Vụ cả huyện bị cắt nước ở Gia Lai: Phó Chủ tịch tỉnh họp để gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan sự việc cả huyện Chư Sê bị thông báo cắt nước, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê.
Vụ cả huyện bị cắt nước ở Gia Lai: Phó Chủ tịch tỉnh họp để gỡ khó ảnh 1

Nhà máy cấp nước Chư Sê (thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê).

Ngày 13/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương nhằm xử lý kiến nghị liên quan đến Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê.

Tại cuộc họp, ông Lê Vinh Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê, thông tin: Thời gian qua, công ty này lâm vào khó khăn, nợ nần do số lượng khách hàng sử dụng nước ít, khó thu hồi vốn đầu tư. Theo đó, sản lượng nước được tiêu thụ ở nhiều xã rất thấp so với tổng số dân trên địa bàn. Ngoài ra còn có các xã đã đấu nối vào đường ống chính, nhưng từ tháng 6/2021 đến nay không mở van nước để người dân sử dụng. Thậm chí, có xã còn nợ tiền sử dụng nước.

Đặc biệt, theo ông Thịnh, từ thời điểm xảy ra dịch COVID-19 đơn vị đã nợ tiền bảo hiểm xã hội khoảng 600 triệu đồng, nợ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hơn 400 triệu đồng đối với khoản thu phí nước thô (900 đồng/m3); nợ tiền thuế, phí bảo vệ môi trường.

Vụ cả huyện bị cắt nước ở Gia Lai: Phó Chủ tịch tỉnh họp để gỡ khó ảnh 2

Ông Lê Vinh Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê, tại cuộc họp.

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay, UBND huyện Chư Sê cần sớm ban hành giải pháp quản lý chặt chẽ việc khoan nước ngầm tại các khu vực, địa điểm đã được UBND tỉnh quy định. Cùng với đó, có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp đối phó bằng cách lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước không hợp vệ sinh từ các nguồn khác.

Theo ông Quế, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước, Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê cần nghiên cứu, xem xét phương án mở rộng mạng lưới đường ống thứ cấp đến các hộ dân vì người dân đã nghèo, không thể bỏ tiền kéo từ đường ống chính đến nhà.

Ngoài ra, ông Quế đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai gia hạn thời gian cắt điện đến hết ngày 13/11, tạo điều kiện cho công ty thực hiện việc thanh toán và duy trì việc cấp nước cho dân. Trong quá trình vận hành, Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục theo dõi và kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tránh trường hợp cúp nước, gây bức xúc cho người dân.

Ông Quế nhấn mạnh, nếu để xảy ra tình trạng người dân vì việc bị ngừng cấp nước gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thì tùy mức độ vi phạm mà những tổ chức, cá nhân gây ra có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Trước đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê có thông báo về việc tạm dừng cung cấp nước toàn huyện Chư Sê vì cho rằng, tiền nước dân nộp vào không rút ra được và "chúng tôi không biết" mất đi đâu nên không có tiền để thanh toán tiền điện kỳ tháng 9 vừa qua.

Về nội dung này, đại diện Công an huyện Chư Sê khẳng định tiền trong tài khoản ngân hàng của Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê bị "mất" là do Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, chứ không hề bị mất, không có dấu hiệu tội phạm. Nếu công ty cho rằng việc này gây ảnh hưởng, thiệt hại thì có thể khởi kiện ra tòa.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.