Nhiệt huyết của người lính cầm bút
Nhắc đến nhà báo Nguyễn Đình Quân, anh em đồng nghiệp nhớ đến một nhà báo năng nổ, đầy nhiệt huyết. Dấu chân anh không chỉ in khắp nhiều tỉnh trong khu vực, hết lên rừng lại xuống biển. Từng là người lính chiến trường Campuchia, khi theo nghiệp báo, anh mang theo “chất lính” vào trong trang viết. Những điểm nóng luôn có mặt của anh. Còn nhớ, năm 2007, khi trại cá sấu của Khatoco ở Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) bị vỡ vì một cơn lũ quét. Nguyễn Đình Quân là một trong những phóng viên có mặt sớm. Sau khi lấy đầy đủ tư liệu, anh cùng tôi đã phải nhịn đói để viết bài cho kịp gửi về tòa soạn. Những ngày sau đó, anh cùng với cánh phóng viên trẻ đeo đuổi phản ánh việc truy bắt cá sấu bị sổng chuồng. Tháng 11-2009, khi tỉnh Phú Yên phải hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, anh đã bất chấp hiểm nguy đến tận rốn lũ ở vùng Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân để viết bài phản ánh. Những vụ phá rừng, khai thác quặng trái phép xảy ra ở Khánh Vĩnh, anh đều đi tận nơi, có bài viết phản ánh tình hình, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Với trách nhiệm của một người lính cầm bút, nhiệt huyết với nghề, anh không cho phép mình đứng ngoài điểm nóng.
Không chỉ luôn có mặt kịp thời ở các điểm nóng, trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Đình Quân còn luôn đeo đuổi vụ việc đến cùng. Chính anh cùng một số đồng nghiệp ở các báo đã mạnh dạn viết bài kêu oan cho tử tù Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận) khi vụ án này được đưa ra xét xử lần đầu vào năm 2005. Suốt hơn 10 năm, mỗi lần có phiên xét xử ông Huỳnh Văn Nén, anh lại lặn lội vào Bình Thuận để theo dõi, viết bài. Ngày ông Nén được minh oan, anh hồ hởi như đó là người thân của mình vậy...
Nhà báo của Trường Sa
Đặc biệt, trong nghiệp cầm bút, Nguyễn Đình Quân dành nhiều tâm huyết cho Trường Sa. Anh luôn xung phong để đến với quần đảo bão tố, được nhìn thấy đời sống của người lính đảo. Với gần 10 lần đi Trường Sa, Nguyễn Đình Quân đang giữ kỷ lục là phóng viên đi đảo nhiều lần nhất. Anh hầu như đã đặt chân đến tất cả các đảo, điểm đảo của Trường Sa. Trong những chuyến đi, anh có nhiều bài viết đầy tâm huyết về Trường Sa, về sự hy sinh thầm lặng của những người giữ đảo đăng trên các báo. Blog và Facebook của anh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh, tư liệu chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; về máu và nước mắt trong quá trình giữ đảo. Trong khi viết về chủ quyền biển đảo, dù là trên báo hay các trang thông tin cá nhân, anh luôn có thái độ rất đúng mực, sẵn sàng phê phán những bài viết quá khích, viết theo kiểu câu view. “Cởi áo lính, chuyển tay súng sang cầm bút. Đình Quân khiến tôi nể phục và trân quý về lối làm báo điềm đạm, minh triết trong từng câu chữ, nhưng rừng rực lửa, không khoan nhượng, né tránh. Trong mọi sự kiện, khi nhiều người ồn ào nói lấy được...Đình Quân lại có góc nhìn riêng, sâu và sắc về bản chất sự kiện, đặc biệt là những bài viết về chủ quyền biển đảo của đất nước”, nhà báo Lê Bá Dương bày tỏ.
Nhà báo Nguyễn Đình Quân (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi Trường Sa.
Với lớp trẻ trong nghề, Nguyễn Đình Quân luôn là người anh, người đồng nghiệp đáng kính trọng. Anh luôn thân thiện, cởi mở với lớp trẻ. Điều mà những phóng viên trẻ học được ở anh đó chính là nhiệt huyết với công việc, sự cẩn trọng với nghề. Anh vẫn luôn nhắc nhở, bài báo trước hết cần phải đúng, sau đó mới nói đến chuyện hay dở. Bởi “lời nói đọi máu”, một bài báo không đúng bản chất có thể giết chết sự nghiệp một con người, một doanh nghiệp!
Sự ra đi của nhà báo Nguyễn Đình Quân đã để lại nhiều đau đớn, tiếc nuối của anh em đồng nghiệp cũng như bạn đọc. Anh ra đi khi ngọn lửa nghề vẫn còn cháy bỏng, nhiều dự định viết về biển đảo còn dang dở…! Cây bàng vuông - nhân chứng tình yêu Trường Sa của anh vẫn xanh mướt trong vườn nhà, còn anh thì đã vĩnh viễn ra đi. Có nỗi đau nào hơn thế!
Thành Nguyễn