Nay, vai trò của đội ngũ thầy cô trong sự nghiệp “trăm năm trồng người” lại càng quan trọng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế sâu rộng.
Ấy vậy mà có tới 500 thầy cô ở huyện Krông Pắk, Đăk Lăk, không ít người đã đứng trên bục giảng ngót chục năm, bỗng dưng sắp mất việc. Nhìn những khuôn mặt thất thần của các thầy cô mà thấy xót xa, thấy chạnh lòng cho nghiệp làm thầy, ít ra là ở huyện miền núi Krông Pắk này.
Dư luận càng xót xa hơn khi hay tin, nhiều người trong số đó đã phải “chạy “cả trăm triệu đồng để được làm giáo viên hợp đồng. Đau lòng hơn, nguyên nhân sâu xa của việc 500 thầy cô này sắp mất việc, lại đến từ việc vung bút ký hợp đồng vô tội vạ, bất chấp dôi dư của cả 3 đời chủ tịch huyện này. Vì sao họ lại ký “bừa”, hẳn ai cũng hiểu.
Không lẽ, giờ đây đến cái danh xưng cao quý trong xã hội như “người thầy” vẫn phải “chạy” và “chạy” được? Với những người trước đây phải ôm cả bọc tiền đi dấm dúi chỗ này chỗ nọ để có việc làm, để được đứng trên bục giảng, để được học trò gọi là thầy cô, nay sắp mất việc họ có suy nghĩ gì ? Cũng không loại trừ những ước mơ, nguyện vọng chính đáng song cùng bất đắc dĩ họ đã phải “chạy” khi đối mặt trước những vị quan tham.
Nói như Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) Trần Kim Tự “Những nhà quản lý nào tạo ra sự thất vọng này, tạo ra câu chuyện này thật đáng lên án!”. Đúng vậy, công luận đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ vụ việc 500 giáo viên nguy cơ mất việc, một hiện tượng đang được coi là hậu quả của vấn nạn nhức nhối “chạy làm thầy” tại địa phương này.
Một nền giáo dục mà thầy ra thầy, trò ra trò là điều cả xã hội luôn mong muốn. Để đạt được điều này là cả một quá trình nỗ lực của nhiều phía, không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, một khi vẫn còn tình trạng “chạy làm thầy”, vẫn còn nạn “chạy chức, chạy quyền”, khó có thể hy vọng vào một nền giáo dục tiên tiến như kỳ vọng.