Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
TPO - Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte nhấn mạnh, Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Ngày 22/5, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Khu vực Đông Á (WEF) tại Thủ đô Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc Hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Philippines.

Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Ông cho rằng, ngay các nghị sỹ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành động này của Trung Quốc, và với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, ông và các nghị sỹ hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Tổng thống Benigno Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông.

Hạ viện Philippines cũng ủng hộ lập trường của hai nhà lãnh đạo rằng, hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte chia sẻ, ông có hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách thức mà Việt Nam giải quyết tranh chấp và xung đột với Trung Quốc để duy trì nền độc lập của mình.

Ông cũng khẳng định, cách hành xử của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế khi nước này đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và hành động hết sức nghiêm trọng lúc này là đưa giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Ông Feliciano J.Belmonte nhấn mạnh, Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, vì đây là vấn đề của cả hai nước, và hơn nữa phải kêu gọi sự ủng hộ quốc tế vì đây là vùng biển có tới 30 - 40% lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới đi qua.

Ông cũng cho rằng, việc Trung Quốc đã và đang làm với Philippines và Việt Nam mới chỉ là những sự việc bắt đầu, nếu các nước không đoàn kết ngăn chặn, các quốc gia khác có thể là những nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc khi nước này đang cố gắng hiện thực hóa “Đường 9 đoạn” phi pháp của mình.

Chủ tịch Hạ viện Feliciano J.Belmonte cho rằng, hai bên Lập Ủy ban Công tác chung là rất quan trọng và hy vọng Ủy ban này sẽ có những hoạt động phối hợp song phương để xây dựng lộ trình hướng tới đối tác chiến lược.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, Philipppines và Việt Nam cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế phải đoàn kết ngăn chặn hành động hung hăng vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền biển đảo của các nước.

Hoan nghênh về những ý kiến và quan điểm của Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông và Tổng thống Benigno Aquino đã nhất trí bảy tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đòi hỏi và tiến hành hiện thực hóa “Đường 9 đoạn”, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ chủ quyền trên Biển Đông đang bị xâm phạm nghiêm trọng, đồng thời coi đây là hành động nguy hiểm đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và tầu thuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam, và Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Nhất trí trong tình hình hết sức nghiêm trọng này, ASEAN cần có Tuyên bố chung. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc.

Về quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với quan hệ láng giềng hữu nghị, Việt Nam mong muốn cùng Philippines đưa quan hệ 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, làm sâu sắc hơn và đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân 2 nước, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời Chủ tịch Hạ viện Philippines thăm Chính thức Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện Feliciano J.Belmonte khẳng định sẽ sớm sang thăm Việt Nam.

Cũng trong ngày 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon.

Tại cuộc Hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng và mong muốn cùng Philippines đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.

Thủ tướng thông báo tới ông Franklin Drilon những nội dung quan trọng trong cuộc Hội đàm thành công với Tổng thống Benigno Aquino ngày 21 tháng 5, theo đó 2 bên nhất trí về hai vấn đề lớn, đó là đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đồng thời quyết định lập Ủy ban Công tác chung do hai Bộ trưởng Ngoại giao đứng đầu nhằm xây dựng lộ trình hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ hai là 2 bên đã nhất trí phê phán hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam, đồng thời kêu gọi ASEAN, cộng đồng quốc tế phê phán hành vi xâm phạm này của Trung Quốc.

Hai bên cho rằng, Trung Quốc ngày càng có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Dùng sức mạnh để thực hiện yêu sách phi lý “Đường 9 đoạn”, xâm phạm chủ quyền trên biển đảo của Việt Nam và các nước khác. Những hành động thời gian qua và mới đây của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam và Philippines cần tăng cường hợp tác, đoàn kết cùng ASEAN và quốc tế nhằm phê phán hành vi xâm phạm này của Trung Quốc và ủng hộ lập trường của hai nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và DOC.

Thủ tướng cũng cảm ơn chính giới và người dân Philippines đã ủng hộ quan điểm và lập trường của Chính phủ hai nước về vấn đề Biển Đông.

Về phần mình, Chủ tịch Franklin Drilon khẳng định: Cá nhân ông và Thượng viện Philippines hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc của Chính phủ hai nước về việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhất là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 mà Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việc tham gia Công ước đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải tuân thủ nghĩa vụ này, và việc tuân thủ là một sự bảo đảm cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Ông cũng cho rằng, chính việc tuân thủ này là lý do mà Philippines phải viện đến tòa án quốc tế để giải quyết khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước này.

Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon hoan nghênh Chính phủ hai nước tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhằm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Ông Franklin Drilon cũng nhận lời mởi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Chính thức Việt Nam và tham dự Đại Hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào năm 2015.

MỚI - NÓNG
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
TPO - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay có thể đạt mức tăng 7% như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý một số rủi ro trong quý IV về cơ cấu tăng trưởng, nhu cầu thị trường thấp...