Vì sao tặng giải Nobel Hòa bình cho trẻ em?

Ông Kailash Satyarthi và thiếu nữ Malala Yousafzai được ghi nhận công lao góp phần cải thiện quyền của trẻ em. Ảnh: BBC
Ông Kailash Satyarthi và thiếu nữ Malala Yousafzai được ghi nhận công lao góp phần cải thiện quyền của trẻ em. Ảnh: BBC
TP - Chính xác 2 năm 1 ngày sau khi bị các tay súng Taliban bắn vào đầu vì dám lên tiếng đòi quyền học hành cho các bé gái, thiếu nữ Pakistan Malala Yousafzai được trao giải Nobel Hòa bình, trở thành người trẻ tuổi nhất (17 tuổi) nhận giải này.

Hôm qua, cùng được trao giải Nobel Hòa bình 2014 là nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ - ông Kailash Satyarthi 60 tuổi.

Năm 2012, Malala bị một tay súng Taliban bắn trên một xe buýt đưa đón học sinh, vì thiếu nữ này tích cực vận động các bạn cùng lứa đến trường ở khu vực mà lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát. Sau đó, Malala được chuyển bằng máy bay đến Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth tại thành phố Birmingham (Anh) để chữa trị những vết thương đe dọa mạng sống.

Kể từ khi bình phục, Malala sống tại Birmingham cùng cha và vẫn không ngừng đóng góp vào phong trào đấu tranh vì quyền học hành cho các bé gái. Cô từng phát biểu trước Liên Hợp Quốc, gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama và trở thành một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn năm 2013. Năm ngoái, cô cho xuất bản cuốn hồi ký “I am Malala” (Tôi là Malala). 

Đến nay, Malala vẫn nhận được lời đe dọa từ các tay súng Taliban ở Pakistan, những kẻ luôn tìm cách làm cho cô vĩnh viễn không thể lên tiếng được nữa. Tháng trước, nhóm 10 tay súng tìm cách giết Malala đã bị bắt, quân đội Pakistan cho biết.

Trong một thông báo, Ủy ban Nobel viết: “Dù trẻ tuổi, Malala Yousafzai đã nhiều năm đấu tranh cho quyền được học của các bé gái, và đã trở thành một tấm gương khẳng định rằng, trẻ em và những người trẻ cũng có thể đóng góp để cải thiện tình cảnh của chính họ. Điều đó đã được thực hiện trong những hoàn cảnh nguy hiểm nhất. Thông qua sự đấu tranh dũng cảm của mình, cô đã trở thành phát ngôn viên hàng đầu về vấn đề quyền học hành cho các bé gái”.

Tặng giải thưởng cho trẻ em

Đồng chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay là ông Kailash Satyarthi - nhà sáng lập của tổ chức Bachpan Bachao Andolan, tức Save the Childhood Movement, phong trào đấu tranh vì quyền trẻ em và chấm dứt tình trạng buôn người.

Ủy ban Nobel nói rằng, ông Satyarthi đã “thể hiện lòng dũng cảm lớn lao, duy trì truyền thống của Gandhi và dẫn đầu nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình hòa bình tập trung vào tình trạng bóc lột nghiêm trọng trẻ em vì mục đích lợi nhuận”.

Ngoài ra, “ông cũng đóng góp cho sự phát triển của nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Ủy ban Nobel coi đó “là điểm quan trọng đối với một người Ấn Độ giáo và một người Hồi giáo - một người Ấn Độ và một người Pakistan tham gia vào cuộc đấu tranh chung vì giáo dục và chống lại chủ nghĩa cực đoan”.

Trước tin được nhận giải Nobel Hòa bình 2014, ông Satyarthi nói với BBC: “Đây là vinh dự lớn đối với tất cả người dân Ấn Độ, là vinh dự với tất cả những trẻ em vẫn còn sống trong cảnh nô lệ, bất kể công nghệ, thị trường và nền kinh tế có phát triển đến đâu”. Nhà hoạt động nói rằng, ông “tặng giải thưởng cho mọi trẻ em như vậy trên thế giới”.

Lựa chọn không gây tranh cãi 

Thiếu nữ Malala và ông Satyarthi sẽ được mời tham dự lễ trao thưởng tại thủ đô Oslo của Na Uy vào tháng 12 để nhận huy chương và khoản tiền thưởng tương đương 1,4 triệu USD. Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2011 Tawakkol Karman nói rằng, Malala và Satyarthi xứng đáng nhận giải năm nay; Satyarthi đã tham gia “một cuộc đấu tranh lâu dài và nổi bật vì quyền lợi của trẻ em”. 

Giải Nobel Hòa bình năm nay dường như là lựa chọn ít gây tranh cãi của Ủy ban Nobel Na Uy. Quan hệ giữa Na Uy với Trung Quốc vẫn chưa êm đẹp sau khi Ủy ban này chọn một nhân vật bất đồng chính kiến người Trung Quốc để trao giải Nobel Hòa bình 2010. Giải Nobel Hòa bình năm ngoái được trao cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Tại thời điểm đó, vai trò của cơ quan này trong việc giám sát quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria mở ra cơ hội mong manh cho một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng của Syria. Nhưng tình hình bạo lực ở Syria ngày càng tồi tệ hơn, và người ta vẫn lo ngại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục che giấu kho vũ khí hóa học. 

Mùa Nobel năm nay sẽ kết thúc với giải thưởng Kinh tế được công bố vào thứ Hai tới.

Số người được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay cao kỷ lục: 278, trong đó có cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Giáo hoàng Francis... Trong danh sách đề cử còn có điều khoản chống chiến tranh của Hiến pháp Nhật Bản và Chương trình đối tác Trạm Vũ trụ Quốc tế.

MỚI - NÓNG