lần này, ông Kang U Il dẫn đầu đoàn hơn 40 thành viên là đại diện giới hoạt động xã hội, các giáo sư, thầy thuốc, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh, nông dân Hàn Quốc về Quảng Nam để cùng cúi đầu tạ lỗi sám hối. Bởi đâu chỉ Phong Nhất-Phong Nhị, mà còn là Hà My (Điện Bàn) với 135 thường dân vô tội ngã xuống chỉ trong buổi sáng 25/2/1968. Là Duy Nghĩa (Duy Xuyên) 149 người dân vô tội chết tức tưởi mờ sáng ngày 3/10/1969. Còn nữa, hàng loạt vụ thảm sát ở Bình Định chỉ trong tháng 2/1966 đã cướp đi mạng sống của 1.200 người dân. Riêng chỉ trong một giờ của ngày 26/2/1966, có đến 380 dân thường ở thôn Gò Dài (xã Bình An, Tuy Phước) bị giết. Còn nữa, chỉ trong 3 ngày đầu tháng 12/1966, có đến 430 người dân ở Bình Hòa (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn chết dã man. Thảm sát ở Bình Tai (Bình Phước) tháng 10/1966 khiến 168 người bỏ mạng… Thật khó kiểm đếm chính xác tất cả những vụ thảm sát kinh hoàng do lính đánh thuê Nam Hàn ngày ấy trực tiếp ra tay.

Phải đến để cúi đầu… ảnh 2 TS Ku Su Jeong chia sẻ niềm vui với trẻ con ở ngôi làng thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị.

  Bởi thế, hôm nay cúi đầu trước dân làng Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam) thay mặt đồng bào mình tạ tội, sám hối trước 135 oan hồn nơi đây, mới phần nào thấu hiểu nỗi thống thiết mà ông Chủ tịch Kang U Il thốt lên: “Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm. Và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi. Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này, chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra. 

Biết làm sao để được tha thứ?! Hỡi những sinh mệnh đáng thương chưa sống trọn kiếp người. Chỉ còn lại cái tên, mà đâu chỉ vậy, có những người còn chưa kịp có tên để lưu lại trên bia đá lạnh. Biết phải làm gì để được tha thứ? Hỡi những bà con làng Hà My đã mất đi ruột thịt yêu thương, cùng anh em, chòm xóm! Chúng tôi biết lấy gì để có thể xoa dịu, an ủi? Chẳng còn biết làm gì ngoài một tấm lòng thành tâm tưởng niệm, cầu xin sự siêu thoát cho những vong linh của làng Hà My. Tủi hổ càng thêm tủi hổ...

Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu, thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất. Để rút ra từ đây bài học lịch sử, cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Xin lỗi. Thành thật xin lỗi. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ…”.

 * * *

Vũ, tên Hàn Quốc là Koong Jung Wook đang là nghiên cứu sinh Cao học về Văn học Việt Nam tại Đại học KHXH &NV thành phố Hồ Chí Minh. Chàng trai 8X ấy gần 8 năm nay đã cùng vợ ở Việt Nam. Từ khi nào, anh trở thành cầu nối giữa của những người Hàn Quốc nặng lòng sám hối với Việt Nam.

Câu chuyện với Vũ ở Điện An, Hà My, chúng tôi nói về “Nỗi buồn chiến tranh” tiểu thuyết của Bảo Ninh. Vũ hỏi về nhà thơ Thanh Thảo. Tôi lại nhớ chuyện về nhà thơ của “mảnh đất thảm sát” Bình Hòa, Sơn Mỹ… này trong những lần đi, về Quảng Ngãi. Năm ngoái, bức tượng đồng “Xin lỗi Việt Nam” mang tên “Pieta - Việt Nam” được dựng lên tại đảo Jeju (Hàn Quốc). “Pieta” có nghĩa là “Niềm bi thương”, khắc họa hình ảnh người mẹ ngả đầu ôm trong lòng đứa con đã chết. Bên cạnh bức tượng là tấm bảng đồng khắc thơ mang thông điệp hòa bình của hai nhà thơ Thanh Thảo và Ko Un (Hàn Quốc). Những bài thơ được Thanh Thảo viết ngay tại đảo Jeju năm 2008 khi ông được mời sang dự lễ tưởng niệm 60 năm thảm sát tại đây.  Năm 1948, quân Chính phủ đã đàn áp và sát hại 30.000 người dân trên đảo. “1848 km2/ 270.000 dân/ 30.000 người bị giết/ngày 3/4/1948/ về đi về đi/ JeJu Jesu/ đóng đinh thập giá/ con chờ cha cháu đợi bà/ về ăn bát canh rong biển/ 60 năm ăn gió/ về đi về đi/ sạm đen những bức tường/ biển không ngừng than khóc” (Người cầu hồn đảo Jeju - Thanh Thảo).

