Vì sao Mỹ tập trận với các sân bay dã chiến ở Thái Bình Dương là tin xấu với Trung Quốc?

Tiêm kích F-35A của Mỹ hạ cánh xuống một đường băng dã chiến trên đảo Guam
Tiêm kích F-35A của Mỹ hạ cánh xuống một đường băng dã chiến trên đảo Guam
TPO - Khả năng hoạt động của các chiến đấu cơ Mỹ từ những sân bay dã chiến đặc biệt được đánh giá cao trong bối cảnh khả năng tấn công tầm xa của các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng lên, với các khí tài như máy bay ném bom mang tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung có thể đe dọa nghiêm trọng các sân bay của Mỹ (hoặc Mỹ đang sử dụng) trên khắp khu vực Đông Á.

Và khi khả năng này của quân đội Mỹ tăng lên, đó là tin xấu đối với Trung Quốc.

Cụ thể là Lực lượng Không quân Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương với nội dung vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tại các sân bay dã chiến.

Những chiến đấu cơ tàng hình F-35 được triển khai đến Sân bay Tây Bắc của đảo Guam cùng với những chiếc F-16 cũ hơn được sử dụng để chứng minh khả năng cất hạ cánh từ những đường băng kém hoàn hảo.

Đáng chú ý, dòng tiêm kích tàng hình F-35A được sử dụng bởi Không quân Mỹ được thiết kế để triển khai từ các đường băng tiêu chuẩn và tương đối dài, trong khi F-35B được thiết kế cho Thủy quân lục chiến Mỹ có khả năng chiến đấu kém hơn nhưng phù hợp hơn nhiều để hoạt động từ những nơi được bảo quản kém hoặc thậm chí là sân bay dã chiến đường băng tạm do khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Khả năng hoạt động từ các sân bay dã chiến đặc biệt được đánh giá cao trong bối cảnh khả năng tấn công tầm xa của các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng lên, với các khí tài như máy bay ném bom mang tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung có thể đe dọa nghiêm trọng các sân bay của Mỹ (hoặc Mỹ đang sử dụng) trên khắp khu vực Đông Á.

Mặc dù có rất nhiều căn cứ không quân lớn mà máy bay chiến đấu của Mỹ có thể từ đó triển khai trong khu vực Đông và Đông Bắc Á, nhưng khả năng hoạt động từ một căn cứ nhỏ hơn, ở tình trạng kém hoàn hảo có thể là chìa khóa cho phép máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ vẫn sống sót sau giai đoạn mở đầu của một cuộc chiến.

Máy bay Mỹ theo truyền thống thường ít chú trọng đến khả năng hoạt động từ các sân bay dã chiến, đó là điều mà các máy bay chiến đấu của Nga và Thụy Điển như MiG-29, Su-27 và Gripen đặc biệt nổi tiếng. Cuộc tập trận tập trung vào các hoạt động như vậy cho các đơn vị F-35A và F-16 là nội dung chính của một sáng kiến mới được đề xuất nhằm cung cấp một số lượng lớn các địa điểm hoạt động phân tán hơn cho các đơn vị tiêm kích của Mỹ để tránh nguy cơ phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các sân bay lớn trong khu vực.

Được đặt tên là cuộc tập trận Triển khai Chiến đấu Linh hoạt (ACE), một thông cáo báo chí chính thức của Không quân Mỹ nêu rõ về mục đích của nó: “ACE là khái niệm chiến đấu mới mà Lực lượng Không quân Thái Bình Dương đang thực thi để đảm bảo sự nhanh nhẹn, tính răn đe và khả năng phục hồi trong một cuộc tranh chấp hoặc môi trường suy thoái."

Các cơ sở mới tiềm năng có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu của Mỹ, là cơ sở dự phòng cho Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam, trung tâm chính của các hoạt động của không quân Mỹ trong khu vực, bao gồm không chỉ Sân bay Tây Bắc của Guam mà còn cả các cơ sở tiền phương trên đảo Wake và đảo Tinian. Khả năng chống máy bay và phòng không đáng kể của các đối thủ của Mỹ trong khu vực có thể buộc các căn cứ này hoạt động với nguồn cung cấp hậu cần rất hạn chế và không có khả năng sửa chữa nhanh chóng các thiệt hại.

Tuy nhiên, ngay cả khi được huấn luyện và chuẩn bị thích hợp, mức độ mà các máy bay như F-35A có thể hoạt động từ một sân bay kém hoàn hảo vẫn còn hạn chế, và không giống như trên F-35B hoặc các máy bay chiến đấu như MiG-35 hoặc Gripen E, các phi công F-35A sẽ phải  rất nỗ lực để có thể thành thục việc sử dụng đường băng tạm thời.

MỚI - NÓNG