Voi ma mút sắp được 'tái sinh'

Các nhà khoa học đang lên kế hoạch “hồi sinh” loài voi ma mút lông xoăn.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch “hồi sinh” loài voi ma mút lông xoăn.
TPO - Dưới sự dẫn đầu của nhà di truyền học George Church, các nhà khoa học thuộc đại học Harvard đang hy vọng “hồi sinh” loài voi ma mút bằng việc tạo ra phôi trong phòng thí nghiệm.

Hiện tại, các nhà khoa học thuộc trường đại học Harvard đang tỏ ra khá lạc quan về việc đưa loài voi ma mút trở lại Trái đất thông qua quá trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Bước tiếp theo sẽ là phát triển những phôi thai này trong tử cung nhân tạo. Bào thai có thể sẽ cần tới 22 tháng để phát triển. Sau đó, nếu thành công, các nhà khoa học sẽ thu được một cá thể của sinh vật khổng lồ này.

Ngoài ra, trong vòng vài tuần tới, nhóm các nhà khoa học này cũng sẽ xuất bản công trình nghiên cứu của mình nhằm giới thiệu chi tiết hơn về quá trình “tái sinh” voi ma mút. Trước đó, họ đã kết hợp hoàn chỉnh toàn bộ hệ gen của loài voi ma mút lông xoăn.

Được biết, các cá thể voi ma mút sống trên đất liền đã tuyệt chủng cách đây khoảng 10,000 năm. Tuy nhiên, số còn lại vẫn tiếp tục “bám trụ” trên một hòn đảo nhỏ ở eo biển Bering cho tới khoảng 4,000 năm trước. Điều này cho phép các nhà khoa học xác định được những biến đổi gen quan trọng đã giúp loài voi ma mút có thể tiếp tục sống sót trong điều kiện lạnh giá phương Bắc, để rồi tiếp tục sử dụng những gen này (như lông dài, tai nhỏ, lớp mỡ dày dưới da và chống đông máu) cho hệ gen của loài voi châu Á nhằm tạo ra giống voi lai mới.

Mặc dù, giống voi ma mút này không được sinh ra tự nhiên, nhưng chúng vẫn mang tất cả những đặc điểm và chức năng sinh thái của loài voi nguyên thủy. Lý giải cho điều này, các nhà khoa học khẳng định: “Mục đích của chúng tôi không phải là tạo ra những bản sao hoàn hảo của loài voi ma mút lông xoăn, nhưng để giúp loài voi châu Á chống chọi được với khí hậu khắc nghiệt của Bắc cực thông qua những đặc tính thích nghi cần thiết của loài ma mút xưa”.

Trên thực tế, giống voi châu Á hiện nay đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Vì vậy, việc tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để “hồi sinh” loài voi ma mút không vi phạm những chuẩn mực đạo đức. Đặc biệt, khi xét đến tỷ lệ nuôi cấy thành công trong môi trường thực tế là rất thấp. Thay vào đó, họ hy vọng có thể tạo ra một tử cung nhân tạo, từ đó phát triển bào thai trong phòng thí nghiệm, giống như những gì nhóm các nhà khoa học khác đã thực hiện thành công vào năm ngoái.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra không phải bằng cách nào nhưng vì sao họ lại muốn “hồi sinh” loài voi khổng lồ này? Tại sao họ phải tốn thời gian, tiền bạc và công sức chỉ để làm sống lại loài voi ma mút đã tuyệt chủng cách đây những 4,000 năm?

Câu trả lời nằm ở triển vọng tương lai của công nghệ này. Những tiến bộ khoa học giúp hồi sinh loài voi ma mút ngày nay có thể sẽ giúp ích cho việc hồi sinh cả những giống loài khác, nhất là những sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nắm bắt được quá trình biến đổi thích nghi với môi trường lạnh giá của loài voi ma mút xưa kia, các nhà khoa học hy vọng phần nào có thể giúp các loài sinh vật ngày nay dễ dàng thích ứng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bởi vậy mà nỗ lực “tái sinh” giống voi ma mút có thể ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài khác trong tương lai.

Nhóm các nhà khoa học này cũng kỳ vọng, những đàn voi ma mút có thể làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, thông qua việc thả chúng về với vùng lãnh nguyên Siberia. Để giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu cần có những thảo nguyên rộng lớn tại các vùng cận cực – hay còn gọi là lãnh nguyên, nơi sinh sống của loài voi ma mút. Vì vậy, với sự tuyệt chủng của voi ma mút, diện tích của các lãnh nguyên này cũng bị thu hẹp dần.

Không chỉ có vậy, khả năng hấp thu và giữ lại carbon của môi trường tự nhiên cũng suy giảm đáng kể, đặc biệt khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy. Vì thế, đưa những loài động vật ăn cỏ khổng lồ như voi ma mút về với tự nhiên có thể giúp phục hồi hệ sinh thái về với nguyên trạng trước kia, cũng như bảo tồn lớp băng vĩnh cửu, từ đó ngăn chặn lượng lớn khí metan độc hại phát tán ra môi trường thông qua quá trình băng tan.

Theo Theo Ifl Science
MỚI - NÓNG