Việt Nam, Trung Quốc đồng ý không giải quyết bất đồng bằng quân sự

Ông Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều nay, 23/5. Ảnh: Zing
Ông Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều nay, 23/5. Ảnh: Zing
TPO - Trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông chiều 23/5, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia cho biết, hai thứ trưởng Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.

Trong cuộc họp báo để cung cấp bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết, kể từ sau ngày 7/5, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, mặc dù Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và chỉ sử dụng biện pháp hòa bình, nhưng phía Trung Quốc vẫn gia tăng số lượng tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự để tấn công, đe dọa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam.

Trung Quốc liên tục vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam bằng cách đưa ra nhiều luận điệu sai trái. Nhưng Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền. Việt Nam luôn muốn hòa bình hữu nghị, nhưng Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của mình.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải (Ủy ban biên giới lãnh thổ) cho biết, đến nay, Trung Quốc vẫn không chấm dứt hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, được xác định bởi UNCLOS 1982.

Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không có hành động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải, đề nghị Trung Quốc, sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981, hai bên trao đổi lập trường kiểm soát tình hình trên biển.

Nhưng mọi thiện chí của Việt Nam đều không được đáp ứng. Trung Quốc còn liên tục đưa ra luận điệu sai trái, vu cáo Việt Nam.

Các clip được chiếu tại cuộc họp báo cung cấp nhiều tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam từ thời phong kiến, thời Pháp thuộc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN: PVN được chính phủ giao quản lý và khai thác dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam từ cuối những năm 1950 và đầu 1960 ở phía bắc, chính quyền miền nam Cộng hòa thăm dò từ cuối những năm 1960 đầu 1970.

Ngay từ những năm 1969, 1970, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã khảo sát 12.000 cây số tuyến, và ký với một số công ty nước ngoài của Mỹ để khảo sát toàn bộ khu vực bắc và miền trung Việt Nam, bao trùm cả Trường Sa.

Từ 1975, khi thành lập tổng cục dầu khí, nay là PVN, đã triển khai thăm dò trên toàn bộ, bao gồm cả bể ở Trường Sa.

Từ khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn UNCLOS 1982, toàn bộ hoạt động của PVN và các nhà thầu chỉ tiến hành trong khuôn khổ 200 hải lý. Đến nay, PVN đã và đang hợp tác với nhiều hãng dầu khí quốc tế, ký 99 hợp đồng dầu khí với công ty nước ngoài. Hơn 60 hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Tất cả các hoạt động dầu khí của PVN và các nhà thầu nước ngoài đều được thực hiện trong giới hạn EEZ của Việt Nam. Trung Quốc nói 57 lô dầu khí của Việt Nam nằm trong vùng tranh chấp, nhưng thực tế không có lô dầu khí nào nằm ngoài EEZ.

Khu vực mà Trung Quốc nói tranh chấp nằm gần bãi Tư Chính - Vũng Mây, nhưng từ thời chính quyền Cộng hòa đã khảo sát. Gần đây chúng tôi tiếp tục khảo sát ở khu vực này. Một số tuyến dầu khí đã tiến ra ngoài EEZ trước khi Việt Nam phê chuẩn UNCLOS 1982, nhưng sau đó đã rút.

Khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan đã được PVN vừa khảo sát và đang hợp tác với ExxonMobile, tiến tới khai thác trong thời gian tới. Tất cả hoạt động dầu khí ở khu vực miền Trung mà CNOOC đã gọi thầu 9 lô dầu khí, đến nay không có bất kỳ công ty quốc tế nào ký với CNOOC.

Toàn bộ hoạt động ở khu vực phía nam đang tiến hành bình thường, có hợp tác với ExxonMobil, Gazprom. Các hoạt động của Việt Nam và nước ngoài được triển khai bình thường, phù hợp UNCLOS.

Tất cả các hoạt động này từ xưa đến nay đều được giới thiệu công khai, không bị bất kỳ sự phản đối, cản trở nào của cộng đồng quốc tế. Lô 141, 142, 143 đã được khảo sát dưới thời Việt nam Cộng hòa. Luận điệu của Trung Quốc rằng 57 lô nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn không có cơ sở.

