Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến phòng khám nội khoa (số 44 Lê Hồng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột) gặp bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, người đã thực hiện thành công nhiều ca “mổ sống” trên Mặt trận Tây Nguyên những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông Hòa sinh năm 1938, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Hà Nội.
Năm 1960, khi đang là sinh viên đại học Y dược Hà Nội, chuyên ngành Y khoa thực tập tại bệnh viện Bạch Mai, ông may mắn được gặp Bác Hồ. Nhớ lại ngày ấy, ánh mắt ông sáng hẳn lên, ông kể: Hay tin Bác đến thăm bệnh viện, tôi vui lắm. Dù đã nghe kể nhiều về Bác, nhưng lần đầu được gặp, cảm giác xôn xao khó tả thành lời. Bác ăn mặc giản dị, điềm đạm nói chuyện, cởi mở tâm tình nhưng vẫn toát lên vẻ uy phong của vị lãnh tụ. Lời Bác dặn gắng học thật giỏi phục sự đất nước sau này, tôi khắc ghi trong lòng.
Tốt nghiệp, ông sang Đức, Trung Quốc học thêm về chấn thương, đông y rồi về bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) bắt đầu sự nghiệp cứu người. Tại đây, ông tiếp tục được giáo sư Tôn Thất Tùng rèn dạy.
Cuối năm 1964, đã có vợ và 3 con nhỏ, ông Hòa vẫn xung phong vào chiến trường miền Nam cứu chữa thương binh.
Sau một năm cứu thương trên chiến trường Lào, ông Hòa được lệnh chuyển về Việt Nam, tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên.
Chiến tranh ác liệt, bệnh xá tiền tuyến chỉ là những túp lều tạm bợ, dựng dưới hầm hào đạn bay vèo vèo. Bộ đội đi đến đâu, đội ngũ bác sĩ theo đến đấy. Qua mỗi trận đánh, thương binh nằm la liệt, ê kíp cứu thương chỉ 2 bác sĩ, 4 y tá “căng” mình làm việc. Nhiều ca nguy kịch, thiếu thốn thuốc men, ông Hòa quyết định “mổ sống”. Nhớ lại ca mổ đầu tiên, ông kể: Trong trận đánh năm 1965, chiến sĩ Dương, người Hà Nội bị mảnh pháo bắn xuyên qua đùi, đứt một tinh hoàn. Lúc tiếp cận, Dương đã ngất lịm, máu chảy khắp người. Tình thế nguy cấp, phải mổ ngay nhưng thiếu thuốc gây mê, tôi hội ý nhanh quyết định gây tê rồi mổ sống. Lấy lá cây chùm hôi, nhọ nồi cầm máu; cây chó đẻ chống viêm; nước dừa truyền dịch; lá chuối non thay băng bông... Vậy mà cuộc đại phẫu thành công, Dương hồi phục dần. Cả ê kíp thở phào nhẹ nhõm.
“Phần lớn các ca mổ đều thiếu thuốc gây mê nên các chiến sĩ phải chịu đựng những cơn đau cắt da cắt thịt đúng nghĩa”, ông tâm sự.
Chiến tranh kết thúc, ông tình nguyện ở lại Tây Nguyên cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho ngành y tế tỉnh Đắk Lắk.
Gần 80 tuổi, ông vẫn chưa thôi nghiệp trị bệnh cứu người. Ngoài mát tay, bắt bệnh giỏi, ông còn có tấm lòng thơm thảo sẵn sàng khám, chữa miễn phí cho người nghèo khó.
Ông Siu Pui (Ama Thương) nguyên Trưởng ban quân dân y tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh, nguyên Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk…cho biết: Ngày xưa, tôi cũng là bác sĩ tham gia cứu thương tại Mặt trận Tây Nguyên cùng với bác sĩ Hòa. Bác sĩ Hòa rất vững tay nghề, chiến trường thiếu thốn thuốc men, ông nhanh trí dùng các vị thuốc rừng cứu thương rất hiệu quả. Những cống hiến đáng trân trọng của ông được nhiều người ghi nhận, yêu quý.