Viết bài điều tra-hiểm nguy khó lường

PV Minh Đức tiếp cận kho gỗ đốn hạ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: PV
PV Minh Đức tiếp cận kho gỗ đốn hạ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: PV
TP - Để triển khai những đề tài gai góc như nạn cát tặc lộng hành sông Hồng, rút ruột xe bồn, cây xanh đi về đâu…, phóng viên Tiền Phong (PV) phải đối mặt nhiều mối nguy hiểm bởi sự bảo kê của các băng nhóm giang hồ cộm cán, hiện trường phức tạp...

Vụ gần nghìn cây xanh ở thủ đô Hà Nội bị đốn hạ đã khiến dư luận dậy sóng. Câu hỏi được dư luận đặt ra khi đó là, những thân cây vừa được đốn hạ đi về đâu? Chính vì thế, PV đầu tư công sức, trang thiết bị hiện đại lần theo dấu vết của những hạt mạt cưa, những chiếc lá rơi để tìm đến kho tập kết gỗ vừa được đốn hạ trên đường phố Hà Nội.

Điều đáng nói, vào thời điểm đó, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, nhưng ông này không cung cấp thông tin, địa chỉ. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, kết hợp cùng với phương tiện tác nghiệp hiện đại, trong 3 ngày, chúng tôi đã lần ra được khu vực tập kết gỗ. Bãi tập kết gỗ được quây tôn kín, cao chừng 3m nằm ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Những cây gỗ được tập kết dưới tán cây tại một vườn ươm với diện tích trên 10ha, phía ngoài được bố trí “nhân viên” cảnh giới nghiêm ngặt đến mức nhiều đồng nghiệp dùng cả flycam cũng không thể ghi hình.

Để phòng ngừa nguy hiểm, PV đã mua 1 chiếc diều, lựa chiều gió cho bay vào khu vực tập kết gỗ, khi lộ bài sẽ vịn lý do vào lấy nó. Khi chiếc diều đã bay vào bãi đất, PV tiếp tục trèo lên cây rồi đánh đu cành cây mới vượt qua được bức tường tôn sắc lẹm đầy nguy hiểm. Ngoài ra, chúng tôi hỏi han người dân, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô như quốc lộ 6, đại lộ Thăng Long, đường Giải Phóng... cùng với việc lần theo những hạt mạt cưa, lá rơi trên đường, PV phát hiện một số xe tải chở gỗ xà cừ chạy trên quốc lộ 21, có xe rẽ vào làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai.

Kết quả, bài viết “Theo dấu cây xanh vừa bị đốn hạ ở Thủ đô” ra ngày 23/3 đã thu hút được hàng triệu lượt độc giả. Ngày 24/3, bài viết “Hé lộ nguồn gốc cây xanh trồng mới ở Hà Nội” cũng được độc giả đặc biệt quan tâm. Khi tác nghiệp, PV đã dò hỏi thông tin, người dân, lực lượng CSGT, cán bộ Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nguyễn Văn Cừ… Ngoài ra, chúng tôi thu thập hình ảnh từ camera giám sát tại các tuyến đường trên. Kết quả, chúng tôi đã chứng minh được cây mới trồng ở đường phố Hà Nội là cây gỗ mỡ được mua tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Và mới đây, kết luận Thanh tra thành phố Hà Nội khẳng định, cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là gỗ mỡ, chứ không phải vàng tâm như trong Đề án.

Về vấn nạn cát tặc sông Hồng, người dân địa phương vẫn rỉ tai nhau về các đối tượng giang hồ cộm cán hoành hành trên dòng sông này. Theo tìm hiểu của PV, những đối tượng khai thác cát thường bố trí các “chim mồi” canh gác cả trên bờ lẫn dưới lòng sông rất cẩn mật. Để ghi được hình cận cảnh những chiếc tàu cuốc hút cát giữa dòng sông, chúng tôi đã phải ôm những chiếc can nhựa vừa để làm phao bơi đồng thời để nguỵ trang phương tiện tác nghiệp.

Sau khi bài báo điều tra được đăng tải, Bộ Công an đã trực tiếp chỉ đạo triệt phá 54 tàu chở, khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.