Vụ 'con ruồi giá 500 triệu': VKS nói việc điều tra 'khách quan, minh bạch'

Võ Văn Minh thừa nhận hù dọa nhà sản xuất
Võ Văn Minh thừa nhận hù dọa nhà sản xuất
Trong phần xét hỏi và tranh luận chiều nay, các bên tham gia tố tụng vụ Võ Văn Minh cưỡng đoạt tài sản tranh luận gay gắt hành vi của Võ Văn Minh. Đại diện VKS cho rằng, lời khai của bị cáo tại CQĐT, tại tòa phù hợp nhau nên cho rằng quá trình điều tra khách quan.

Thiệt hại gián tiếp là "khủng khiếp"

Tại phần xét hỏi đầu giờ chiều nay, trả lời câu hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Võ Văn Minh về vấn đề thiệt hại của Tân Hiệp Phát, đại diện Cty Tân Hiệp Phát là bà Trần Ngọc Bích một lần nữa khẳng định trước HĐXX rằng buộc phải đưa tiền cho Võ Văn Minh do Cty liên tục bị đe dọa, áp lực.

Bà Bích khẳng định thiệt hại trực tiếp là số tiền 500 triệu đồng, hiện đã được cơ quan tố tụng trả lại cho Cty. Nhưng thiệt hại gián tiếp mới là khủng khiếp, ảnh hưởng đến thương hiệu và doanh số kinh doanh của Cty.

“Đó là thiệt hại bởi sự việc được đưa ra khi thông tin chưa được kiểm chứng. Sự việc mất kiểm soát dẫn đến ảnh hưởng uy tín của thương hiệu chúng tôi”- bà Bích nói.

Liên quan đến việc Minh cho rằng nhiều khi không đọc biên bản nhưng vẫn ký. Luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dân sự phản pháo lại bị cáo Minh: “Khi nhân viên nhiều lần làm việc với anh, làm biên bản. Anh nói anh không đọc lại mà chỉ ký thôi. Tại cơ quan điều tra anh nói có coi lại và ký. Anh không phải có thói quen cứ đưa là ký, mà có lúc anh coi lại rồi ký đúng không”?, bị cáo Minh im lặng.

Hơn nữa, trước HĐXX, nhân viên Cty Tân Hiệp Phát  (người đã làm việc, giải thích với Minh về quy trình sản xuất của Cty, quy trình giải quyết khiếu nại khách hàng) khẳng định rằng khi anh viết biên bản do không nghe rõ mÌnh đọc con số tờ rơi dọa phát tán, anh ghi nhầm là 500 tờ rời, Minh thấy vậy yêu cầu anh sửa thành đúng là 5.000 tờ rơi.

Mặc dù vậy, trước câu hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự về việc nhận thức đúng hay sai trong việc đe dọa nhằm cưỡng đoạt tiền của nhà sản xuất. Võ Văn Minh vẫn ngoan cố khi cho rằng hành vi của mình là không sai.

Đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa, VKSND tỉnh Tiền Giang tại tòa khẳng định: Lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử Minh phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, các biên bản làm việc đều có chữ ký của Minh, chữ ký đã được trưng cầu giám định xác định là chữ ký của Minh, đủ căn cứ để truy tố Võ Văn Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 Bộ luật hình sự. Lời khai của bị cáo tại tòa phù hợp với quá trình điều tra vụ án.

Đại diện VKS phân tích: Mọi hành vi xâm hại đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Vì lòng tham bị cáo thay vì phải thông báo việc phát hiện chai nước đến các tổ chức, cơ quan hữu trách…. nhưng  vì lòng tham, bị cáo lại sử dụng nó để uy hiếp, làm mất uy tín của nhà sản xuất nhằm để cưỡng đoạt tiền.

Đại diện cơ quan công tố tại tòa có quan điểm: Minh đã từng được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, được đi học… nhưng vì lòng tham mà bị cáo đã vi phạm pháp luật, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc cho bị cáo. Bài học này không những là cho bị cáo mà cho nhiều người khác. Xét hoàn cảnh gia đình, khó khăn, con nhỏ, phạm tội lần đầu… đại diện VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù cho Võ Văn Minh.

Nhiều quan điểm gỡ tội cho Minh bị “bẻ gãy”

Tại tòa, đại diện luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Minh đưa ra một loạt phân tích và cho rằng nguyên đơn dân sự trong vụ án này không lo sợ với việc hù dọa của bị cáo Võ Văn Minh.

Luật sư của bị cáo cho rằng quá trình điều tra đã có dấu hiệu không khách quan, luật sư của nguyên đơn dân sự được tham gia hỏi cung bị can khi vụ án ở giai đoạn điều tra, dẫn đến khả năng làm lộ bí mật điều tra.

