Viện trưởng VKS tối cao nói về biện pháp điều tra đặc biệt

TP - Trao đổi với Tiền Phong về biện pháp điều tra đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự vừa được Quốc hội thông qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, biện pháp trên sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ, không để lợi dụng, xâm phạm đến bí mật đời tư của công dân.

Chống bỏ trốn, tẩu tán tài sản

Biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật là đụng chạm đến quyền bí mật đời tư của người dân. Vậy vì sao lần này chúng ta quyết tâm đưa vào, thưa ông?

Viện trưởng VKS tối cao nói về biện pháp điều tra đặc biệt ảnh 1

 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Biện pháp điều tra đặc biệt không phải là biện pháp mới đối với quốc tế. Khi làm dự án luật này chúng tôi có tham khảo luật Tố tụng Hình sự của 15 quốc gia khác nhau, trong đó có những quốc gia có những thể chế chính trị giống chúng ta, chẳng hạn như Trung Quốc, hay quốc gia trước đây có nền tư pháp giống như chúng ta ví dụ như Nga, Hungary… Và những quốc gia tiên tiến hơn như Đức, Pháp, Mỹ… Tất cả các quốc gia này đều có quy định biện pháp điều tra đặc biệt.

Ở Việt Nam trước đây có dự án luật chuyên sâu, chúng ta cũng cho phép áp dụng biện pháp này đối với một số loại tội, ví dụ như tội ma túy… Tuy nhiên về chức năng, việc quy định biện pháp này vào Luật Tố tụng Hình sự mới đúng. Luật Tố tụng Hình sự quy định những biện pháp được phép tiến hành khi làm sáng tỏ vụ án.

Hơn nữa, chúng ta đã tham gia nhiều công ước của Liên Hợp Quốc, trong đó có công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức. Chúng ta cũng đã cam kết sẽ luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt này. Cho nên việc bàn và tiến tới đưa một chương quy định biện pháp điều tra đặc biệt là một đòi hỏi tất yếu của việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Khi thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt này có tác dụng gì đến việc phòng chống tội phạm, thưa ông?

Có thể nói trong nhiều trường hợp, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp. Trước đây chúng ta không quy định trong luật thì phải chuyển hóa, trong nhiều trường hợp thì không chuyển hóa được. Như vậy chúng ta đã từ chối một nguồn chứng cứ hết sức thuyết phục, thậm chí người phạm tội phải tâm khẩu phục ngay, thậm chí còn thuyết phục ngay cả với dư luận về hành vi phạm tội. Thế giới người ta cho đây là nguồn chứng cứ rất quý để chứng minh tội phạm. Nếu không quy định thì chúng ta không có nhiều chứng cứ để chống tội phạm, do vậy đây cũng là một đòi hỏi xuất phát từ thực tế trong đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt đối với một số tội phạm nguy hiểm. Đó chính là giá trị của nguồn chứng cứ này.

Lý do chính mà chúng ta quy định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng, rửa tiền… mà không phải là nhiều loại tội phạm khác là gì, thưa ông?

Tội phạm tham nhũng thì phải đưa vào vì đây là loại tội phạm rất nguy hiểm. Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng người ta cũng đòi hỏi mọi quốc gia phải áp dụng các biện pháp cần thiết, đủ mạnh và biện pháp này cũng là một biện pháp đặc biệt. Khi áp dụng điều tra đặc biệt là phải làm sáng tỏ vụ án, thứ nữa là ngăn chặn tội phạm trốn chạy và ngăn chặn được các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản.

Viện trưởng VKS tối cao nói về biện pháp điều tra đặc biệt ảnh 2

Áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt được đánh giá là hiệu quả trong việc chống nghi phạm bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Trong ảnh: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Ảnh: P.V.

Áp dụng có thời gian

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại việc áp dụng các biện pháp như ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật là xâm phạm đến quyền đời tư của công dân và rất dễ bị lợi dụng?

Quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tính đến việc có thể có sự lợi dụng để xâm phạm quyền con người trong đời tư. Trong sự cân nhắc giữa đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm nguy hiểm và việc bảo vệ những cái khác thì rõ ràng lợi ích xã hội ở đây rất cao. Trong khi tính đến bảo vệ quyền con người luật cũng đã tính đến điều khoản để chống lạm dụng. Do đó biện pháp này chỉ được áp dụng trong những điều kiện đặc biệt, ví dụ về tội danh thì chúng ta chỉ cho phép tội xâm phạm lợi ích quốc gia, tội phạm ma túy và tội tham nhũng, tội phạm có tổ chức.

Khi áp dụng biện pháp trên thì mối quan hệ với nhà mạng sẽ ra sao, thưa ông?

Ở đây Bộ luật Tố tụng Hình sự mới chỉ quy định trình tự thẩm quyền thời hạn thôi còn cách thức như thế nào thì phải từ các cơ quan chuyên môn. Tức là sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện cũng như cách thức hợp tác với các nhà mạng.

Bên cạnh đó Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng có những quy định để hạn chế lạm dụng. Đơn cử như chỉ áp dụng biện pháp này sau khi có quyết định khởi tố, hay chỉ có cấp thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên mới có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp này và phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Việc áp dụng này phải có thời hạn chứ không phải vô hạn. Tài liệu thu thập được từ biện pháp này có thể khác nhau nhưng cơ quan điều tra chỉ được áp dụng làm tài liệu để đấu tranh phòng chống tội phạm, còn những tài liệu khác nếu sử dụng là vi phạm pháp luật, là vi phạm xâm phạm đời tư. Do vậy chúng ta hoàn toàn yên tâm sẽ không có một bí mật đời tư nào nếu ngẫu nhiên phát hiện được thông qua biện pháp này mà được sử dụng để chống lại người dân. Giải pháp này hết sức văn minh.

Trước đây Dự thảo còn quy định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt theo yêu cầu của người tố cáo, nhưng tại sao sau đó lại không đưa vào, thưa ông?

Đúng là như thế. Chúng tôi cũng hơi tiếc khi nội dung quy định nạn nhân được phép yêu cầu làm công tác điều tra đặc biệt không được đưa vào. Chẳng hạn như chúng ta thấy, trong trường hợp một người phụ nữ có con bị bắt cóc, cô ta bảo phải mang tiền đến bao nhiêu thì mới thả con. Cô ấy bị đẩy vào tình huống khẩn cấp và nguy hiểm. Cô ta yêu cầu cơ quan điều tra nghe điện thoại bí mật, để lấy thông tin tội phạm. Đây là trường hợp đầu tiên mà thế giới cho là cần phải áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên rất tiếc lại không được đưa vào, mặc dù chúng tôi và Bộ Công an tha thiết về việc này.

Tôi nghĩ vào một thời điểm nào đó chúng ta sẽ bổ sung nội dung này. Đây là trường hợp đầu tiên để thế giới quyết định thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt mà chúng ta lại không áp dụng quy định này.

Nếu chúng ta thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt nhưng sau đó cơ quan điều tra lại kết luận người ta không phạm tội thì việc xử lý đối với các chứng cứ như ghi âm, ghi hình… sẽ ra sao?

Lúc đó việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt không thu thập được chứng cứ gì cả. Nếu có chứng cứ đã căn cứ vào đó để khởi tố rồi. Ở đây tôi xin khẳng định lại mục tiêu cao nhất và nỗ lực cao nhất là cơ quan điều tra chống tội phạm chứ ngoài ra không còn mục tiêu gì khác. Tôi cho rằng, cấp có thẩm quyền luôn có trách nhiệm trong việc áp dụng biện pháp này cho chặt chẽ. Quy định như thế này của Luật mà không có căn cứ để áp dụng, không đủ thẩm quyền phê chuẩn, hoặc tài liệu thu được không đúng mục đích sẽ bị xử lý ngay, như thế là có sự ràng buộc chứ không phải không.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG