Việt Nam lên tiếng nhân 5 năm phán quyết Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Bà Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Mofa)
Bà Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Mofa)
TPO - Ngày 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông nhân dịp kỷ niệm 5 năm Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng.

Bà Hằng khẳng định, lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).

“Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.

Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước.

Ngày 12/7/2016, Toà trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay, Hà Lan, ra phán quyết cho vụ kiện mà Philippines là đương đơn để bác bỏ “quyền lịch sử” và của Trung Quốc ở Biển Đông và kết luận các yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển này không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết và tiếp tục gia tăng hiện diện ở Biển Đông.

Nhân lễ kỷ niệm năm nay, nhiều bên đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nội dung trong phán quyết.

Ngày 11/7, chính quyền Biden ra tuyên bố khẳng định ủng hộ quan điểm từ thời chính quyền Trump về việc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

MỚI - NÓNG