Đại diện Sư đoàn Không quân 370 cho biết, “hiện chưa liên lạc được” với máy bay Su 22M4. Đến nay, các lực lượng gồm không quân, bộ đội biên phòng, ngư dân tàu cá trên đảo cũng được huy động để tìm kiếm các phi công nhảy xuống biển nhưng chưa tìm thấy. Trao đổi với PV Tiền Phong chiều ngày 16/4, ông Nguyễn Hùng Tân- Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão và Cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, biên đội 2 chiếc máy bay Su 22 của sư đoàn 370 trong lúc bay bắn hỏa lực vào mục tiêu tại hòn đá Tí ở khu vực phía Tây Bắc đảo Phú Quý đã gặp sự cố tại khu vực 10o36’36’’ vĩ Bắc; 108o51’30’’ kinh Đông cách tây nam hòn đá Bé 0,5 hải lý. “Chúng tôi đã huy động mọi lực lượng và đang nỗ lực tìm kiếm”- ông Tân nói.
Đến 20 giờ tối 16/4, ông Tạ Minh Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho phóng viên biết, công tác tìm kiếm 2 chiếc máy bay mất liên lạc và hai phi công nhảy dù xuống biển đã tạm ngưng do trời tối. Trong chiều nay, Sư đoàn 370 đã điều một máy bay trực thăng, tỉnh Bình Thuận điều 1 tàu ra tìm kiếm cứu nạn nhưng chưa có kết quả. Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được 3 thùng dầu phụ của hai máy bay trên. Dự kiến 5 giờ sáng nay 17/4, công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ được tiếp tục. Lực lượng cảnh sát biển và Hải quân sẽ điều tàu tham gia tìm kiếm máy bay và phi công.
Sư đoàn không quân 370 cho biết, hai phi công nhảy dù xuống biển là Trung tá phi công Lê Văn Nghĩa, sinh năm 1974, mới được bổ nhiệm Phó Trung đoàn trưởng quân huấn không lâu. Anh Nghĩa là một cán bộ cấp trung đoàn trẻ của Trung đoàn, hiện là phi công cấp 1, cấp cao nhất trong ngạch phi công máy bay chiến đấu. Trung tá Lê Văn Nghĩa có một vợ, hai con, hiện đang sống tại quận 7, TPHCM. Trao đổi với một người thân của anh Nghĩa người này cho biết, những thông tin về tai nạn máy bay và anh Nghĩa vẫn chưa được thông tin cho vợ và hai con anh Nghĩa hay. Phi công thứ hai là Đại úy Nguyễn Anh Tú, quê ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng, hiện gia đình đang ở Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Về công tác tìm kiếm hai chiếc máy bay bị nạn, tuy chưa tìm thấy máy bay và phi công nhưng theo tin từ Trung đoàn Không quân 937, các đơn vị tìm kiếm đã phát hiện một thùng dầu phụ trôi nổi trên biển. Thông thường, trong các đợt bay huấn luyện, các phi công thường gắn hai thùng dầu phụ hai bên máy bay, mỗi thùng dầu phụ có sức chứa 1.000 lít. Su 22 M4 là loại máy bay cường kích ném bom được biên chế trong lực lượng không quân Việt Nam. Tại Sư đoàn Không quân 370, máy bay Su 22 M4 thuộc Trung đoàn Không quân 937, đóng tại Sân bay Thành Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận.
Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi 171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn.
Hiện nay các cơ quan chức năng của Quân chủng Phòng không- Không quân đang tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm và xác định nguyên nhân tai nạn.
SU 22M4 CÓ TỪ NHỮNG NĂM 1980
Su 22 có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng giống nhau ở một điểm là loại máy bay một động cơ, có thể bay với tốc độ vượt âm thanh. Hầu hết Su 22 chỉ có một chỗ ngồi dành cho phi công, nhưng cũng có loại hai chỗ ngồi tên gọi U-Su 22 vừa dành cho huấn luyện vừa chiến đấu. Trung đoàn không quân 937 được trang bị phiên bản hiện đại nhất của họ Su 22 là Su 22M4. Những chiếc Su 22M4 có thời hạn sử dụng khá lâu, từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Đây là loại máy bay cường kích ném bom, nên mặc dù có chức năng đánh chặn trên không nhưng chủ yếu để tấn công tiêu diệt các vị trí cố định và di động chậm trên mặt đất, mặt nước như các loại tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu tiếp liệu, tàu sân bay, tàu ngầm...
Là máy bay một động cơ, bay với tốc độ rất cao, nên trong khi bay làm nhiệm vụ mặc dù có sự hướng dẫn, hỗ trợ của chỉ huy bay ở mặt đất nhưng hầu như mọi việc phi công phải tự xử lý, thời gian tính từng giây. Do đó cũng đòi hỏi phi công phải hiểu biết nhuần nhuyễn kiến thức và có bản lĩnh…
Trường Điền