VietnamNet: Xin cho biết giá trị pháp lý công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng?

Ông Trần Duy Hải: Đó là văn bản ngoại giao, có giá trị pháp lý với những vấn đề nêu trong đó. Việt Nam tôn trọng 12 hải lý của Trung Quốc, nhưng công thư đó không đề cập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Giá trị của công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Khi đó, Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa theo hiệp định Geneva 1954. Bạn không thể cho người khác những gì bạn không có. Công thư không có giá trị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa và Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam sa.

Việt Nam, Trung Quốc đồng ý không giải quyết bất đồng bằng quân sự ảnh 1 Ông Trần Duy Hải. Ảnh: Như Ý

Dân Việt: Thủ tướng đề cập khả năng có hành động pháp lý đối với Trung Quốc. Nhà Trắng cũng đã lên tiếng ủng hộ. Việt Nam có chuẩn bị gì cho khả năng này để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế hay không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao: Với tư cách thành viên Liên Hợp Quốc và UNCLOS, Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS.

Việc sử dụng các biện pháp hòa bình bao gồm cả khả năng đưa ra các tòa án quốc tế. Việc sử dụng các biện hòa bình, trong đó sử dụng cả các cơ quan tài phán quốc tế, phù hợp luật quốc tế.

Sử dụng biện pháp pháp lý tốt hơn để xảy ra xung đột vũ trang. Lãnh đạo Việt Nam khẳng định không loại trừ bất kỳ khả năng đấu tranh hòa bình nào. Với tư cách cơ quan tư vấn của chính phủ, chúng tôi có trách nhiệm chuẩn bị tất cả tư liệu cần thiết.

Tiền Phong: Nhiều mạng xã hội và trang tin đưa hình ảnh cho thấy Trung Quốc đưa quân gần biên giới Việt Nam. Việt Nam có nhận được thông tin như vậy không và phản ứng của Việt Nam như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giao thương biên giới Việt Trung diễn ra bình thường, chưa có thông tin Trung Quốc đưa quân gần biên giới. Trong cuộc gặp giữa hai thứ trưởng ngoại giao hai nước, hai bên nhất trí không sử dụng quân sự để giải quyết bất đồng.

Hãng thông tấn Đức: Có thông tin cho rằng 4 người Tung Quốc thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở miền Trung, đề nghị khẳng định thông tin này?

Ông Lê Hải Bình: Các cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định, trong các vụ gây rối ở Hà Tĩnh có 2 người Trung Quốc. Ở Bình Dương, các đối tượng kích động gây rối, dẫn đến cái chết của 1 người Trung Quốc.

Vàng không quý bằng toàn vẹn lãnh thổ

Dân Trí: Theo thông tin Bộ Ngoại giao, từ đầu tháng 5 đã có 20 cuộc giao thiệp ngoại giao nhưng Trung Quốc vẫn chưa chịu rút giàn khoan. Thủ tướng khẳng định không đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông. Việt Nam đã đến lúc quá mức giới hạn kiềm chế chưa? Quan điểm về 16 chữ vàng giữa hai nước?

Ông Trần Duy Hải: Vấn đề chủ quyền lãnh thổ rất thiêng liêng với Việt Nam, không gì có thể đánh đổi. Vàng rất quý, nhưng độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ quý hơn vàng.

Tuổi Trẻ: Báo Nước Nga ngày nay (Ria Novosti) có bài bình luận về quan hệ Nga Trung nhưng không khách quan. Trên mạng nói rằng, Trung Quốc đã đưa công nhân rút về nước, dùng thông tin này để bóp méo, nói rằng tình hình an ninh trật tự của Việt Nam không đảm bảo. Xin cho biết bình luận về nhưng thông tin này? 

Ông Lê Hải Bình: Bài báo thể hiện ý kiến cá nhân sai trái, thể hiện quan điểm sai lịch sử. Lấy làm tiếc Ria Novosti đăng tải bài báo như vậy.

Những vụ việc gây rối ở Việt Nam hết sức đáng tiếc. Cho đến nay chính phủ quyết liệt triển khai khôi phục trật tự xã hội. Nay đã ổn định, hầu hết các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất.

