Vụ chạy thận 8 người chết: Nguyên Giám đốc bệnh viện nhận trách nhiệm

Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên giám đốc BV Hòa Bình.
Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên giám đốc BV Hòa Bình.
TPO - Với vai trò giám đốc bệnh viện, bị cáo này khẳng định không chối bỏ trách nhiệm và ngay hôm xảy ra sự cố đã xin nhận trách nhiệm trước công luận...  

Chiều 14/1, TAND TP Hòa Bình tiến hành xét hỏi 7 bị cáo trong vụ án sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) khiến 9 người tử vong.

Hầu tòa gồm các bị cáo Bùi Văn Quốc - GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh và Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - GĐ Cty dược phẩm Thiên Sơn cùng 4 nhân sự thuộc BV Hòa Bình bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Trương Quý Dương - nguyên GĐ; Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó GĐ kiêm trưởng Khoa Hồi sức tích cực; Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng Vật tư và Trần Văn Sơn - nhân viên phòng Vật tư.

Mở đầu, bị cáo Trương Quý Dương khai báo về ngày 29/5/2017 - ngày sự cố xảy ra. Theo ông Dương, sự cố xảy ra từ buổi sáng nhưng lúc đó các bác sĩ, lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cự không ai nói bệnh nhân bị ngộ độc, chỉ nói họ dị ứng nên ông đã đề nghị bị cáo Khiếu thay mặt xử lý ban đầu còn bản thân có mặt sau.

“Lúc tôi xuống có bác sĩ Khiếu, Tình và rất đông cán bộ, nhân viên. Bác sĩ Khiếu gọi điện xuống Bạch Mai nói có chết cần đấy bệnh nhân, được họ tư vấn các trường hợp nguy kịch, các anh cấp cứu với khả năng cao nhất; các bệnh nhân tương đối phải liên hệ với cơ sở chạy thận gần nhất thải độc. Tôi đã đưa 10 bệnh nhân sang bệnh viện TP Hòa Bình và may mắn họ đều sống cả” - bị cáo Dương nói.

Theo ông Dương, lúc đó các bệnh nhân bị sốc phản vệ nhưng chưa biết nguyên nhân gì. Bị cáo này khai bản thân là bác sĩ khoa ngoại, việc liên quan sốc phản vệ có bác sĩ Khiếu và Hoàng Công Tình (chú bị cáo Hoàng Công Lương) có chuyên môn đặc biệt bác sĩ Tình là tiến sĩ hồi sức, chính các bác sĩ này nghĩ bệnh nhân bị ngộ độc.

Nguyên GĐ BV Hòa Bình khẳng định, sự cố thuộc chuyên môn sâu và tư vấn của chuyên môn cấp trên, bản thân ông vai trò tổ chức, cung cấp các yêu cầu như bổ sung thêm nhân lực hoặc liên hệ các cấp, phối hợp đơn vị trong ngành, điều động xe, phương tiện...

Đặc biệt, bị cáo Dương cho biết mình không nắm được tình hình trong sáng 29/5/2017. Bị cáo nói: “Thực tế bị cáo không biết bệnh nhân nào tử vong, lúc 11h30 bị cáo xuống thì cuốn vào một loạt việc như vậy”.

Đánh giá sự việc, ông Trương Quý Dương đánh giá: “Chỉ có thể nói đau. Đau trên nhiều phương diện, nỗi đau của người bệnh, của thân nhân, của đồng nghiệp, của bị cáo và của cả ngành y tế.

Với 1 bệnh viện tuyến tỉnh có gần 14.000 kỹ thuật được xếp tương tự như lọc thận, bị cáo có thể nói đã cùng lãnh đạo bệnh viện, cán bộ và cùng bệnh viện Bạch Mai tâm huyết nhất, chuẩn bị từ ban đầu cho sau này. Góc độ cá nhân, bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, ngay tối 29 bị cáo cũng nói trước công luận là hoàn toàn nhận trách nhiệm về sự cố”. 

MỚI - NÓNG