Nguy cơ gia tăng bất ổn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định Hội nghị WEF Đông Á 2014 diễn ra trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới.
Hiện nay, trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua biển Đông. “Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lo ngại.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng lưu ý về tình hình đặc biệt nghiêm trọng đang diễn ra ở biển Đông. Từ ngày 1/5 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
“Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị, đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn”, Thủ tướng nói. Thủ tướng thông báo, cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc.
Nhiều nơi, người dân tự phát biểu tình phản đối, trong đó một số người đã có những hành vi vi phạm pháp luật. “Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật. Tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã được giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp và trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường”, Thủ tướng khẳng định.
Chủ tịch Hạ viện Philippines: Các quốc gia khác có thể là nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc
Ngày 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte. Ông Belmonte bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam. Ông cho biết, ngay các nghị sỹ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành động này của Trung Quốc, và với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, ông và các Nghị sỹ hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Tổng thống Benigno Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ủng hộ lập trường của hai nhà lãnh đạo rằng, hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên.
Chủ tịch Hạ viện Philippines khẳng định, trước đây Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông vì đây là vấn đề của cả hai nước, và hơn nữa phải kêu gọi sự ủng hộ quốc tế vì đây là vùng biển có tới 30-40% lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới đi qua.
Ông cho rằng, nếu các nước không đoàn kết ngăn chặn, các quốc gia khác có thể là những nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc, khi nước này đang cố gắng hiện thực hóa “Đường 9 đoạn” phi pháp của mình.
Chủ tịch Hạ viện J.Belmonte nói rằng, Philipppines và Việt Nam cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế phải đoàn kết ngăn chặn các hành động hung hăng vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền biển đảo.
Đồng tình những ý kiến của Chủ tịch Hạ viện Belmonte, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, trong tình hình hết sức nghiêm trọng này, ASEAN cần có tuyên bố chung, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc.
Ngày 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon. Ông Drilon khẳng định, cá nhân ông và Thượng viện Philippines hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc của Chính phủ hai nước về việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việc tuân thủ công ước là một sự bảo đảm cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
Khuyến khích các tập đoàn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam
Sáng 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn bên lề WEF Đông Á. Thủ tướng thông báo về tình trạng một số kẻ xấu lợi dụng, kích động cuộc biểu tình của công nhân Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc, dẫn đến những hành động quá khích, gây thiệt hại về tài sản cho một số doanh nghiệp nước ngoài. “Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, đồng thời cam kết bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho các doanh nghiệp và nhân viên nước ngoài”, Thủ tướng nói. Trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng cũng khuyến khích các tập đoàn tiếp tục mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nêu rõ: “Mặc dù WEF là diễn đàn trung lập và thiên về thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng với nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế cũng cần được xem xét”. Ông kêu gọi các bên có bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại.