Vì sao không in sách về án oan?

Vì sao không in sách về án oan?
TP - Trong vụ án “Trộm cắp cổ vật ở Bắc Giang” (Tiền Phong từng đăng bài tham gia giải oan), khi khai tại CQĐT, hàng loạt bị can đã nhận chính họ trộm cắp cổ vật ở các chùa, miếu. Lời khai của họ khớp nhau ở nhiều tình tiết cơ bản, khớp với tài sản nhà chùa bị mất, với hiện trường, với thời gian các vụ trộm…

Tòa xin lỗi, bồi thường 105 triệu đồng

Nếu chỉ cứng nhắc “án tại hồ sơ”, hẳn sẽ có căn cứ để kết tội các bị can. Việc trước tòa họ phản cung, kêu oan, thì chụp đại cho cái mũ “ngoan cố”, “chối tội”, là có quyền cao giọng tuyên bố “bản án đã xét xử hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Việc giải oan cho những người không vi phạm pháp luật chẳng may vướng vào vòng lao lý, thường khó khăn vô cùng. Nhìn lại những vụ án như “Giết người ở vườn điều Bình Thuận”, “Trộm cắp cổ vật ở Bắc Giang”, người ta sẽ thấy nếu cứ tuyệt đối trung thành với kiểu lý luận “án tại hồ sơ”, “lời khai tại toà của bị cáo không đáng tin cậy”, “không có bằng chứng về việc bị cáo bị ép cung”, sẽ chẳng thể nào giải oan được cho họ.

Những vụ án đã được kết luận oan sai, hầu như không thấy người ta tổ chức hội thảo khoa học, công bố tài liệu lên internet, để nhiều người cùng rõ, cùng rút kinh nghiệm. Tuy có xin lỗi, bồi thường đấy, song hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có lời đáp, chẳng hạn: Có hay không mớm cung, bức cung, nhục hình? Có hay không vi phạm tố tụng khiến thật giả lẫn lộn, “ngụy cứ” bỗng trở thành “chứng cứ”? Có hay không sự tắc trách, chưa tận tâm tận lực với công việc của các cán bộ tiến hành tố tụng?

Cần nhận ra những dấu hiệu mớm cung, bức cung, mạo dựng vật chứng, sửa chữa hiện trường, hoặc đơn giản là khăng khăng chỉ cột mà không cởi. Phải nhận ra những dấu hiệu đó, có chế tài đấu tranh với nó, mới tránh lặp lại việc làm oan cho người vô tội.

Người ta đang xuất bản những ấn phẩm tập hợp các bản án giám đốc thẩm, coi đây là những tài liệu cần thiết cho những ai quan tâm đến hoạt động pháp đình. Thiết nghĩ, ngành Toà án cũng nên in thêm những ấn phẩm tập hợp các kết luận điều tra, cáo trạng, bản án trong những vụ án oan, để nhiều người nhìn vào đó mà tránh được vết bánh xe đổ.

“Sáng kiến” này không mới. Nhiều năm trước, trên thị trường sách đã có cuốn “Oan sai”, tập hợp 30 vụ án oan rất gây chú ý bạn đọc. Tiếc rằng, 30 vụ kỳ án này không xảy ra ở Việt Nam, mà ở... Trung Quốc, cũng không phải từ thời ông Bao Công còn xử án, mà thời nước bạn đã chuyển sang kinh tế thị trường, và thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động tư pháp.

Những người biên dịch các bài viết trong cuốn sách rút ra 8 nguyên nhân dẫn đến án oan sai ở nước bạn: Suy diễn; xét xử qua loa, đại khái; định tội dựa vào khẩu cung; bao che tội phạm; hành pháp chuyên quyền; chạy theo lợi ích kinh tế; lén bỏ tang vật để hãm hại; định tính sai. Thiết nghĩ, những chuyện này cũng có ở những vụ án “Giết người ở vườn Điều Bình Thuận, “Trộm cắp cổ vật ở Bắc Giang”...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.