Mỹ có thể đánh chìm con tàu lịch sử để tạo rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một tàu biển lịch sử, từng là biểu tượng của niềm tự hào và sự xa hoa của Mỹ, có thể bị đánh chìm xuống đáy Vịnh Mexico để trở thành điểm thu hút du lịch lặn, tạo ra hàng triệu USD doanh thu du lịch.

Hạt Okaloosa, bang Florida đã ký một thỏa thuận sơ bộ để đánh chìm tàu SS United States và biến nó thành rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới. Động thái này diễn ra sau nhiều năm không chắc chắn về tương lai của con tàu và mang đến cơ hội bảo tồn di sản của nó dưới một hình thức mới dưới nước.

Thỏa thuận được các quan chức Hạt Okaloosa phê duyệt phụ thuộc vào việc giải quyết một vụ hòa giải theo lệnh của tòa án liên quan đến vấn đề pháp lý kéo dài về tiền thuê và phí neo đậu chưa thanh toán.

Mỹ có thể đánh chìm con tàu lịch sử để tạo rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới ảnh 1

Tàu SS United States vang bóng một thời. Ảnh: SS United States Conservancy.

Lịch sử huy hoàng và cuộc đời mới

Được chế tạo vào năm 1952, SS United States từng là con tàu chở khách lớn nhất từng được đóng tại Mỹ. Nó đã lập kỷ lục với tốc độ đáng kinh ngạc, bao gồm hành trình xuyên Đại Tây Dương trong chuyến hải trình đầu tiên, một kỷ lục vẫn còn giữ đến nay. Con tàu dài hơn tàu Titanic hơn 100 feet (khoảng 30 mét), thu hút trí tưởng tượng và truyền cảm hứng cho người dân nhờ thiết kế và kỹ thuật của nó.

SS United States được thiết kế bởi kiến trúc sư hải quân nổi tiếng William Francis Gibbs và được đóng với công nghệ tiên tiến nhất thời đó. Chính phủ Mỹ đã tài trợ mạnh tay cho việc đóng tàu với ý định chuyển đổi nó thành tàu vận tải quân sự khi cần thiết.

Tốc độ đáng kể và các tính năng an toàn của tàu chịu ảnh hưởng từ thiết kế tàu quân sự, và nó là một trong những tàu chở khách an toàn và nhanh nhất thời kỳ đó. Thực tế, không có một mảnh gỗ nào được sử dụng trong khu vực hành khách do lo ngại về nguy cơ hỏa hoạn. Dù chỉ phục vụ như một tàu thương mại trong thời gian ngắn, SS United States vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.

Sự gia tăng của vận tải hàng không đã góp phần vào sự suy giảm của con tàu, dẫn đến việc nó bị dừng hoạt động vào năm 1969 sau 17 năm hoạt động. Qua nhiều năm, nhiều chủ sở hữu đã cố gắng biến con tàu thành bảo tàng hoặc điểm thu hút du lịch, nhưng không thành công. Kết quả là con tàu đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ.

Giải pháp được đề xuất là chủ động đánh chìm SS United States, biến nó thành một rạn san hô nhân tạo sôi động ngoài khơi bờ biển Florida. Chương mới này của con tàu được coi là cơ hội để bảo tồn di sản của nó theo cách có lợi cho môi trường và kinh tế địa phương.

“Có được tàu SS United States ngay gần bờ biển của chúng tôi là một di sản, một tài sản sẽ truyền qua nhiều thế hệ”, Ủy viên Hạt Okaloosa Mel Ponder nói với hãng tin AP. “Tôi rất phấn khởi, không chỉ vì những gì nó mang lại cho cộng đồng lặn mà còn cho cả cộng đồng đánh cá và cả cộng đồng nói chung”, ông Ponder nói.

Mỹ có thể đánh chìm con tàu lịch sử để tạo rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới ảnh 2

Rạn san hô nhân tạo sẽ thu hút nhiều sinh vật biển đến trú ngụ, sinh sản. Ảnh: Greeknewsagend.

Tác động kinh tế và môi trường

Vai trò mới của con tàu như một điểm thu hút lặn biển và đánh cá có thể tạo ra hàng triệu đô la mỗi năm cho ngành du lịch địa phương. Các cửa hàng lặn, cho thuê thuyền, khách sạn và các doanh nghiệp khác có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng khách du lịch muốn khám phá con tàu lịch sử nằm dưới nước.

Ngoài tiềm năng kinh tế, việc chuyển đổi con tàu thành rạn san hô sẽ tạo ra nơi trú ẩn và môi trường sinh sản cho nhiều loài sinh vật biển, tăng cường đa dạng sinh học và cải thiện sức khỏe tổng thể của các hệ sinh thái biển. Sau khi chìm xuống, con tàu sẽ đóng góp vào mạng lưới hơn 500 rạn san hô nhân tạo hiện có trong khu vực.

Với cấu trúc khổng lồ của mình, SS United States dự kiến sẽ thu hút cá, san hô và các loài sinh vật biển khác, biến nó thành một hệ sinh thái trù phú dưới nước.

Susan Gibbs, chủ tịch của Tổ chức Bảo tồn SS United States, bày tỏ sự nhiệt tình với dự án. "SS United States đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới như một biểu tượng của niềm tự hào và sự xuất sắc của nước Mỹ. Nếu con tàu được chuyển đổi thành một rạn san hô nhân tạo, nó sẽ trở thành một điểm thu hút lịch sử độc đáo cả trên và dưới mặt nước”, bà Gibbs nói.

Mỹ có thể đánh chìm con tàu lịch sử để tạo rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới ảnh 3

Tàu SS United States bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Wikipedia.

Những thách thức của dự án

Mặc dù dự án mang lại những triển vọng thú vị, nhưng vẫn còn một số thách thức. Chi phí ước tính để làm sạch, vận chuyển và đánh chìm con tàu có thể vượt quá 10 triệu USD.

Ngoài ra, quá trình đánh chìm SS United States để biến nó thành một rạn san hô có thể tái sử dụng dự kiến sẽ mất ít nhất một năm rưỡi. Tuy nhiên, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, con tàu có thể trở thành rạn san hô trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2026.

Đây sẽ là lần đầu tiên một tàu biển loại này bị đánh chìm có chủ đích để tạo ra một rạn san hô nhân tạo.

Mỹ có thể đánh chìm con tàu lịch sử để tạo rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới ảnh 4

Tàu SS United States vào năm 2017. Ảnh: Wikipedia.

Theo Interesting Engineering, AP
MỚI - NÓNG