Tâm trạng ai cũng nặng nề, bồn chồn, vừa thương đồng đội vừa phải làm hết sức để cùng các đơn vị cố gắng tìm kiếm cho được, và sớm nhất hai chiếc máy bay cùng hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú.
Đến hết ngày 17/4, mặc dù các lực lượng không quân - trực thăng Mi 171 của Trung đoàn Không quân 917 Sư đoàn Không quân 370 cùng tàu chiến, tàu chức năng của các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng và cả ngư dân đã liên tục quần thảo nhiều giờ trên khu vực tọa độ nghi máy bay rơi gần hòn Tý, đảo Phú Quý nhưng vẫn không phát hiện dấu tích của hai phi công bị nạn.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hai phi công bị nạn, phóng viên Tiền Phong đã tìm hiểu thêm thông tin về các anh qua các đồng đội, đồng chí đang công tác tại Trung đoàn Không quân 937 hoặc đã chuyển sang sư đoàn khác hay đã nghỉ hưu.
Cảm nhận chung ở đồng đội về trung tá phi công Lê Văn Nghĩa và đại úy phi công Nguyễn Anh Tú là sự lo lắng, chia sẻ hoàn cảnh các anh đang gặp phải, đồng thời mong muốn các đơn vị cùng phương tiện tìm kiếm trên biển sớm tìm thấy hai anh, vì thời gian từ khi máy bay bị nạn đến nay đã hơn một ngày, trong hoàn cảnh giữa biển cả mênh mông.
Trung tá phi công Lê Văn Nghĩa đạt trình độ phi công cấp 1 với hơn 1.000 giờ bay. Không chỉ là sĩ quan chỉ huy, anh còn là thầy dạy của nhiều thế hệ phi công trẻ Su 22M4 của Trung đoàn. Trong công việc, anh là người rất nghiêm túc, không chỉ bây giờ, ở cương vị sĩ quan chỉ huy cấp trung đoàn mà từ khi còn là phi công, cách nay hàng chục năm. “Anh Nghĩa là phi công giỏi, chấp hành điều lệ rất nghiêm. Vào ngày bay thì không cà phê thuốc lá gì hết, đúng 9 giờ tối là lên giường ngủ để 4 giờ sáng hôm sau ra sân bay, xuất kích” - một phi công
kể lại.
Anh cũng được đồng đội và thế hệ phi công lớp đàn em nể phục khi luôn là người học giỏi hơn những bạn bè cùng khóa, luôn đi đầu trong công việc. Ở cương vị Phó Trung đoàn trưởng quân sự, đồng thời là thầy dạy các phi công trẻ anh rất quan tâm tới tâm tư nguyện vọng của anh em và đem kinh nghiệm bay của mình chỉ bảo tận tình cho lớp đàn em. Một phi công trưởng thành từ Trung đoàn kể: “Bọn tôi là lớp phi công học lái chuyển loại trực tiếp từ máy bay L 39 qua Su 22M4. Tốc độ của Su 22M4 vượt âm thanh, rất nhanh nên mới đầu ai cũng… sợ. Anh Nghĩa là thầy hướng dẫn, bay kèm rất hiểu tâm lý, hướng dẫn rất dễ hiểu nên anh em phi công trẻ rất dễ tiếp thu”.
Đời thường của hai phi công
Là sĩ quan chỉ huy, đóng quân ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận nên anh Nghĩa ít có dịp về thăm nhà. Vợ anh là giáo viên, anh có hai cô con gái sống tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM. Việc chăm sóc con gái đành phó thác hết cho người vợ trẻ. Đơn vị đóng quân ở xa đô thị, anh có thú vui là sáng dậy thật sớm, đi bộ một mình. Thời gian rảnh, anh cũng cà phê với anh em.
