Tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My: Quỳ gối gửi thông điệp hòa bình

41 người Hàn Quốc quỳ gối, cúi rạp đầu tạ tội tại lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà M. Ảnh: Hoài Văn.
41 người Hàn Quốc quỳ gối, cúi rạp đầu tạ tội tại lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà M. Ảnh: Hoài Văn.
TP - Tại buổi lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Xóm Tây - Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vào sáng qua, 41 người Hàn Quốc đã quỳ gối, cúi đầu tạ tội trước vong linh 135 nạn nhân vụ thảm sát cùng thân nhân.

Ký ức kinh hoàng

Bà Nguyễn Thị Trinh (61 tuổi) thắp nén nhang lên ngôi mộ tập thể, rồi thất thần trở về ghế ngồi. Ánh mắt bà đăm đăm nhìn xuống chiếc chân giả đã đeo đẳng suốt 50 năm nay. 50 năm đủ cho bà làm quen với nỗi đau thể xác nhưng nỗi đau mất 4 người thân cùng lúc thì chưa thể nguôi ngoai. Trong vụ thảm sát ở làng Hà My, Lữ đoàn Rồng Xanh của Nam Hàn đã cướp mất mẹ cùng 4 người em của bà.

Thảm sát xảy ra lúc đó bà Trinh chỉ là cô bé 11 tuổi. Phải nằm im nín thở trong đống xác người đã ám ảnh bà suốt thời gian dài. “Lúc toán lính bỏ đi, tôi chỉ kịp hé mắt thấy một em bé miệng vẫn ngậm vú mẹ dù người mẹ đã chết. Sau đó thì lịm đi cho đến khi được những người lính du kích đưa đến bệnh xá” – bà Trinh nhớ lại.

Tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My: Quỳ gối gửi thông điệp hòa bình ảnh 1 Yeo Eun Jong trao tặng tấm thiệp “Xin lỗi Việt Nam” do chính tay mình làm cho ông Nguyễn Tấn Quý - nhân chứng và là nạn nhân vụ thảm sát.

Trong làn sương sớm, người đàn bà tóc hoa râm búi cao, tập tễnh đi về phía có bia tưởng niệm. Chân phải của bà đã bị cướp mất bởi làn đạn của quân lính Nam Hàn cách đây 50 năm trước, từ đó bà phải tập tễnh với chiếc chân giả. Bà là Trương Thị Phú (80 tuổi) thoát chết trong vụ thảm sát, nhưng đã mất đi mẹ và 2 người con. Người bên cạnh dìu bà Phú là bà Bùi Thị Lợi, con gái bà cũng là người con 3 tháng tuổi bà bồng trên tay lết ra khỏi làn mưa đạn của quân lính Nam Hàn. Đứa bé đó giờ đã là người đàn bà 50 tuổi.

Ký ức cứ thế tràn về như giọt nước mắt không thể nào ngăn nổi trong ánh mắt đã nhăn nheo ấy. Đó là rạng sáng ngày 24 tháng giêng năm Mậu Tuất (1968) lính Nam Hàn hùng hổ xông vào làng, tay lăm lăm súng ống. Những người dân làng Hà My nháo nhác gọi nhau chạy tìm chỗ trú ẩn. Bà Phú nói mẹ của mình dẫn 2 người con đầu xuống nhà bếp trốn. Còn bà ôm đứa con gái út mới 3 tháng tuổi trốn trong buồng. Nhưng toán lính đã kịp nhìn thấy 3 bà cháu và chĩa thẳng súng bắn. 3 mạng người nằm chồng lên nhau. Không kìm được nỗi đau, bà Phú ôm chặt đứa con và bụm miệng khóc nấc. Nghe động, toán lính người Hàn quay lại tiếp tục nã đạn và châm lửa thiêu trụi ngôi nhà. Trúng đạn vào chân, bà Phú cố ôm đứa con nhỏ bò ra trốn ở bụi cây sau nhà, rồi bàng hoàng nhìn ngôi nhà bốc cháy lên như một ngọn đuốc.

Ngôi nhà cháy năm xưa đó bây giờ chính là nơi đặt bia tưởng niệm thảm sát mà bà và hàng trăm người đang có mặt ở đây để cùng người dân làm lễ.

Yeo Eun Jong (23 tuổi) nắm chặt tay bà Phú và bất lực ngăn dòng nước mắt trực trào. Đây là lần thứ 2 cô có mặt ở đây trong lễ tưởng niệm những nạn nhân vụ thảm sát tại mảnh đất Quảng Nam. Và cũng như lần trước, Yeo Eun Jong khóc và thấy đau nhói lồng ngực khi tận mắt chứng kiến những nỗi đau của người Việt.

Cô không thể tưởng tượng nổi về một vụ thảm sát kinh hoàng, những người phụ nữ nhỏ thó làm sao gồng gánh nỗi đau quá lớn như vậy. Đến dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát,  Yeo Eun Jong mặc bộ áo dài truyền thống Việt Nam, bởi từ lâu cô yêu mến đất nước Việt Nam, yêu tà áo dài Việt. Nhưng khi phải đối diện giây phút này cô nói rằng không khỏi bối rối, hoang mang lẫn tủi hổ. Đôi bàn tay nhỏ của cô gái Hàn nắm chặt lấy đôi tay gầy guộc của bà Phú. Rồi bất chợt ôm lấy bà, bật khóc.

“Xin lỗi Việt Nam!”

Hôm trước, khi đến tận nhà ông Nguyến Tấn Quý (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) – nhân chứng vụ thảm sát Sơn Viên và mất 5 người thân bởi vụ thảm sát, Yeo Eun Jong đã mang theo tấm thiệp tự làm, đề dòng chữ bằng tiếng Việt “Xin lỗi Việt Nam” mà cô nắn nót ghi. Đôi bàn tay ấy cũng run run khi trao tặng tấm thiệp ấy.

Đến Việt Nam lần này, 41 vị khách Hàn Quốc đại diện cho hầu hết thành phần xã hội Hàn Quốc, từ chính khách, trí thức, văn nghệ sĩ đến nông dân, ngoài cúi đầu sám hối, còn mang theo những món quà gửi gắm ý nguyện ấp ủ lâu nay. Đó là chiếc áo, tấm thiệp, hình ảnh mang thông điệp hòa bình. Hay lời thống thiết từ điếu văn của ông Chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt - ông KANG U IL đã đọc trước vong linh 135 nạn nhân vụ thảm sát sáng hôm qua: “Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu, thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất. Để rút ra từ đây bài học lịch sử. Cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai. Hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính”.

Ông Kim Hyun Kwon – đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, thành viên trong đoàn: “Chúng tôi đã đến đây lắng nghe câu chuyện lịch sử từ những chứng nhân và cảm thấy đau đớn, tủi hổ vô cùng. Tôi nghĩ chính phủ Hàn Quốc cần phải xin lỗi Việt Nam. Với tư cách là Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc sau khi trở về tôi sẽ kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc xin lỗi Việt Nam. Người dân Hàn Quốc sẽ ghi nhớ bài học lịch sử này để không chỉ chung tay chia sẻ mà còn hướng đến xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.