Vừa học vừa lo lớp sập mái

Vừa học vừa lo lớp sập mái
TPO – Mái sụt, xà nhà bằng gỗ đã mối mọt; lớp học bỏ hoang… không dám cho học sinh ngồi học, hay bén mảng tới. Đó là tình trạng diễn ra lâu nay tại trường THCS Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái.

Có phương hướng năm 2015, trường sẽ đạt mục tiêu chuẩn quốc gia, nhưng đến nay, trường THCS Cát Thịnh vẫn như tay trắng. Quỹ đất hiện có mới có gần 4000 m2, chưa đạt một nửa tiêu chuẩn. Cơ sở vật chất vừa xuống cấp lại vừa thiếu thốn.

Theo cô Hiệu trưởng Hà Thị Bích Phương, trường THCS Cát Thịnh có 13 lớp với gần 450 học sinh. Nhưng hiện chỉ có 6 phòng gọi là học được.

Tòa nhà hai tầng được xây dựng khá lâu, đến nay đã hư hỏng nặng. Cầu thang dẫn lên tầng hai, tường lan can nham nhở vết bong chóc lớp vữa chát ngoài. Ô thoáng chiếu nghỉ cầu thang đã mất lớp gạch ngăn cách, phải chắn tạm bằng bảng gỗ phoọc.

Nghiêm trọng hơn, toàn bộ bốn phòng học trên tầng hai của tòa nhà này đều tình trạng sập sệ mái. Các tay đòn, xà nhà làm bằng gỗ đã bị mối mọt ăn mục rỗng. Một số thanh đã lộ rõ vết gãy ọp. Mái lợp của lớp học lợp bằng tấm bờ lô xi măng võng xuống thấy rõ; nhiều chỗ thủng dột. Tầng một cũng bắt đầu xuất hiện vết ngấm nước. Cách đây ít lâu, mái nhà trên tầng hai này cũng đã bị sụt xuống hai lần. Nhà trường tuy có khắc phục, nhưng không duy trì được lâu.

Một góc xà gôc đã bị mọt rỗng
Một góc xà gôc đã bị mọt rỗng.

“Mái nhà có thể đổ sụp xuống bất kì lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh và thầy cô, từ năm học 2010 - 2011 nhà trường đã không sử dụng các phòng này nữa và khóa cửa ngay từ lối cầu thang dẫn lên tầng hai. Các lớp được chuyển sang học tạm ở phòng khác” – cô Bích Phương cho biết.

Tuy nhiên, những phòng học tạm thời cũng không mấy khả quan hơn. Từ tòa nhà có tầng hai bỏ hoang nhìn sang dãy phòng cấp bốn hiển hiện rõ đủ thứ chắp vá trên mái. Tấm tôn, bờ lô xi măng… Còn bên trong, lớp trần cót đã trũng bung xuống. Nhiều chỗ lỗ loang, thâm xì những vết ngấm nước lâu ngày.

Bước đầu vào năm học mới này, để tạo không khí cho ngày khai giảng, nhà trường đã tiến hành chỉnh trang lại khuôn viên trường học. Quét lại vôi ve các phòng học. Tu bổ tường rao, nhà để xe, lắp ống dẫn nước sạch cho học sinh nội trú.

Toàn bộ số tiền chỉnh trang này được tạm ứng từ các giáo viên. Người có ít thì đôi ba trăm; người có thì nhiều hơn. Và “Sắp tới họp phụ huynh, nhà trường thu tiền đóng góp từ phụ huynh rồi sẽ hoàn lại cho các thầy cô. Tuy nhiên, điều kiện thu nhập của các hộ dân ở đây cũng khó khăn, không dư giả gì lắm nên cũng chưa biết thế nào”. Cô hiệu trưởng băn khoăn.

Mưa dột lênh láng nước
Mưa dột lênh láng nước.

Bữa cơm nội trú

Là một trường của huyện miền núi trung du của tỉnh Yên Bái, trường THCS Cát Linh có hơn nửa học sinh người dân tộc: Tày, Thái, Dao và H’mông. Cô Hà Thị Bích Phương cho biết nhà trường có 80 học sinh nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em là người trên địa bàn xã nhưng đi bộ từ nhà đến trường phải hết nửa ngày. Chủ yếu là em người dân tộc H’mông.

Nhà trường có 4 phòng nội trú, trong đó ba phòng nam, một phòng nữ. Mỗi phòng rộng 24m2 mà có đến 9 em ở. Thậm chí, vào mùa đông, căn phòng nhỏ ấy có đến 20 em ở. Vừa rồi, trường mới sửa sang lại khu nhà tắm vệ sinh; làm đường ống dẫn nước sạch cho các em ở nội trú. Nhưng điều kiện ăn ở của các em nội trú vẫn còn nhiều khó khăn.

Hai trong số 4 phòng dành cho học sinh nội trú nằm
Hai trong số 4 phòng dành cho học sinh nội trú.

Một chút lóe sáng trong căn phong nhỏ ấy vào buổi chiều là hình ảnh 3-4 chiếc nồi cơm điện đang nhả khói chuẩn bị cơm chiều nhanh chóng tắt ngấm! Bên trong những chiếc nồi hiện đại, sạch sẽ ấy là những nồi cơm độn ngô. Hạt ngô dính lấm tám hạt cơm trắng.

Cạnh hai phòng nội trú nam là một gian bếp được xây cất để lấy chỗ các em nấu nướng. Khói củi và thứ ánh sáng lờ mờ từ cái bóng đèn điện như làm hằn sâu thêm sự khó khăn thiếu thốn trong từng bữa ăn của những học sinh nội trú. Tất cả gần như đều có mỗi món canh lỏm bõm nước với ít rau hoặc măng.

Hỏi thức ăn mặn, Sùng A Khai (lớp 8, có nhà cách trường hơn chục cây sô) – một học sinh nội trú của trường ngập ngừng chia sẻ: “Hầu như bạn nào cơm cũng độn ngô. Bữa cơm không gì, chỉ rau; nước trắng pha với bột canh thôi”.

Các em học sinh nội trú trường THCS Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái)nấu bữa cơm chiều
Các em học sinh nội trú trường THCS Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) nấu bữa cơm chiều.

A Khai cũng cho biết, ở đây bạn nào cũng độ một tuần thì về nhà mang xuống trường. Không có những thức ăn mặn, chủ yếu là rau với bí. Không ít em phải đi một quãng đường rất xa để có đồ tiếp tế. Sùng A Chua (lớp 7, người H’mông) còi chỉ bằng cậu bé học 4-5 và dễ nhớ với cái đầu trọc lóc tầm 3 – 4 tuần lại cuốc bộ gần 4 chục cây số để lấy đồ xuống trường.

Thiếu thốn, nhiều em hết gạo, các thầy cô giáo lại giúp. Nhìn bữa cơm của em bình thường ít có người nào ăn được. Lỏng chỏng ít cơm với ít súp bột canh, tươm hơn có cá khô…

Đạm bạc là thế, nhưng cũng chẳng phải đã có cho đầy đủ. Cô Bích Phương cho biết, “Bây giờ đến mùa giáp hát, không có cơm ăn, nhiều cháu vác sách lên lớp bảo cô giáo em không đi học nữa đâu. Thực sự muốn rơi nước mắt. Các cô lại vận động đóng góp ít tiền, ít tiền giúp các em theo hết năm học. Nhưng cũng chẳng thể cho hết và kéo dài mãi được”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG