Cụ thể, thừa ủy quyền của ông Lưu Bình Nhưỡng, ngày 5/1, vợ ông Nhưỡng đã tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình nộp 300.000 USD khắc phục hậu quả cho chồng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng khi chưa bị bắt. |
Về việc này, ngày 6/1, trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc nộp tiền khắc phục hậu quả có thể nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án yêu cầu hoặc cơ quan điều tra sẽ viết giấy đề nghị nộp cho chi cục thi hành án dân sự.
Trường hợp nộp cho cơ quan điều tra, cơ quan này sau đó sẽ chuyển tới cơ quan thi hành án dân sự. Khi bản án có hiệu lực, những khoản tiền bị can, người nhà bị can nộp sẽ được chi cục thi hành án dân sự trả cho bị hại hoặc nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Trước đó, ngày 26/12/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật hình sự.
Theo cáo buộc, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định được số tiền ông Nhưỡng trục lợi là 300 nghìn USD, tương đương hơn 7 tỷ đồng Việt Nam. Tại Cơ quan điều tra, ông Nhưỡng đã thừa nhận hành vi phạm tội và số tiền mình đã trục lợi.
Theo diễn biến sự việc, ngày 14/11/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1964, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Việc bắt ông Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (SN 1986, thường gọi là Cường "Quắt"), đối tượng hình sự có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.