Đại úy phi công Nguyễn Anh Tú sinh năm 1981, là một phi công có năng lực của trung đoàn. Anh hiện là phi công cấp 3 với khoảng 600 giờ bay. Anh vừa mới được bổ nhiệm cương vị Phi đội phó (tiểu đoàn phó) Phi đội 1 cách đây 2 tháng. Anh Tú là phi công nhiệt huyết với công việc. Anh Tú lập gia đình được 3 năm, vợ anh làm ở một cơ quan công chứng tại Phan Rang. Anh chị có một con trai. Hai vợ chồng anh đang ở thuê tại một căn hộ chung cư. Những lúc rảnh sau giờ làm việc phi công Nguyễn Anh Tú thích nhất là chơi bóng rổ hoặc bóng chuyền với đồng đội trước khi về nhà phụ vợ chăm sóc con trai.
Phát hiện mảnh vỡ máy bay Su 22
18 giờ chiều 17/4, ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ máy bay và phi công mất tích đã tìm thấy một mảnh vỡ của máy bay Su 22. Vị trí phát hiện mảnh vỡ máy bay gần với tọa độ phát hiện 3 thùng dầu phụ của máy bay Su 22 được phát hiện vào chiều 16/4. Do trời tối, công tác tìm kiếm đã tạm ngưng nhưng các tàu vẫn ở trong khu vực nghi vấn máy bay rơi. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Thuận nhiều phương tiện, nguồn lực cho công tác cứu hộ máy bay và phi công mất tích đã được huy động và đang diễn ra dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng.
Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, trong ngày 17/4 các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển nghi máy bay rơi gồm có 1 tàu của Vùng 3 Cảnh sát biển; 2 tàu của hải quân Vùng 4; 1 tàu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia và 1 trực thăng của Sư đoàn 370. Hàng trăm tàu cá của ngư dân đánh bắt trong khu vực cũng đã được thông báo để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.
Quyết tâm tìm kiếm bằng được hai phi công
16 giờ 30 ngày 17/4, trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng vẫn đang tiếp tục chỉ đạo huy động các lực lượng như Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… khẩn trương, tích cực tìm kiếm hai phi công gặp nạn trong vụ tai nạn máy bay quân sự Su 22 tại khu vực vùng biển Phú Quý, Bình Thuận.
“Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn quyết tâm tìm kiếm bằng được hai phi công gặp nạn là trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 và đại uý Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3), Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370”, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang khẳng định.
Nguyễn Minh
Nếu phi công bung dù chắc chắn sẽ tìm được
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, một sĩ quan dù Sư đoàn Không quân 370 cho biết, nơi ghế ngồi phi công lái máy bay tiêm kích bom Su 22M4 luôn có một phao bơi, gắn lưng ghế, khi phi công ngồi trên máy bay sẽ phải thắt đai an toàn, trong đó có phao bơi. Ghế máy bay Su 22M4 là loại ghế dù, khi gặp tình huống khẩn cấp phải bỏ máy bay, phi công sẽ “giật ghế”, kích hoạt một loạt cơ chế tự động làm việc, cửa kính máy bay văng ra, ghế phóng lên không trung, sau đó tự động rơi ra và dù ghế bung ra. Trong dù ghế phi công có sẵn hệ thống thuyền phao, tự động bung ra khi phi công rơi xuống biển. Như vậy khi phi công thoát được ra khỏi máy bay sẽ có thuyền phao và phao bơi gắn trên người. Nếu thoát ra khỏi phao bơi mà tỉnh táo thì phi công có thể leo lên thuyền phao là tốt nhất, hoặc nổi nhờ phao bơi gắn trên người. Một cựu phi công Su 22 đã nghỉ hưu cho biết thêm, qua thông tin trên báo chí, thì chỉ phát hiện ba thùng dầu phụ trên biển mà không thấy thuyền phao, thì có thể vụ va chạm xảy ra quá nhanh, hai phi công không kịp thoát ra khỏi máy bay. Vì nếu đã xác định được tọa độ rơi, mà phi công đã bung dù được, chắc chắn sẽ tìm thấy thuyền phao.
Trường Điền