Chính phủ cam kết bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng của cải của các doanh nghiệp và sẽ không để cho tình trạng tái diễn. Đa số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào khác rút doanh nghiệp và công nhân của mình về nước.

 Phó Đại sứ Úc: Cho đến nay, giàn khoan Hải Dương 981 đã ở khu vực đó 3 tuần. Việt Nam có bằng chứng cho thấy giàn khoan sắp khoan thăm dò chưa? Xin cho biết thỏa thuận giữa thứ trưởng Việt Nam với phía Trung Quốc?

Ông Đỗ Văn Hậu: Khó trả lời giàn khoan đã thăm dò chưa. Theo quy trình thông thường, thời gian đã đủ để khoan. Nhưng Việt Nam không tiếp cận được giàn khoan, nên không thể khẳng định.

Ông Trần Duy Hải: Thứ trưởng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoang để tìm giải pháp. Trung Quốc vẫn khước từ đề nghị, và còn đưa ra nhiều luận điệu sai trái về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Thứ trưởng cũng nêu không nên sử dụng biện pháp quân sự vì không phù hợp với luật quốc tế, và phía Trung Quốc cũng tán đồng với Việt Nam.

Dù xác định theo bất kỳ cái gì, giàn khoan Trung Quốc vẫn không nằm trong vùng biển của Trung Quốc

Pháp luật TPHCM: Theo quan điểm Việt Nam, các đảo Hoàng Sa và Trường Sa có phải quần đảo tranh chấp hay không? Trung Quốc nói rằng giàn khoan nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý. Phạm vi này có áp dụng với các hòn đảo khác của Trường Sa và Hoàng Sa không?

Ông Trần Duy Hải: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm vào năm 1974. Sau đó, ông Đặng Tiểu Bình từng nói hai bên có bất đồng về Hoàng Sa và cần đối thoại để giải quyết. Nhưng nay họ lại nói ngược lại với lãnh đạo cấp cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Quan điểm chính thức của nhà nước là áp dụng luật biển áp dụng từ 1/1/2013, trong đó quy định việc xác định các vùng biển, đảo đá được xác định theo đúng điều UNCLOS 1982. Nếu xét theo UNCLOS, chỉ có các đảo luôn nổi, thích hợp với đời sống con người, có đời sống kinh tế riêng thì mới có lãnh hải tối đa 12 hải lý.

Hãng tin Jiji Press Nhật Bản: Trung Quốc nói trì hoãn một số chương trình hợp tác với Việt Nam. Xin cho biết đó là những chương trình gì và tác động thế nào tới nền kinh tế Việt Nam? Phía Việt Nam có dự đoán con số cụ thể nói về trữ lượng dầu cụ thể ở khu vực này không, trong khi số liệu của Mỹ và Trung Quốc khác nhau đến 10 lần?

Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giữa Trung Quốc và Việt Nam chưa có gì dừng lại. Có lẽ họ nói đến việc rút các lao động. Nhưng đây đều là các lao động phổ thông, có thể thay thế, nên chưa ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Hậu: Đánh giá của Mỹ trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Nếu nói cả Biển Đông, các nước Đông Nam Á đều đã có đánh giá. Việt Nam cũng đã có đánh giá, khoảng 4 – 6 tỷ tấn trong EEZ của Việt Nam. Ngoài EEZ, Việt Nam không tin những đánh giá của Mỹ và Trung Quốc.

Toàn bộ khu vực giữa Biển Đông, rất nhiều người đánh giá có nguồn dầu khí lớn, nhưng chúng tôi không lạc quan như vậy.

Tại khu vực Trung Quốc đang đặt giàn khoan, PVN đã có thăm dò nhưng chưa khoan nên chưa thể khẳng định. Có thể khu vực này có dầu khí, nhưng chúng tôi đánh giá trữ lượng ở khu vực này không lớn.

VOV: Xin ông Lê Hải Bình bình luận về việc Trung Quốc nói Việt Nam hành động khiêu khích đâm vào các tàu của họ? ASEAN đến nay mới chỉ có một tuyên bố chung trong Hội nghị ASEAN 24. Sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN để giành lại chủ quyền đối với Hoàng Sa?