Nhà thơ Thanh Thảo kể, cùng chung nỗi đau thảm sát ấy, nên những nghệ sĩ điêu khắc Hàn Quốc đã sáng tác bức tượng Pieta-phiên bản Việt Nam, “một bức tượng từ điêu khắc cổ điển mang hình tượng “Mẹ - Con” nói về hạnh phúc, về tình thương yêu, thành bức tượng “Mẹ-Con” của Bình Hòa (Quảng Ngãi, Việt Nam) nói về hai nạn nhân của vụ thảm sát kinh hoàng. Người Mẹ đã ôm chặt đứa con trước khi ngã gục vì lựu đạn quân Hàn Quốc, còn Đứa Con đã vĩnh viễn bị mù do thuốc đạn”. Đứa con ấy nay đã là một người đàn ông 60 tuổi. “Người đàn ông mù lòa dùng bàn tay nhạy cảm của mình sờ lên bức tượng Pieta-phiên bản Việt Nam, và anh đã thấy. Anh thấy tấm lòng của những người bạn Hàn Quốc trong hành trình “Thành thật xin lỗi Việt Nam!”. Anh thấy tình bạn, tình nhân loại ấm áp từ bàn tay những người bạn Hàn Quốc đến với anh, đến với Bình Hòa, đến với Việt Nam”. “Quỹ Hòa Bình Hàn - Việt” cũng chính thức ra đời dịp khánh thành tượng Pieta ngày 26/4/2017, ngay ở ngôi làng Gangjeong của đảo JeJu.

…Tôi bắt gặp bà Ku Su Jeong đứng một mình trầm tư hút thuốc sau nhà bia Cây Da Dù. Ít ai ngờ Tiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam sinh năm 1966 ấy lại chính là người khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” vào năm 1999. Ngày ấy, hàng ngàn cựu chiến binh đã xông vào đốt phá, đánh bị thương nhiều phóng viên tòa soạn Tạp chí Hankyoreh, nơi đã đăng những bài báo kêu gọi thức tỉnh lương tâm của bà. Nhưng sự quả cảm bền bỉ của bà suốt những năm qua đã được đền đáp, bởi sự ủng hộ của đông đảo người dân, và cả nhiều cựu chiến binh Hàn Quốc.

“Chúng tôi sẽ còn tiếp tục xin lỗi Việt Nam cả ngàn lần nữa. Mới hy vọng phần nào lành bớt vết thương lịch sử này”, bà Ku Su Jeong trầm ngâm.

Tôi chợt nhớ đến những hình nhân bé bỏng, tươi vui nặn từ bằng đất sét được xếp quanh chân bia tưởng niệm Cây Da Dù. Hình ảnh chưa hề thấy ở bất cứ nơi nào. Có lẽ những linh vật ấy đến từ Hàn Quốc. Từ một nỗi đau tận cùng của một ai đó, thầm lặng…

“Rất nhiều người Hàn Quốc bây giờ đã nhận thức được rằng trong chiến tranh mình đã gây ra rất nhiều tội ác đau thương cho người dân Việt Nam. Và thấy rằng Chính phủ Hàn Quốc cần phải chính thức đứng ra chịu trách nhiệm và xin lỗi nhân dân Việt Nam. Tôi cũng khẳng định Chính phủ Hàn Quốc đến lúc cần phải làm điều đó. Và phải có những hành động một cách trách nhiệm để phần nào chuộc lại những lỗi lầm của mình trong quá khứ”.  Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc Kim Hyun Kwon, khẳng định

 ____________

Ảnh trong bài: Trần Tuấn - Hoài Văn

MỚI - NÓNG