Các luật sư bảo vệ bị cáo cũng đưa ra nhiều quan điểm khác cho rằng có sự thương lượng thỏa thuận bồi thường giữa Võ Văn Minh và nhân viên Cty Tân Hiệp Phát, và cuối cùng là đề nghị HĐXX tuyên Võ Văn Minh vô tội.

Ngay sau đó, luật sư Nguyễn Đức Hoàng- Đoàn luật sư TP. HCM, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự là Cty Tân Hiệp Phát có quan điểm rõ ràng rằng: “Trong phần tranh luận luôn có những áp đặt nói rằng làm thế này thế kia là áp đặt , tôi phản đối quan điểm đó của các luật sư bảo vệ cho bị cáo. Tại phiên xét xử hôm nay, bị cáo Minh đã có các lời khai phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra. Tại CQĐT bị cáo cũng đã thừa nhận hành vi.  Ngoài lời khai, bị cáo không cung cấp được bằng chứng nào về việc THP thương lượng với bị cáo trong vụ này. Tôi khẳng định không có việc thương lượng….. chúng tôi hoàn toàn không thương lượng với khách hàng bằng tiền, chính sách Cty là như vậy".

Đại diện Cty Tân Hiệp Phát cũng khẳng định họ có thiệt hại, có lo sợ. Đó là lo sợ hành vi của Minh chưa được kiểm chứng chưa được chấp nhận mà Minh cho rằng sản phẩm đó là của Tân Hiệp Phát. Mục đích của Minh là dùng  tín, thương hiệu của THP để đe dọa. Hành vi của Minh liên tiếp, liên tục đe dọa Cty buộc giao tiền cho Minh, Cty không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi chọn việc tố cáo là đúng vì chúng tôi làm điều pháp luật  cho phép.

“Vì hành vi của Minh ngoài ảnh hưởng đến chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến quan hệ xã hội, lợi ích xã hội. Đe dọa quyền lợi hợp pháp của chúng tôi. Tôi khẳng định là có thiệt hại trực tiếp là 500 triệu đồng. Nếu hôm đó công an không bắt thì Minh đã mang số tiền về, may công an bắt, thu hồi được tài sản đó và hoàn trả cho chúng tôi", Đại diện Cty Tân Hiệp Phát lập luận.

“Gián tiếp là sau việc Võ Văn Minh công ty bị tụt giảm doanh số bán hàng. Thiệt hại này lớn hơn nhiều lần. Khẳng định Tân Hiệp Phát có lo sợ, có thiệt hại là đúng. Biết hoàn cảnh bị cáo nên chúng tôi không có yêu cầu đền bù thiệt hại", luật sư Hoàng khẳng định.

Tranh luận lại các quan điểm của luật sư bảo vệ bị cáo cho rằng có nhiều vấn đề cần được xem xét… Đại diện VKS khẳng định quan điểm của luật sư là không đúng, quyền tố giác tội phạm không bắt buộc phải có giấy ủy quyền. Việc điều tra viên trực tiếp tiếp nhận và bắt bị can. Việc phân công, tiếp nhận như thế nào là trách nhiệm của CQĐT.

Về việc cho rằng hỏi cung không vô tư, đại diện VKS khẳng định việc cơ quan điều tra có cho luật sư của nguyên đơn dân sự tham gia hỏi cung là có. Việc này cơ quan điều tra đã có văn bản trả lời rõ.

“Chúng tôi không nhận được khiếu nại nào khác của luật sư về việc khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan điều tra”- đại diện VKS khẳng định.

Đại diện VKS cũng lập luận: “Lời khai của bị cáo tại CQĐT, tại tòa phù hợp nhau, chúng tôi không thấy có căn cứ nào cho thấy có sự thiếu khách quan như luật sư đưa ra. Tại tòa, buổi sáng bị cáo cũng thừa nhận là không có mớm cung, ép cung tại CQĐT. Như vậy không thấy có điểm nào là không minh bạch như luật sư đưa ra cả. Đến nay chưa có quy định nào cấm người bảo vệ cho nguyên đơn dân sự không được tham gia hỏi cung. Còn việc tiết lộ bí mật hay không thì họ phải chịu trách nhiệm.

Không có điều nào cấm luật sư, người bảo vệ cho nguyên đơn dân sự tham gia hỏi cung không được tham gia tố tụng. Việc luật sư cho rằng nếu không có người bị hại thì không có tội phạm.  Hành vi của Võ Văn Minh hoàn toàn thỏa mãn với điều 135 Bộ luật hình sự như đã truy tố. Luận điểm phải có người bị hại của luật sư là không chính xác. Việc hù dọa của Võ Văn Minh là rõ ràng. Tại tòa Minh cũng thừa nhận việc này. Việc xác định nguyên đơn dân sự trong vụ này là hoàn toàn đúng".

Do cuối buổi chiều nên HĐXX quyết định dừng phiên tòa, sáng mai (18/12) tiếp tục xét xử.

Theo Theo giadinh.net.vn
MỚI - NÓNG