Ông Ngô Ngọc Thu: Trong họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc, họ đưa thông tin cáo buộc Việt Nam khiêu khích, sử dụng tàu hoạt động trên biển để đâm va vào đội tàu bảo vệ giàn khoan. Đây là thông tin sai lệch, vu cáo.

Thực tế hoạt động trên biển: thời kỳ cao điểm là ngày 20/5, Trung Quốc sử dụng 137 tàu, trong đó có 4 tàu chiến. Trung Quốc sử dụng súng phun nước, tạo sóng âm tần ảnh hưởng đến thính giác, sử dụng đèn pha công suất lớn chiếu vào tàu Việt Nam, tiếp tục đâm va, ngăn cản tàu Việt Nam thực thi pháp luật trên biển.

Việt Nam không sử dụng súng phun nước, vòi rồng, chỉ dùng loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm, kèm biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.

Tàu Việt Nam bị đâm 20 lần, có tàu bị đâm va tới 4 lần. Những hình ảnh chúng tôi đã cung cấp cho báo chí, truyền hình cho thấy chúng tôi không đâm va tàu Trung Quốc.

Ông Lê Hải Bình: Trong ASEAN Summit 24 tại Myanmar, những diễn biến phức tạp trên biển liên quan giàn khoan đã được các lãnh đạo cấp cao đề cập. Đặc biệt, lần đầu tiên từ 1995, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao đã ra tuyên bố chung. Đây là điểm nhấn trong hoạt động của ASEAN liên quan đến biển Đông.

Tại ADMM vừa diễn ra và hàng loạt hội nghị, lãnh đạo Việt Nam đã đề cập đến hoạt động trái phép của Trung Quốc. Ngoài tuyên bố chung, các nước ASEAN cũng có tuyên bố riêng, bày tỏ lo ngại, kêu gọi các nước kiềm chế. Dư luận, chính giới quốc tế cũng ủng hộ Việt Nam.

Trong thời gian tới, các lãnh đạo Việt Nam khi tham dự các hội nghị quốc tế và hội nghị song phương, cũng sẽ đề cập vấn đề này phù hợp tình hình và diễn biến thực địa.

Việt Nam, Trung Quốc đồng ý không giải quyết bất đồng bằng quân sự ảnh 2 Ông Lê Hải Bình trả lời tại họp báo. Ảnh: Như Ý

Infonet: Đại biểu quốc hội Lào Cai nói rằng, một số công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Trung Quốc phải ký vào bản đồ thể hiện Hoàng Sa của Trung Quốc. Bộ ngoại giao Việt Nam có bình luận và hướng dẫn gì cho công dân?

Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin này nhưng sẽ đề nghị xác minh, và đề nghị Tung Quốc giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Reuters: Bà Thanh Hà nói Việt Nam đã chuẩn bị hết tài liệu. Việt Nam sẽ đợi đến khi nào mới sử dụng biện pháp pháp lý?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Cá nhân tôi là luật gia, vẫn luôn tự hỏi lúc nào là lúc thích hợp sử dụng biện pháp pháp lý. Nhưng quyết định là của chính phủ, mà chính phủ không chỉ dựa trên khuyến nghị của một luật sư. Nên chúng ta phải đợi quyết định từ chính phủ.

VnExpress: Hiện nay chúng ta đang kiên trì các biện pháp hòa bình, Nhưng trong thời gian tới có biện pháp kiên quyết hơn hay không?

Ông Trần Duy Hải: Thủ tướng đã trả lời ở Philippines rằng, sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình. Thủ tướng khẳng định, nếu Việt Nam là nạn nhân thì cũng phải tự vệ. Chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền.

Infonet: Trung Quốc ba lần tuyên bố ba vị trí khác nhau của giàn khoan Hải Dương (trong vùng lãnh hải, vùng nước của đảo Tây Sa, vùng nước thứ ba của đảo Trung Kiến (Tri Tôn). Xin cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Lê Hải Bình: Dù Trung Quốc có nói khác nhau như thế nào, Việt Nam chỉ có một khẳng định giàn khoan nằm sâu 80 hải lý trong EEZ, vi phạm EEZ của Việt Nam theo UNCLOS, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

MỚI - NÓNG