Vụ nam sinh nhảy lầu tự tử: Trầm cảm tuổi học đường, đừng để quá muộn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn của gia đình đã khiến nhiều trẻ rơi vào trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực để giải thoát chính mình. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần quan tâm, đồng hành và chia sẻ để con trẻ không đơn độc khi gặp những vấn đề về tâm lý.

Ngày 1/4, sự việc nam sinh cấp 3 nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất tại quận Hà Đông (Hà Nội), với đoạn thư tuyệt mệnh để lại, đang khiến dư luận bàng hoàng tiếc thương. Cơ quan chức năng bước đầu xác định nạn nhân là L.N.N.M (16 tuổi), đang học lớp 10 của một trường THPT danh tiếng tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 21/2 tại TPHCM một học sinh trường THPT N.H.T, Quận 4 cũng đã nhảy lầu vì những kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình và các vấn đề khó khăn trong học tập sau giai đoạn cao điểm phải học online vì dịch COVID-19. Trước khi có quyết định tiêu cực, nữ sinh trên từng là học sinh giỏi nhưng thời gian gần đây có biểu hiện bị trầm cảm.

Vụ nam sinh nhảy lầu tự tử: Trầm cảm tuổi học đường, đừng để quá muộn ảnh 1

Trầm cảm ở lứa tuổi học đường đang khiến nhiều trẻ suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động đau lòng

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân của sự trầm cảm ở tuổi học đường là sự tích tụ của một quá trình diễn biến bởi tình trạng ức chế cảm xúc bị dồn nén do buồn chán những mâu thuẫn trong gia đình, do không được đáp ứng những nhu cầu của bản thân, do áp lực học tập hoặc bất hòa trong mối quan hệ bạn bè… Tổng hợp của một hoặc nhiều yếu tố khiến trẻ rơi vào bi quan nhưng không muốn chia sẻ hoặc không biết phải chia sẻ cùng ai chính là lý do dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh và cả thầy cô do quá bận với công việc hoặc thiếu quan tâm nên không nhận ra những thay đổi về tâm lý của trẻ. Tình trạng trầm cảm trong lứa tuổi học đường thường bị người lớn bỏ qua do đánh đồng với những biến đổi tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn.

Chuyên gia tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Nhã, phòng khám Tâm lý, Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TPHCM) cho biết: “Các nghiên cứu lâm sàng trong 2 thập kỷ qua cho thấy, trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Tỷ lệ trẻ bị trầm cảm thường cao hơn ở các nước thu nhập trung bình thấp và gia tăng theo từng năm. Hơn một nửa trường hợp đau lòng ở độ tuổi thanh thiếu niên được báo cáo mắc chứng rối loạn trầm cảm tại thời điểm xảy ra sự việc”.

Xét ở yếu tố khách quan thì tốc độ tăng nhanh của dân số đang khiến số lượng bệnh nhân ở hầu hết bệnh lý cũng tăng theo, trong đó có bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại đã kéo theo những áp lực dẫn tới những rối loạn về sức khỏe tâm thần không ngừng gia tăng. Ngoài ra, nhận thức của xã hội còn thiếu hiểu biết cơ bản nhất về tình trạng trầm cảm ở trẻ em trong độ tuổi đến trường, điều đó khiến trẻ bị “cô độc” chống chọi với bệnh lý, nhiều trẻ không thể tự vượt qua đã tìm cách đầu hàng cuộc sống.

Theo phân tích của Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, khoa Tâm thể - Bệnh viện thành phố Thủ Đức, những rối loạn tâm lý – tâm thần cũng giống như các cơn bão. Sự thay đổi thất thường về mặt cảm xúc, những cơn buồn không lý do, khó có thể tập trung vào những chuyện mình làm hay dần mất hứng thú với điều mình yêu thích là những dấu hiệu đầu tiên. Và khi bão tới thì trời sẽ nổi sấm chớp, tựa như những cảm xúc tiêu cực, những hành vi tự gây hại chính mình. Nạn nhân của những rối loạn tâm lý – tâm thần phải hằng ngày, hằng giờ đấu tranh cho chính mình giữa những luồng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Cảm giác tuyệt vọng hay chỉ đơn giản là cắt đứt hết mọi thứ thường là cách mà trẻ bị trầm cảm lựa chọn để được giải thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực của bản thân.

Bà Hoàng Yến cho rằng: “Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý – tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng. Dù chất chứa nhiều tâm tư, nhu cầu, mong muốn được giãi bày, nhưng các em lại thường chưa biết cách thổ lộ phù hợp. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đôi lúc chưa có nhiều cơ hội, hoặc chưa đủ sức để nắm bắt kịp thời những thay đổi về mặt tâm lý diễn ra bên trong học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời”.

Để hạn chế tối đa những nguy cơ đẩy trẻ vào trạng thái khủng hoảng tâm lý dẫn tới trầm cảm, rối loạn tâm thần, các chuyên gia tâm lý cho rằng sự quan tâm của gia đình, thầy cô, bạn bè là yếu tố đặc biệt quan trọng, nâng đỡ tâm hồn con trẻ giúp trẻ vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Cha mẹ, thầy cô không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào thành tích học tập của trẻ để tránh gây áp lực, căng thẳng. Cần động viên, chia sẻ và sắp xếp việc học tập vui chơi một cách hợp lý, khoa học để trẻ có điều kiện phát triển cân bằng cả thể lực, trí lực trong tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ, tự giác.

Để hỗ trợ, nâng đỡ tâm lý cho trẻ, khoa Tâm thể - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức chương trình “Thăng hoa sức khỏe tâm thể”. Chương trình sẽ bắt đầu từ ngày 4/4/2022 với các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần - tâm lý cho học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

MỚI - NÓNG