Tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới) được tổ chức tại Paris (Pháp), Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với 121/171 phiếu hợp lệ.
Với 121 phiếu hợp lệ, Việt Nam chiếm vị trí cao nhất trong nhóm bốn khu vực châu Á Thái Bình Dương, đứng thứ 3 trong tổng số 9 nước được bầu ở 5 khu vực.
Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của UNESCO. Ủy ban có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc ghi danh các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu, quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp cho biết đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO.
"Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của ta trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu, ghi nhận đóng góp thiết thực của ta trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, trên thế giới", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nêu.
Đoàn Việt Nam tham sự Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới). Ảnh: Cục Di sản văn hóa. |
Bên cạnh đó, việc trúng cử này góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.
Khung cảnh Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). |
Trong nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ tham gia cùng lúc năm cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO bao gồm: thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, Phó chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 -2027.
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - khẳng định từ năm 1987 tham gia Công ước Di sản Thế giới đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế - xã hội và chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực di sản thế giới.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa khẳng định với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên khác đảm nhận trọng trách giám sát việc thực thi Công ước, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của 1.199 di sản thế giới trên toàn cầu, xem xét các tiêu chí để ghi danh các di sản thế giới mới nhằm gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững của thế giới.
Đại hội đồng lần thứ 24 Công ước Di sản Thế giới diễn ra trong 2 ngày từ 22-23/11.