Bs Hoàng Công Lương bị cáo buộc “chủ quan khi ra y lệnh”

Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa án tháng 5/2018 Ảnh :X.A
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa án tháng 5/2018 Ảnh :X.A
TP - Ðây là khẳng định của Viện KSND tỉnh Hòa Bình khi truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người”. Hành vi của bác sĩ Lương bị cơ quan truy tố xem là nguyên nhân khiến nguồn nước không đảm bảo đi vào máu bệnh nhân.

Không kiểm tra thông tin

Sáng nay (14/1), TAND TP Hòa Bình mở lại phiên xử vụ án “Vô ý làm chết người”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Các bị cáo trong vụ án có Bùi Mạnh Quốc - GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh; Đỗ Anh Tuấn - GĐ Cty Thiên Sơn và các lãnh đạo, cán bộ BV Hòa Bình gồm Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận; Trương Quý Dương - nguyên GĐ; Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó GĐ; Trần Văn Thắng - trưởng phòng vật tư; Trần Văn Sơn - viên chức vật tư.

Nội dung vụ án cho thấy, năm 2010, ông Trương Quý Dương ký với Đỗ Anh Tuấn hợp đồng mua sắm thiết bị chạy thận nhân tạo dù BV Hòa Bình không có kỹ sư hoặc kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng nước dùng cho lọc máu. Tháng 4/2017, bị cáo Trần Văn Sơn phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 dùng trong chạy thận hỏng nên lập biên bản và được các bị cáo Trần Văn Thắng, Hoàng Công Lương ký nội dung cần sửa chữa.

BV Hòa Bình đã thuê Cty Thiên Sơn sửa chữa với giá gần 100 triệu đồng nhưng Thiên Sơn thuê lại Bùi Mạnh Quốc thi công với giá chỉ gần 50 triệu đồng. Ngày 28/5/2017, Quốc sửa chữa, tẩy rửa màng lọc RO nhưng sơ ý để axit lẫn vào trong hệ thống. Tuy vậy, Quốc vẫn thông báo tới Trần Văn Sơn việc sửa chữa đã xong nên Sơn báo lại cho điều dưỡng. Hôm sau, bác sĩ Hoàng Công Lương nghe điều dưỡng nói sửa chữa xong nên ra y lệnh tiến hành lọc máu khiến 8 người tử vong lập tức, 1 người tử vong năm 2018.

Tại các giai đoạn tố tụng cũng như phiên tòa tháng 5/2018, bị cáo Hoàng Công Lương cùng các luật sư của mình liên tục kêu oan, khẳng định bác sĩ không có trách nhiệm kiểm tra vật tư. Đối đáp lại, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng nói: “Lương vừa ký đề xuất, vừa phụ trách chuyên môn, vừa biết rõ việc sửa chữa. Bị cáo không thể nào chỉ nghe 1 điều dưỡng thông báo... Chúng tôi không bắt buộc Lương phải kiểm tra máy móc, nguồn nước nhiễm độc hay không mà chúng tôi cáo buộc Lương không kiểm tra thông tin đã sửa chữa xong chưa, phòng vật tư đã bàn giao máy móc chưa”.

“Lương vừa ký đề xuất, vừa phụ trách chuyên môn, vừa biết rõ việc sửa chữa. Bị cáo không thể nào chỉ nghe 1 điều dưỡng thông báo... Chúng tôi không bắt buộc Lương phải kiểm tra máy móc, nguồn nước nhiễm độc hay không mà chúng tôi cáo buộc Lương không kiểm tra thông tin đã sửa chữa xong chưa, phòng vật tư đã bàn giao máy móc chưa”.

                        Lời kiểm sát viên

Chủ quan ra y lệnh

Sau khi tòa án yêu cầu điều tra bổ sung, VKSND tỉnh Hòa Bình đã thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương từ thiếu trách nhiệm sang vô ý làm chết người. Tuy vậy, cơ quan truy tố vẫn giữ quan điểm về việc  bác sĩ Lương chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp (người không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước) nói Trần Văn Sơn đã thông báo sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường để ký xác nhận y lệnh điều trị khiến nước nhiễm axit đi vào 18 bệnh nhân.

Cụ thể, tháng 4/2017,  bác sĩ Lương ký xác nhận nguyên nhân hỏng và kết luận cần sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Ngày 26/5/2017, ông Hoàng Đình Khiếu đã thông báo cho bác sĩ Lương biết ngày 28/5/2017 sẽ tiến hành sửa chữa hệ thống. Khi sửa chữa xong, bị cáo Bùi Mạnh Quốc thông báo cho Trần Văn Sơn; Sơn không có mặt nên gọi điện cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp, nói hệ thống có thể hoạt động bình thường và nhờ bà Điệp khóa cửa.

Sáng 29/5/2017, bà Điệp nói trước tất cả mọi người tại Đơn nguyên thận  trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương việc thiết bị y tế đã sửa chữa xong, có thể hoạt động. Một điều dưỡng khác cũng khởi động hệ thống lọc nước, thấy đồng hồ báo chỉ số an toàn nên để hệ thống tiếp tục làm việc. Lúc này, bác sĩ Hoàng Công Lương sau khi thăm khám bệnh nhân đã ký xác nhận y lệnh tiến hành lọc máu, dẫn tới hậu quả vụ án.

Từ đó, VKSND tỉnh Hòa Bình kết luận bác sĩ Hoàng Công Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu và là người ký đề xuất sửa chữa, biết rõ thời gian sửa chữa. Ngày xảy ra vụ án, ông Lương cũng là bác sĩ duy nhất đủ điều kiện ra lệnh lọc máu chạy thận nên phải chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị. Ông Lương cũng phải biết nước dùng cho lọc máu cần đảm bảo chất lượng theo Quy chế khoa lọc máu năm 1997 của Bộ Y tế. Tuy vậy, bị cáo này đã chủ quan ký y lệnh làm cơ sở lọc máu chỉ dựa vào lời của một điều dưỡng.

Tòa án đã dời phiên xử ngày 8/1 tới 14/1 vì bị cáo Hoàng Công Lương không đến tòa với lý do sức khỏe. Vợ bác sĩ Lương cũng gửi đơn, đề nghị cho chồng mình vắng mặt để điều trị dấu hiệu trầm cảm. Các luật sư cho biết, sức khỏe  bác sĩ Lương đã tiến triển sau một tuần điều trị và sẽ cố gắng có mặt trong phiên tòa hôm nay.

MỚI - NÓNG